Phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm – Kỳ 2

Cập nhật: 21-08-2018 | 08:15:45

 Kỳ 2: Thúc đẩy liên kết doanh nghiệp với người sản xuất

Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp (DN) phân phối với người sản xuất nhằm khắc phục bất ổn về cung cầu, giá cả, khả năng kiểm soát đang là một yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, để có được sự kết nối giữa hai thành phần này cần có sự phối hợp tốt giữa hai bên.

 Còn ít nông sản vào siêu thị

Theo ghi nhận, hiện nay nông dân và DN phân phối được coi là “hai chân” của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, việc liên kết giữa hai thành phần này chưa phối hợp nhịp nhàng với nhau. Việc tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn huyện Phú Giáo là một ví dụ. Ông Hoàng Thái Hà, người trồng rau an toàn tại xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, cho hay ông và nhiều nông dân khác trên địa bàn chỉ là người sản xuất theo kiểu gia đình, nhỏ lẻ chứ không theo quy mô trang trại. Hơn nữa, nguồn vốn tự có không nhiều vì vậy ông rất ngại khi tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP.

Khách hàng chọn mua hàng nông sản tại siêu thị Big C Bình Dương. Ảnh: TRÚC HUỲNH

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết nguồn nông sản do địa phương tự cung ứng vào các siêu thị trên địa bàn tỉnh hiện nay tương đối hạn chế, đa số mặt hàng thiết yếu có nguồn gốc xuất xứ từ các địa phương khác trong cả nước. Theo ông Bình, việc gắn kết giữa người sản xuất và DN phân phối là yếu tố cơ bản để hình thành chuỗi cung ứng, tiết giảm chi phí trung gian, đưa hàng hóa có chất lượng đến với người tiêu dùng; còn nông dân yên tâm sản xuất, có thị trường đầu ra ổn định… Tuy nhiên, việc liên kết giữa hai thành phần này chưa phối hợp nhịp nhàng với nhau, trong đó sự kết nối giữa các cơ sở, đơn vị sản xuất với DN phân phối chưa chặt chẽ. Nguyên nhân là do người sản xuất khó tìm đầu ra nên không mạnh dạn đầu tư. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu, trong khi các đơn vị phân phối cần sản phẩm cung ứng đạt tiêu chuẩn chất lượng, sản lượng ổn định, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ thì người sản xuất chưa đáp ứng được khiến việc kết nối chưa đạt mục tiêu mong muốn.

Xung quanh thực tế sự bắt tay giữa nhà nông và DN thương mại còn chưa bền chặt, bà Lê Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Central Group (chuỗi siêu thị Big C) Việt Nam, chia sẻ khối DN nhỏ và vừa chiếm đa số trong nền kinh tế Việt Nam, các DN này hiện còn rất nhiều bỡ ngỡ với các thủ tục, giấy tờ cần thiết để đưa hàng hóa vào hệ thống Big C. “Chúng tôi là nhà phân phối, muốn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tuân thủ quy định của Nhà nước nên yêu cầu các DN phải có đủ giấy tờ cần thiết để chứng minh hàng hóa xuất xứ ở đâu, bảo đảm chất lượng hay không… Nhưng về phía DN, các hộ nông dân lại chưa biết cách hoàn thiện các thủ tục giấy tờ này”, bà Linh nói.

Đẩy nhanh chuỗi liên kết

Trong xu hướng hiện nay, kênh phân phối nói chung và hệ thống các siêu thị nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng, như là một tác nhân liên kết và định hướng trong chuỗi giá trị từ đầu cho đến cuối sản phẩm. Bởi trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và hội nhập mạnh mẽ hiện nay, các siêu thị đóng vai trò quan trọng trong hệ thống bán lẻ và chấp nhận những tác động đến hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối. Vì vậy, sự xuất hiện của nhiều siêu thị dẫn đến những thay đổi nhanh thói quen mua hàng của người dân và sự phát triển của hệ thống siêu thị giúp tăng cường khả năng liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, có vai trò to lớn trong việc định hướng đối với hoạt động sản xuất hàng hóa của DN.

Chính vì vậy, vai trò của hệ thống siêu thị đối với hoạt động sản xuất hàng hóa nói chung, nông sản nói riêng là cần thiết, từ đó giúp tăng cường khả năng liên kết, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, đẩy mạnh hoạt động sản xuất hàng hóa và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, chia sẻ thực tế từng DN, dù mạnh về tài chính tới đâu cũng khó tự mình xây dựng hoàn toàn riêng biệt một hệ thống chuỗi cung ứng, mà phải hợp tác, liên kết với các DN khác. Để hàng hóa lưu thông ổn định và có lợi cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng, việc liên kết giữa công nghiệp với nông nghiệp, liên kết giữa DN với nông dân, giữa chợ đầu mối, vựa hàng hóa với các nhà bán lẻ là những việc ưu tiên cần làm. “Chúng tôi dù có siêu thị mini, cửa hàng, đại lý của riêng mình nhưng muốn sản phẩm tới được số đông người tiêu dùng trong nước chúng tôi phải liên kết với các DN, siêu thị, trung tâm thương mại. Đó là chưa kể chính sự liên kết này còn giúp cho hàng hóa bày bán đa dạng, tiện lợi cho khách hàng hơn”, bà Huân cho biết.

Bà Linh cũng cho hay, chuỗi cung ứng chỉ có thể thành công khi các bên tham gia phải cùng phối hợp chặt chẽ, đồng thời có sự chỉ đạo, hỗ trợ của cơ quan quản lý. Tập đoàn Central Group mong muốn các DN Việt Nam xây dựng được thương hiệu hàng Việt không chỉ để đưa vào chuỗi cung ứng trong nước mà còn xuất khẩu. Trong chính sách thu mua của hệ thống siêu thị Big C, hàng hóa sản xuất trong nước luôn là ưu tiên hàng đầu, hàng nhập khẩu nhằm để bổ sung, đa dạng hóa ngành hàng, tạo thêm lựa chọn cho khách hàng.

Từ tháng 10-2016, Big C Việt Nam đã phát động chương trình “Đồng hành cùng thương hiệu Việt” nhằm tạo điều kiện cho các DN nhỏ và vừa trong nước mở rộng thị trường thông qua kênh bán lẻ hiện đại. Tham gia chương trình, các DN sẽ được Big C Việt Nam hỗ trợ toàn diện thông qua các khóa đào tạo, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ về phân phối, hậu cần và truyền thông tiếp thị... Có thể nói, đây là phương thức mà các DN, nhà sản xuất, nông dân cần đẩy nhanh thực hiện liên kết để đáp ứng tiêu chuẩn, nhu cầu thị trường. Đây cũng là một trong những đòi hỏi tất yếu để hàng hóa, nông sản tiêu thụ ổn định; việc liên kết sẽ từng bước hạn chế được rủi ro, thiệt hại cho người dân.

Bàn về giải pháp tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng, ông Bình cho biết việc kết nối cung cầu hàng hóa là một trong những hành động cụ thể để hiện thực hóa việc đầu tư và hỗ trợ DN phát triển kinh doanh, mở rộng sản xuất, có đầu ra ổn định theo định hướng của tỉnh. Trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động, thúc đẩy hơn nữa hoạt động này trên cơ sở phối hợp giữa các sở, ngành chức năng với các nội dung thông tin, định hướng cung cầu, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn ISO, VietGAP, GlobalGAP...; đồng thời nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo từng lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Về phía ngành công thương, với chức năng của mình, sẽ hỗ trợ tối đa việc tiêu thụ sản phẩm của địa phương vào hệ thống phân phối của DN trên địa bàn, tạo đầu ra ổn định cho người sản xuất, hỗ trợ DN phát triển...

 Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước xảy ra nhiều vụ việc các hộ nông dân liên tục rơi vào tình thế được mùa mất giá hoặc bán tháo các sản phẩm nông sản mình làm ra, như vụ việc bí đỏ ở Đắc Lắc, củ cải trắng ở Hà Nội, dưa hấu ở Quảng Nam… vì thương lái ngừng mua. Nguyên nhân do hầu hết các hộ nông dân, địa phương thiếu những công ty chuyên thu mua, phải phụ thuộc vào thương lái dẫn đến đầu ra sản phẩm không ổn định. Trước thực tế này, các siêu thị Lotte Mart, Big C, Co.opmart… đã tổ chức chương trình ra quân thu mua nông sản của bà con. Không chỉ hỗ trợ bà con thu mua nông sản, các siêu thị này còn thu mua với mức giá cao hơn so với giá thương lái mua tại vườn nhằm giúp nông dân nhanh lấy lại vốn, bảo đảm lợi nhuận để bà con nông dân sớm ổn định canh tác chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo.

Với chính sách này, các nhà phân phối không chỉ giải bài toán đầu ra giúp bà con nông dân mà còn mang đến nguồn thực phẩm tươi ngon, an toàn, giá cả tiết kiệm đến khách hàng, tích cực xúc tiến và xuất khẩu hàng Việt ra nước ngoài.

 

TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên