Phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa

Cập nhật: 16-12-2019 | 08:21:11

 Tính đến nay, trên địa bàn TX.Bến Cát có 3 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng công nhận, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia và 2 di tích cấp tỉnh. Đây chính là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và người dân trên địa bàn TX.Bến Cát. Vì thế, việc phát huy giá trị di tích rất được quan tâm thực hiện nhằm góp phần giáo dục truyền thống địa phương và lòng tự hào dân tộc đến với mọi người dân...

 Một góc di tích Tam giác sắt

 Niềm tự hào

3 di tích trên địa bàn TX.Bến Cát đã được xếp hạng, công nhận đó là: Di tích cấp quốc gia địa đạo Tam giác sắt, Di tích cấp tỉnh Bót Cầu Định và chùa tổ Long Hưng.

Nhắc đến Di tích địa đạo Tam giác sắt có lẽ không chỉ người dân Bến Cát, mà người dân ở nhiều địa phương khác cũng cảm thấy rất gần gũi, rất tự hào. Bởi đây là một trong những chứng tích gắn liền với lịch sử oai hùng của địa phương, của tỉnh nhà và cả nước. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, địa đạo Tam giác sắt (còn gọi là địa đạo Tây Nam Bến Cát) là một địa bàn có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Nơi đây từng là căn cứ của Huyện đội Bến Cát, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Trong cuộc kháng chiến, quân Mỹ - ngụy nhiều lần đánh chiếm Tam giác sắt nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta nhưng đều thất bại. Địa đạo Tam giác sắt được xem là một trong những sáng tạo độc đáo của nhân dân 3 xã Tây Nam (An Tây, An Điền và Phú An), là minh chứng của “thế trận lòng dân” bởi nhờ có địa đạo này, lực lượng cách mạng của ta mới có chỗ dựa vững chắc từ nhân dân, kiên cường bám trụ và đánh thắng được kẻ thù xâm lược. Việc công nhận, xếp hạng di tích địa đạo Tam giác sắt có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó không chỉ là sự ghi nhận về sự đóng góp của quân dân 3 xã Tây Nam trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, mà còn góp phần tích cực trong giáo dục lòng tự hào lịch sử cho các thế hệ mai sau.

Cùng với địa đạo Tam giác sắt, di tích Bót Cầu Định và chùa tổ Long Hưng trên địa bàn TX.Bến Cát cũng chứa đựng nhiều giá trị lịch sử vô cùng giá trị. Trong thời kỳ chống thực dân Pháp, chùa tổ Long Hưng (phường Tân Định) là cơ sở hoạt động cách mạng của chiến sĩ và nhân dân địa phương, 3 lần góp phần đánh thắng quân địch tại Bót Cầu Định. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chùa là một trong những địa điểm trọng yếu tiếp tế lương thực, thuốc men của địa phương, góp phần tích cực vào thắng lợi chung của dân tộc.

Cách chùa tổ Long Hưng không xa, Bót Cầu Định nằm trên trục đường quốc lộ 13 thuộc phường Tân Định. Đây là một trong những bót điển hình, có vị trí quan trọng chốt giữ quốc lộ 13 và cửa ngõ phía bắc của tỉnh. Bót nằm trên quốc lộ 13, được thực dân Pháp xây dựng vào tháng 4-1946 trên một đồi gò cao, phía dưới có giao thông hào sâu khoảng 2m bao xung quanh. Mục đích của thực dân Pháp khi xây dựng Bót Cầu Định nhằm thực hiện chính sách khủng bố, đàn áp, bắn giết đồng bào ta. Ý đồ của chúng là răn đe, hòng dập tắt các phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta. Những hành động độc ác, dã man của chúng thực hiện từ năm 1946 đến cuối năm 1953 đã gây ra bao cảnh đau thương, tang tóc đối với người dân ở vùng Bến Cát, đặc biệt là người dân ở xã Tân Định lúc bấy giờ. Vì thế, Bót Cầu Định không chỉ là nơi ghi lại tội ác của thực dân Pháp, mà còn là một di tích lịch sử ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân TX.Bến Cát nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Phát huy giá trị di tích

Cùng với sự phát triển của địa phương, những di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TX.Bến Cát cũng được các cấp chính quyền, sở ngành quan tâm đầu tư kinh phí nhằm bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và sửa chữa các hạng mục xuống cấp. Ông Lê Nguyên Khôi, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX.Bến Cát, cho biết hiện Di tích địa đạo Tam giác sắt do tỉnh quản lý, riêng 2 di tích Bót Cầu Định với chùa tổ Long Hưng do thị xã quản lý. Trong thời gian qua, Di tích địa đạo Tam giác sắt đã được tỉnh đầu tư rất nhiều kinh phí để bảo tồn, trùng tu và phát triển nơi đây thành một điểm du lịch, sinh hoạt về nguồn có ý nghĩa quan trọng đối với các tầng lớp nhân dân. Với địa phương, di tích địa đạo Tam giác sắt luôn là ưu tiên hàng đầu trong các dịp tổ chức hội trại giao quân, về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương. “Hàng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin thường kết hợp với Ban Chỉ huy Quân sự, Thị đoàn, các địa phương tổ chức hội trại giao quân tại đây nhằm phát huy truyền thống, lòng tự hào dân tộc, tự hào về quê hương Bến Cát cho thanh niên lên đường nhập ngũ. Ngoài ra, hàng năm, địa đạo còn đón tiếp nhiều đoàn đến tham quan, tìm hiểu về địa đạo...”, ông Khôi nói.

Riêng 2 di tích cấp tỉnh là chùa tổ Long Hưng và Bót Cầu Định, ông Khôi cho biết trong năm 2019, được sự quan tâm của Thị ủy và UBND thị xã, Phòng Văn hóa - Thông tin cũng đã tiến hành sửa chữa, xây dựng một số hạng mục trong các di tích. Cụ thể, thị xã đã đầu tư kinh phí sửa chữa, dựng lại bia công nhận Di tích chùa tổ Long Hưng và sửa chữa nhà vệ sinh trong khuôn viên chùa.

Đến thăm chùa tổ Long Hưng hôm nay, người dân địa phương cảm thấy phấn khởi hơn khi ngôi chùa có nhiều dấu ấn gắn với lịch sử địa phương đã được đầu tư trùng tu, nâng cấp nhiều hạng mục nên ngày càng đẹp, khang trang hơn. Chùa được hình thành từ năm 1768. Cùng với thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, chùa từng bị đánh phá đổ nát và được sửa sang nhiều lần. Những cảnh trí của chùa hôm nay có sự khác biệt khá nhiều so với ngôi chùa lúc đầu, nhưng nhiều nét cổ kính vẫn còn lưu dấu; đặc biệt là những giá trị về mặt lịch sử gắn với ngôi chùa này. Trong những năm gần đây, chùa đã được trùng tu, nâng cấp nhiều lần. Nơi đây không chỉ là điểm sinh hoạt Phật giáo của các phật tử, mà còn là địa điểm về nguồn ý nghĩa của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài địa phương.

Để phát huy giá trị Di tích Bót Cầu Định, trong thời gian qua, TX.Bến Cát cũng đã đầu tư kinh phí để nâng cấp, cải tạo hàng rào, bia tưởng niệm tại Bót Cầu Định. Dự kiến, đầu năm 2020, địa phương sẽ tiếp tục bố trí kinh phí trang bị thêm một số máy thể dục ngoài trời trong khuôn viên di tích này để phục vụ nhu cầu tập luyện của người dân địa phương. Ông Khôi chia sẻ: “Điều này sẽ góp phần khai thác hiệu quả di tích hơn. Người dân khi đến đây tập luyện, họ sẽ có điều kiện tìm hiểu thêm về di tích, từ đó càng thêm yêu và tự hào về quê hương mình; sống và làm việc xứng đáng với truyền thống mà cha ông đã để lại...”.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin TX.Bến Cát, trong năm 2019, các di tích lịch sử, văn hóa và khu bảo tồn sinh thái Làng tre Phú An trên địa bàn thị xã đã đón hơn 14.470 lượt khách tham quan. Đây là con số minh chứng rằng các di tích lịch sử, văn hóa gắn với các giá trị truyền thống vẫn luôn là điểm đến chứa đựng nhiều ý nghĩa đối với mọi người. Cùng với sự quan tâm đầu tư của địa phương, tin rằng, những di tích này sẽ tiếp tục phát huy giá trị nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên