Phẳng hơn để mạnh hơn

Cập nhật: 14-09-2018 | 08:30:38

Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 được tổ chức tại Hà Nội từ 11 đến 13-9 đã cho thấy rõ hơn một bức tranh về nền kinh tế số trong tương lai. Thế giới hiện đã bước đến giai đoạn mà không một lĩnh vực, ngành nghề nào có thể tách rời khỏi công nghệ thông tin (CNTT) và internet. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các quốc gia đang phát triển dù không ít thách thức.

Khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số, ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải tiến tới kết nối số, nếu không muốn bị tụt lại phía sau. Bởi kết nối và chuyển đổi số là yếu tố quan trọng nhất để tăng năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế. Để đón đầu xu thế này, Việt Nam đang hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, xã hội số. Trong bài trả lời phỏng vấn báo The Straits Times (Singapore), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước Chính phủ sẽ kiến tạo môi trường thuận lợi như một hệ sinh thái cho phát triển kinh tế số, trước hết là môi trường pháp lý, cơ chế chính sách. Tập trung xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, xã hội số, gắn kết chặt chẽ với công cuộc cải cách thể chế và ứng dụng CNTT. Phát triển đồng bộ hạ tầng CNTT, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn như ứng dụng vào quản lý nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, logistics, tài chính số, y tế… Từ những chủ trương, chính sách và bước đi của Chính phủ Việt Nam, bên lề hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN nhiều ông lớn trong lĩnh vực CNTT đã thực sự quan tâm và muốn hợp tác, đặc biệt là Facebook, Google đã muốn hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực nông nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các start-up...

Việt Nam hiện có khoảng 60% trong hơn 90 triệu người dân Việt Nam dưới 35 tuổi và khoảng 54% dân số sử dụng internet. Đây là điều kiện thuận lợi và là thị trường đủ lớn cho phát triển kinh tế số và đầu tư các mô hình kinh doanh mới ở Việt Nam. Cơ hội đã mở, làm thế nào để mỗi người dân, doanh nghiệp có thể tranh thủ tốt các cơ hội trong một thế giới ngày càng phẳng hơn để mạnh hơn? Còn nhớ, Thomas L.Friedman - tác giả cuốn sách nổi tiếng “Thế giới phẳng” trong lần chia sẻ với sinh viên, giảng viên Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đã có lời khuyên rằng, hãy sống có khát vọng hơn, phải có tư duy sáng tạo để sản sinh ra những sản phẩm đặc biệt, có giá trị, luôn tái suy nghĩ, học tập, thiết kế ra các sản phẩm mới, cung cấp thêm giá trị cho xã hội. Đúng vậy, phải “động não”, trăn trở với thời cuộc dù ở bất cứ lĩnh vực nào thì mới tạo ra giá trị đích thực trong một thế giới ngày càng phẳng hơn.

 TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết
Tags
ASEAN

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên