Các nhà sinh vật học của Viện Hải dương học Scripps (San Diego,
Mỹ) đang nghiên cứu về loài ốc sên biển Clusterwink, có thể phát quang từ bên
trong cơ thể để tránh kẻ thù (ảnh).
Loài ốc này nhỏ bé, thường thấy
trong các cụm ốc dính chặt trên bờ đá ở bãi biển. Không giống như loài ốc sên
trên cạn tiết ra chất nhầy phát quang, ốc Clusterwink phát quang sinh học dựa
trên một phản ứng hóa học bên trong cơ thể chúng. Khi có sinh vật nào chạm vào,
chúng sẽ phát ra một ánh sáng nhấp nháy màu xanh lá cây.
Đặc biệt, ngay cả khi co vào,
lớp vỏ của chúng vẫn có khả năng khuếch đại ánh sáng khiến nguồn sáng này tăng
lên rất nhiều và tỏa ra mọi hướng trên vỏ. Do đó, chúng có thể liên lạc an toàn
với nhau cả khi đã rúc vào bên trong lớp vỏ cứng. Cơ chế phát sáng độc đáo này
không những tạo ra ảo giác nhằm làm cho kẻ thù phải hoảng sợ bỏ đi mà còn báo
động cho những sinh vật săn mồi lớn hơn đến bắt kẻ thù.
Nhóm
nghiên cứu đang tìm cách tận dụng cấu trúc khuếch đại ánh sáng đặc biệt này vào
việc sản xuất các vật liệu có hiệu suất quang học tốt hơn.Theo NLĐ