PCI - “chiếc áo chung” không vừa cho tất cả

Cập nhật: 18-04-2015 | 08:14:34

Theo kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh các tỉnh, thành (PCI) vừa được Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố, không bất ngờ khi Đà Nẵng tiếp tục giữ vững vị trí quán quân trên bảng xếp hạng. Bất ngờ lại đến từ TP.HCM khi lần đầu tiên đứng ở vị trí thứ 5, còn sự giật mình lại đến từ tỉnh Điện Biên khi đứng ở vị trí bét bảng. Có thể nói, Chỉ số PCI hàng năm đã phản ánh được phần nào bức tranh chung về năng lực điều hành, môi trường kinh doanh ở cấp tỉnh, thành.

Tuy nhiên, dù có xếp ở thứ hạng nào, điều quan trọng nhất đối với môi trường đầu tư của các địa phương là phải nhận được sự hài lòng, đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp. Mặt khác, dù có đứng ở vị trí nào đi chăng nữa thì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư vẫn phải thể hiện qua những con số cụ thể, không chỉ đơn thuần coi PCI là một cuộc chạy đua thứ hạng.

Có một chuyên gia kinh tế cao cấp khi bình luận về PCI đã từng nói rằng: “Một chiếc áo không vừa cho tất cả”. Chính vì thế, các chỉ số thành phần trong PCI tuy là một cơ sở quan trọng để đánh giá chung về năng lực điều hành, môi trường đầu tư kinh doanh nhưng ở từng địa phương cụ thể, Chỉ số CPI cũng chỉ là một “chiếc áo chung”, không phải địa phương nào cũng “khoác” vừa vặn và vì thế các chỉ số này nên được xem là cơ sở để tham khảo, từ đó có những điều chỉnh trong công tác lãnh đạo, điều hành. Mặt khác, ở từng địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cũng có mức độ đánh giá về môi trường đầu tư, kinh doanh khác nhau. Đối với các địa phương trước đây chưa tạo được sự thông thoáng, thân thiện, sức hấp dẫn cho môi trương đầu tư, nay có những cải cách, đương nhiên sẽ nhận được sự đánh giá cao tức thì của doanh nghiệp. Còn các địa phương vốn lâu nay có môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến sản xuất, kinh doanh, sự đánh giá của doanh nghiệp cũng sẽ khắt khe hơn. Âu cũng là lẽ thường tình vì tâm lý chung của doanh nghiệp là dù môi trường đầu tư đã tốt rồi, nhưng họ vẫn muốn chính quyền địa phương có thêm những đột phá mới để tiếp tục tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn nữa, theo hướng không ngừng được cải thiện.

Cuối cùng, vị trí trên bảng xếp hạng PCI sẽ không có ý nghĩa gì khi một địa phương đứng ở vị trí cao nhưng hiệu quả thu hút đầu tư lại không đạt được. Bình Dương, nhiều năm trước đây luôn đứng ở vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng, thậm chí những năm liên tiếp đứng ở vị trí quán quân về PCI. Điều này được phản ánh trên thực tế qua những con số rất ấn tượng về khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Trong 2 năm qua, dù vị trí trên bảng xếp hạng của Bình Dương không còn nằm ở top đầu nhưng môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương vẫn luôn nhận được sự hài lòng và đánh giá cao từ phía cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chỉ trong quý I-2015, Bình Dương đã thu hút thêm 3.835 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Hiện tại, địa phương đã có 18.001 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động với tổng vốn đầu tư lên đến 136.506 tỷ đồng. Cũng trong quý I, Bình Dương đã thu hút thêm trên 400 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, lũy kế đến nay đã có 20,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài tại địa phương. Chính vì thế, PCI giống như một “chiếc áo chung”, không vừa cho tất cả. Sau kết quả thứ hạng PCI, vẫn phải là một môi trường đầu tư thật sự hấp dẫn, làm hài lòng cộng đồng doanh nghiệp.

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên