Phát triển bền vững các làng nghề truyền thống trong nền kinh tế thị trường

Cập nhật: 06-01-2015 | 16:42:51

(BDO) Theo Nghị quyết số 33 Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đưa ra quan điểm: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.

Trong đó, các làng nghề truyền thống đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn bởi vì: Thứ nhất, làng nghề truyền thống sẽ tạo ra một khối lượng hàng hóa đa dạng phong phú phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu; Thứ hai, phát triển làng nghề truyền thống là biện pháp hữu hiệu để giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn; Thứ ba, phát triển làng nghề truyền thống góp phần thúc đẩy gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống dân cư ở nông thôn và tăng tích lũy, giảm di dân tự do; Thứ tư, phát triển làng nghề truyền thống sẽ chuẩn bị đội ngũ lao động có khả năng thích ứng với lĩnh vực công nghiệp và tạo cơ sở vệ tinh cho các doanh nghiệp hiện đại; Thứ năm, phát triển làng nghề truyền thống góp phần bảo tồn và giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc.

Ảnh minh họa

Vì vậy, việc phát triển các làng làng nghề truyền thống theo hướng phát triển bền vững là một chiến lược mang tính cấp thiết, ở đây ta có thể hiểu "Phát triển bền vững các làng nghề truyền thống là quá trình phát triển nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng (sản xuất, kinh doanh, bảo tồn) và ngày càng phát triển của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng, hưởng thụ nhu cầu đó của các thế hệ trong tương lai".

Quá trình phát triển bền vững các làng nghề truyền thống về cơ bản dựa trên 3 quan điểm sau:

Phát triển kinh tế làng nghề gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Phát triển bền vững làng nghề truyền thống phải đảm bảo việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống như: hoa văn, phương thức và các công cụ sản xuất, màu sắc, đội ngũ nghệ nhân lành nghề. Tất cả những yếu tố đó tạo nên sự khác biệt, sức hút đối với khách du lịch khi đến tham quan cũng như khi sử dụng các sản phẩm của làng nghề. Giá trị sản phẩm làng nghề bao hàm cả giá trị vật chất và giá trị tinh thần, hai yếu tố này không thể tách rời, kết hợp với không gian văn hóa vốn có, làng nghề sẽ tạo nên quá trình phát triển bền vững. Kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại là để chúng ta vừa đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng mẫu mã của sản phẩm, vừa bảo đảm giá trị dân tộc, tính lịch sử. Có thể nói, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại là một đòi hỏi chính đáng và cấp bách để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy mạnh mẽ sự cạnh tranh trên thị trường, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần ổn định và phát triển xã hội nói chung.

Phát triển làng nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và kinh tế nông thôn là một quá trình diễn ra phức tạp, lâu dài nhằm thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn từ đơn ngành sang đa ngành, từ cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm ưu thế sang phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển thị trường hàng hóa, thị trường vốn, thị trường lao động trong nông thôn, góp phần đắc lực vào quá trình biến nước ta thành một nước công nghiệp phát triển.

Phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch

Du lịch làng nghề góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững bởi lẽ nó không chỉ giúp mở rộng thị trường, tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy việc phát triển sản xuất mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Mô hình phát triển làng nghề thủ công truyền thống đang trở thành hướng đi mới trong quá trình phát triển du lịch Việt Nam.

Để thực hiện tốt công tác phát triển du lịch tại làng nghề cần: Tập trung quảng bá về làng nghề, sản phẩm làng nghề, cơ sở, hộ sản xuất và các nghệ nhân của làng nghề nằm trong các tuyến du lịch; Tổ chức các tuyến du lịch làng nghề kết hợp với các tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch về cội nguồn, du lịch nông nghiệp và các tuyến du lịch khác; Xây dựng mới và nâng cấp các tuyến du lịch làng nghề đã có.

Nguyễn Quang Thái Quỳnh Truyền

(Trường Đại học Văn hóa TP.HCM)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên