Phân loại rác thải tại nguồn: Con đường hướng đến đô thị văn minh, hiện đại

Cập nhật: 04-07-2019 | 09:38:58

Hiện nay, các đô thị hiện đại trên thế giới đều thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Tại Việt Nam, nhiều đô thị đã thực hiện phân loại nhưng thành công mang lại chưa như mong muốn. Là tỉnh thường xuyên học tập nhiều nơi để rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó có hướng đi mới phù hợp thực tiễn của địa phương, Bình Dương quyết tâm thực hiện phân loại rác thải tại nguồn nhằm hướng đến xây dựng thành phố Bình Dương văn minh, hiện đại.


Bộ phận tiếp nhận rác thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương.
Ảnh: DUY CHÍ

Thí điểm 2 cấp

Sau khi học tập kinh nghiệm phân loại rác thải tại nguồn ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, Bộ phận nghiên cứu Sở Tài nguyên - Môi trường đã rút ra bài học kinh nghiệm: Sự thất bại của một số địa phương trong thực hiện đề án phân loại rác thải tại nguồn là do công tác định hướng chưa cụ thể, chưa sát thực tế; có nơi còn áp dụng cứng ngắc nhiều nội dung ghi trong đề án do được hưởng ưu đãi từ nguồn tài trợ nước ngoài...

Từ bài học kinh nghiệm đó, Sở Tài nguyên - Môi trường xây dựng chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2017-2018 thí điểm ở 2 cấp. Cụ thể, cấp tỉnh thí điểm trên trục đại lộ Bình Dương bắt đầu từ Bệnh viện Quốc tế Becamex (TX.Thuận An) đến Trung tâm Hành chính tỉnh đi qua các tổ chức, cơ sở lớn, tập trung đông người như bệnh viện, các siêu thị Aeon, Lotte, Mega Market, Coopmart, Khách sạn Becamex - Trung tâm thương mại Becamex, Chung cư Horizon…; cấp huyện chọn TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Bến Cát và TP.Thủ Dầu Một là các địa phương có mật độ dân cư đô thị cao, khả năng phát thải lớn.

TP.Thủ Dầu Một đầu tư mua sắm 202 thùng rác công cộng loại 120 lít, 26 thùng rác công cộng loại 240 lít, 21.033kg túi đựng rác tự hủy với số tiền 3 tỷ đồng trang bị cho phường Hiệp An để thực hiện thí đểm chương trình phân loại rác thải tại nguồn.

Cả 2 cấp thí điểm đều được trang bị thùng nhựa đựng chất thải phân loại ngay tại nguồn bằng 2 màu: Màu xanh đựng chất thải dễ phân hủy; màu vàng đựng chất thải khó phân hủy. Riêng ở cấp huyện, các địa phương được chủ động lựa chọn địa bàn, địa phương phù hợp để triển khai thí điểm chương trình. Sở Tài nguyên - Môi trường soạn thảo chương trình tờ rơi hướng dẫn đầy đủ các nội dung, phục vụ các địa phương thực hiện tuyên truyền, phổ biến đến hộ dân thực hiện phân loại.

Ông Ngô Thành Mua, Trưởng phòng Quản lý chất thải Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết kết quả triển khai trong 2 năm qua cho thấy chương trình đã phát huy tốt hiệu quả nhờ có chương trình, đề án cụ thể, sát thực tế. Đây là điểm khác biệt rất lớn so với các nơi khác do Bình Dương thực hiện bằng ngân sách địa phương. Nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện phân cấp quản lý, từ đó phát huy tính năng động, sáng tạo, hiệu quả của chương trình như tại TX.Dĩ An và các tổ chức lớn nằm trong tuyến cấp tỉnh.

Tuy vậy, theo ông Mua, chương trình cũng bộc lộ nhiều điểm bất cập cần khắc phục như: Người dân đã thực hiện phân loại tốt tại nguồn nhưng đơn vị thu gom không có phương tiện riêng biệt nên đã gom chung dẫn đến không phát huy hiệu quả. Vấn đề này sẽ được ngành liên quan khắc phục trong chương trình sắp tới nhằm thực hiện thành công chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn, hướng đến xây dựng thành phố Bình Dương văn minh, hiện đại theo chủ trương của tỉnh.

Phân loại tốt, người dân và Nhà nước đều có lợi

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nếu công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thực hiện tốt thì việc xử lý chất thải rắn vừa tiết kiệm vừa tạo ra nhiều sản phẩm vật chất hữu ích phục vụ cuộc sống, sản xuất. Ông Ngô Chí Thắng, Phó Giám đốc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương, đưa ra con số so sánh: Mỗi ngày tỉnh Bình Dương phát thải khoảng 1.800 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chất thải rắn khó phân hủy chiếm tỷ lệ 30%. Năm 2018, tiền xử lý chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh là 250 tỷ đồng.

Nếu thực hiện phân loại rác tại nguồn thành công thì tỉnh sẽ giảm được 30% chất thải khó phân hủy, tương đương 75 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Người dân khi tham gia thực hiện phân loại cũng có lợi là thu hồi lại chất thải khó phân hủy như vỏ chai, vỏ lon bia, giấy... để bán ve chai, phế liệu. Trung bình mỗi hộ đóng tiền thu gom rác thải từ 25.000 - 30.000 đồng/tháng thì tiền bán phế liệu thu hồi cũng đủ để đóng tiền thu gom rác.

Trở lại quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương, ông Thắng cho biết nếu đơn vị làm tốt khâu phân loại thì chi phí xử lý rác sẽ giảm đáng kể nhờ tiết kiệm thời gian, nhân lực, năng lượng... Cụ thể, khi rác tươi cho vào bể ủ, nếu đã phân loại thì thời gian ủ chín để sản xuất phân bón sẽ giảm, sản phẩm ra nhanh, giúp đơn vị quay nhanh dòng tiền.

Sau 2 năm tham gia thực hiện chương trình phân loại rác thải tại nguồn, đại diện Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương chỉ ra nguyên nhân hạn chế: Trước hết, do chương trình và kế hoạch triển khai thí điểm chưa có sự nghiên cứu, phối kết hợp giữa các đơn vị liên quan nên phạm vi thí điểm quá nhỏ. Bên cạnh đó, phương tiện vận chuyển của các đơn vị thu gom rác cơ sở chỉ có một loại xe. Cùng với đó, do tiết kiệm chi phí, cân đối lỗ lãi, các đơn vị phải bảo đảm phương tiện thu gom đầy tải mới vận chuyển, chứ không thể điều phương tiện 2 tấn đi thu gom 200kg sẽ lãng phí chuyến xe, tốn kém nhân lực, chi phí cầu đường...

* ÔNG NGÔ THÀNH MUA, TRƯỞNG PHÒNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI, CHI CỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG: Công tác tuyên truyền quyết định thành công chương trình

Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn có ý nghĩa rất quan trọng. Kinh nghiệm ở Nhật Bản cho thấy họ phải làm đến 10 năm, Đài Loan là 6 - 7 năm và người dân ở đây đã quen với việc phân loại rác thải tại nguồn; có nơi người dân phân ra từ 3 - 5 loại rác thải. Với tỉnh Bình Dương, chỉ chọn phân ra làm 2 loại rác thải dễ phân hủy đựng trong thùng màu xanh có dán hình ảnh để người dân nhận biết. Tại tỉnh, rác thải sinh hoạt khó phân hủy đựng trong thùng màu vàng có dán hình ảnh để người dân nhận biết; phương tiện thu gom rác thải cũng có màu sắc tương tự nên rất dễ nhận biết.

* ÔNG NGÔ CHÍ THẮNG, PHÓ GIÁM ĐỐC KHU LIÊN HỢP XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN BÌNH DƯƠNG: Phạm vi thí điểm phải phù hợp với phương tiện thu gom

Hai năm qua, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương làm nhiệm vụ hỗ trợ phương tiện thực hiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại tuyến đại lộ Bình Dương từ Bệnh viện Quốc tế Beacamex về đến Trung tâm Hành chính tỉnh. Thực tế cho thấy lượng rác thải sinh hoạt khó phân hủy thu gom trên cả tuyến chỉ chiếm 1/10 tải trọng phương tiện thu gom. Để bảo đảm hiệu quả chương trình, quy mô thí điểm cần được mở rộng với ước lượng rác thải phát sinh mỗi ngày khoảng 20 tấn để đơn vị thu gom điều động phương tiện thu gom triệt để, tiết kiệm, bảo đảm hiệu quả kinh doanh.

Trong điều kiện thực tế tài chính, kinh doanh của các đơn vị thu gom rác dân lập chưa đáp ứng yêu cầu, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương sẵn sàng đầu tư phương tiện để thực hiện thành công chương trình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, góp phần xây dựng thành phố Bình Dương văn minh, hiện đại.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên