Phát huy hiệu quả các đề án hỗ trợ doanh nghiệp

Cập nhật: 08-10-2019 | 09:03:41

Theo đánh giá của ngành chức năng, việc thực hiện các đề án ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất giúp doanh nghiệp áp dụng đề án nhanh chóng cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất, ổn định chất lượng sản phẩm. Các đề án này cũng góp phần giúp ngành tiểu thủ công nghiệp duy trì ổn định và phát triển, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH SX DV-TM cơ khí Kim Chung Ảnh: KHẢI ANH

 Hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Thiên Hưng (TX. Thuận An), cho biết hiện nay với 500 danh mục sản phẩm hàng năm, ngành cơ khí đã đáp ứng được khoảng 35% nhu cầu của thị trường trong nước. Riêng ở lĩnh vực cơ khí chế tạo và cung cấp thiết bị toàn bộ, nước ta được đánh giá là không thua kém các nước trong khu vực. Tuy nhiên, tình trạng chung là hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều thiếu vốn; công nghệ, thiết bị chế tạo còn lạc hậu; sản xuất còn manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm công nghệ cao. Bên cạnh đó, việc đầu tư của ngành cơ khí chế tạo những năm qua còn phân tán và chưa đồng bộ, việc phối hợp liên kết chưa thực hiện được. Cùng với đó, ngành cơ khí trong nước còn đối mặt với không ít khó khăn về nguồn nguyên liệu, quy mô sản xuất, công nghệ...

Trước những khó khăn nói trên, thời gian qua công ty đã không ngừng nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất, cũng như đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất và xem đó là yếu tố sống còn của công ty. Cụ thể, ban lãnh đạo công ty đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng lực sản xuất, bảo đảm sau khi đầu tư công ty không những có thể tăng sản lượng, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm mà còn tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường.

Với mục tiêu xây dựng công nghiệp cơ khí thành ngành sản xuất có công nghệ hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao để chủ động xâm nhập thị trường quốc tế, gắn hoạt động sản xuất với bảo vệ môi trường, việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ máy Plasma CNC SPC 2060 trong sản xuất nồi hơi công nghiệp” tại công ty là hết sức cần thiết. Qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành cơ khí tỉnh nhà, cũng như tiến đến xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành cơ khí. Sau khi đầu tư máy móc, công ty sẽ đáp ứng được những đơn hàng có tiềm năng tiêu thụ lớn tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước châu Á, châu Âu.

Tại Công ty TNHH SX DV-TM Cơ khí Kim Chung (TX. Tân Uyên), nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ công ty trang bị máy quang phổ phát xạ phân tích thành phần kim loại Model PDA-MF, sản xuất bởi hãng Shimadzu (Nhật Bản) nhằm quản lý, ổn định thành phần chất lượng sản phẩm đúc đồng đều trước và trong khi sản xuất. Việc trang bị loại máy này cũng nhằm đáp ứng nhu cầu các đơn hàng và mở rộng sản xuất của công ty trong giai đoạn hiện nay.

Máy quang phổ phát xạ phân tích thành phần kim loại công ty mua mới 100%. Sau khi đầu tư, công ty sẽ chủ động với kết quả phân tích thành phần kim loại của sản phẩm do kiểm soát được chất lượng sản phẩm đầu vào. Từ đó giúp tăng năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh và đạt mục tiêu mang lại lợi nhuận cho công ty. Trang bị máy này công ty còn tiết kiệm thời gian, giảm chi phí thuê bên ngoài phân tích thành phần của sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho người lao động, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người lao động.

Theo bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc công ty, để nâng cao sản xuất các doanh nghiệp cần chuyên biệt hóa sản xuất, chính vì vậy nhu cầu về những sản phẩm phụ trợ ngày càng tăng. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, công ty đã mạnh dạn đầu tư các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, máy móc thiết bị mới hiện đại nhằm phục vụ công việc đúc kim loại của công ty.

Bên cạnh đó, việc đầu tư máy móc thiết bị mới để công ty hoàn thiện công đoạn sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, trong đó có công đoạn kiểm tra thành phần kim loại trước khi đúc. Trong điều kiện doanh nghiệp đang cần vốn để đầu tư, sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn công ty mở rộng sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm

Từ thực tế trên có thể thấy, công tác khuyến công của tỉnh đã và đang đi vào chiều sâu, kịp thời hỗ trợ những khó khăn của doanh nghiệp về vốn đầu tư vào khoa học - công nghệ. Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp Sở Công thương, trong thời gian tới trung tâm sẽ tập trung hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm.

Theo đó, nguồn vốn khuyến công sẽ ưu tiên hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ, phát triển các sản phẩm mới có chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, nguồn vốn khuyến công tiếp tục duy trì, phát triển sản phẩm công nghiệp gắn với tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu hiện có tại địa phương, qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa và nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp.

Tỉnh cũng ưu tiên các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, dệt may, da giày, cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp. Việc thực hiện các chương trình, đề án này theo nguyên tắc ưu tiên nằm tại Điểm a, Khoản 2, Điều 8, Chương II Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND ngày 7-9- 2015 của UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh.

Với nhiều chính sách hỗ trợ mang tính dài hạn nhằm phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, năm 2019 ngành chức năng của tỉnh đã tích cực triển khai hỗ trợ các nguồn vốn khuyến công vào chiến lược phát triển dài hạn, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng sản xuất trong thời kỳ hội nhập.

 KHẢI ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên