Phát triển du lịch: Cần xây dựng được thương hiệu địa phương

Cập nhật: 18-02-2019 | 06:26:40

Theo đánh giá của các chuyên gia, Bình Dương có đủ điều kiện để phát triển nhiều loại hình du lịch. Tuy nhiên, hiện du lịch Bình Dương vẫn còn mang tính phân tán, các điểm đến nhỏ lẻ, chưa kết nối giữa các điểm du lịch…

 Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Theo đánh giá chung, những năm qua, ngành du lịch của Bình Dương đã có sự khởi sắc, số lượng du khách đến Bình Dương tăng nhanh, nhiều công trình du lịch được xây dựng...

Tại Hội thảo khoa học du lịch Bình Dương “Nâng cao sức cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững” được tổ chức vào cuối năm 2018, giáo sư Trần Ngọc Thêm, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, cho biết Bình Dương có nhiều điểm đến thu hút được du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, xét về không gian, các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, phân tán; các điểm du lịch khai thác chủ yếu phụ thuộc vào tài nguyên và hình thức kinh doanh mang tính truyền thống, dựa vào thói quen.

 Để đẩy mạnh phát triển du lịch, Bình Dương cần xây dựng được các điểm đến đặc trưng, có thương hiệu. Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên tham quan địa đạo Tam giác sắt, TX.Bến Cát. Ảnh: HOÀNG PHẠM

Nhiều chuyên gia cho rằng các dịch vụ phục vụ du khách tại Bình Dương chưa xây dựng được chuỗi liên kết. Theo tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế trường Đại học Fulbright, qua khảo sát thực tế tại Bình Dương cho thấy các dịch vụ ở vòng thứ nhất như các nhà điều hành, đại lý du lịch… còn có quy mô và số lượng khá nhỏ. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh lữ hành tại Bình Dương chủ yếu đến từ TP.Hồ Chí Minh; các dịch vụ cung ứng thực phẩm, chăm sóc y tế, quà lưu niệm, các cửa hàng miễn thuế chỉ ở mức trung bình...

“Du lịch Bình Dương có nét đặc trưng riêng, có tiềm năng phát triển du lịch đủ các loại hình nhưng còn thiếu sự liên kết, hợp tác vùng, khu vực”, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng Cục du lịch, nhận xét. Ông Phương cũng cho rằng, Bình Dương là một tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ kết nối với nhiều tỉnh, thành trong khu vực. Về đường thủy, Bình Dương nằm giữa 3 con sông lớn (Sài Gòn, Đồng Nai, sông Bé), có thể kết nối với các cảng lớn ở phía Nam và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, lượng du khách đến Bình Dương chủ yếu là đường bộ do các đơn vị kinh doanh lữ hành đưa về. Điều đó cho thấy, việc xây dựng liên kết du lịch giữa các điểm du lịch của Bình Dương với các địa phương khác chưa mạnh.

Tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù

Các chuyên gia cho rằng, để khắc phục tình trạng các điểm đến nhỏ lẻ, phân tán, Bình Dương cần tạo ra được những điểm đến có quy mô lớn, tập trung nhiều loại hình du lịch có liên quan mật thiết với nhau, tạo thành một khu du lịch mà ở đó du khách có thể sử dụng tất cả các dịch vụ ở một địa điểm mà không phải di chuyển đi nơi khác. “Mô hình này thì Khu du lịch Đại Nam đã triển khai tốt. Tuy nhiên, Bình Dương cần triển khai thêm nhiều điểm khác. Chẳng hạn ở TX.Thuận An, nên bảo tồn và phát triển thương hiệu Lái Thiêu, xây dựng một khu du lịch đủ lớn, kết hợp với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch làng nghề, du lịch ẩm thực, du lịch trải nghiệm…”, giáo sư Trần Ngọc Thêm đề xuất.

Các chuyên gia cũng nhận định, mặc dù tỉnh Bình Dương đã có Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù Bình Dương đến 2015, định hướng đến 2020 nhưng xét về tổng thể, ở các vùng quy hoạch vẫn thiếu những điểm nhấn quan trọng để qua đó hiện lên hình bóng của cái độc đáo, cái đặc thù.

Theo ông Phương, để đẩy mạnh phát triển du lịch, Bình Dương phải xây dựng được thương hiệu điểm đến. Thương hiệu điểm đến là tổng hợp những nhận thức, cảm giác và thái độ của khách du lịch đối với điểm đến, cho phép khách du lịch xác lập một hình ảnh có thể so sánh của một điểm đến với những điểm đến khác, gắn liền với những giá trị và đặc trưng cốt lõi của một điểm đến, được thể hiện trong những đặc trưng, giá trị của các dịch vụ du lịch tại điểm đến đó. Thương hiệu không chỉ gắn với hình ảnh về điểm đến có từ nhận thức của khách du lịch mà còn đi liền với hoạt động của người quản lý du lịch.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm chia sẻ, điểm du lịch địa đạo Tam giác sắt Tây Nam TX.Bến Cát được xây dựng hoàn chỉnh, không thua kém gì khu du lịch địa đạo Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, để biến địa đạo Tam giác sắt này thành một điểm du lịch hấp dẫn cần có sự thay đổi. Cụ thể, Bình Dương có thể xây dựng nơi đây thành một khu du lịch chuyên về địa đạo, một bảo tàng mà ở đó du khách có thể tìm hiểu về lịch sử địa đạo, văn hóa địa đạo, đời sống địa đạo… không chỉ của tất cả các địa đạo nổi tiếng của Việt Nam mà còn của các nước khác trên thế giới.

 Trong giai đoạn 2014-2018, tổng số du khách đến Bình Dương hơn 22 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế hơn 1,1 triệu lượt; mức tăng trưởng bình quân 2,07%/năm; doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 4,24%/năm. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 323 đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch hoạt động theo loại hình tổ chức, với 6.445 phòng; 38 khách sạn xếp hạng từ 1 - 5 sao, với 1.614 phòng; 28 đơn vị kinh doanh lữ hành và 4 văn phòng đại diện.

KHÁNH ĐĂNG 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên