Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại

Cập nhật: 25-12-2019 | 01:27:30

Huyện Bàu Bàng đã và đang tập trung nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, mở ra cơ hội kết nối giao thương hàng hóa giữa các vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

 Mạng lưới giao thông rộng khắp

Thời gian qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, hỗ trợ của các ngành, huyện đã tập trung phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn. Đến nay, nhiều công trình giao thông quan trọng đã được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng, đóng góp quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển.

 Quốc lộ 13 - đường huyết mạch của tỉnh - đoạn đi qua huyện Bàu Bàng đóng vai trò quan trọng cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Ảnh: PHƯƠNG ANH

Hiện trên địa bàn huyện có tuyến quốc lộ 13 đi qua, quy mô đường cấp I với 6 làn xe. Đây là trục giao thông xương sống của tỉnh, kết nối các khu công nghiệp (KCN), đô thị phía nam với các KCN, đô thị và vùng nguyên liệu, nông thôn phía bắc của tỉnh. Đồng thời, đây cũng là tuyến giao thông thông suốt nối từ cửa khẩu Hoa Lư đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương và kết thúc tại TP.Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có các tuyến đường tỉnh đi qua như ĐT741, ĐT741B, ĐT749A, ĐT749C, ĐT750, cùng với hệ thống đường huyện được nhựa hóa, bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, thông thương giữa các địa phương, người dân trong huyện cũng như kết nối đồng bộ với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Bên cạnh phát triển hệ thống đường tỉnh, đường huyện, huyện và các địa phương cũng chú trọng đầu tư hệ thống đường xã, đường giao thông nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Đáng chú ý, huyện đã đầu tư hơn 7.300 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay hệ thống đường huyện có tổng chiều dài 80,48km đã nhựa hóa; 434,82km đường xã đã nhựa hóa, bê tông hóa, đạt tỷ lệ 44,53% và hàng trăm km đường chuyên dùng trong các KCN, khu đô thị.

Không chỉ cứng hóa đường giao thông, mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện hiện được phân bố tương đối hợp lý, từ hệ thống đường tỉnh lộ, đường huyện đến đường giao thông nông thôn... tạo được sự liên kết; đồng thời nối với mạng lưới giao thông các huyện và các tỉnh lân cận. Các tuyến đường, công trình quan trọng trên địa bàn đã được huyện kiến nghị cấp trên quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo và mở mới. Các tuyến đường nối từ trung tâm xã đến huyện, các công trình cầu đường, tuyến đường nối với các xã được đầu tư đã kết nối giao thương trong toàn huyện, tạo đồng lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Tạo động lực phát triển

Việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đã thúc đẩy thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện Bàu Bàng đã thu hút được 912 dự án, trong đó đầu tư trong nước có 746 dự án với tổng số vốn đăng ký 27.686 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài có 166 dự án với tổng số vốn đăng ký 3,2 tỷ USD. Chỉ tính trong năm 2019, huyện đã thu hút được 176 dự án đăng ký mới và có 20 dự án đăng ký tăng thêm vốn, tổng số vốn hơn 502 triệu USD và 1.816 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân thành công về thu hút đầu tư phải kể đến sự linh hoạt của lãnh đạo địa phương trong cải cách hành chính và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, huyện có một lợi thế là an ninh trật tự luôn được bảo đảm tốt, đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư an tâm sản xuất…

Ông Huang Wei Wen, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ampacs International, cho biết để mở rộng đầu tư sản xuất, Tập đoàn Ampacs đã chọn KCN Bàu Bàng xây dựng nhà máy sản xuất tai nghe có dây và tai nghe không dây. Ông đánh giá cao cơ sở hạ tầng tại KCN Bàu Bàng cũng như việc giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến đầu tư của huyện. Dự án tại KCN Bàu Bàng là nhà máy sản xuất lớn nhất của Ampacs, tổng vốn đầu tư cho 2 giai đoạn hơn 50 triệu USD.

Có thể thấy, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng đã đề ra, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là các công trình giao thông huyết mạch phục vụ phát triển công nghiệp của huyện là yêu cầu thiết yếu. Trên địa bàn huyện đã, đang và sẽ được quy hoạch, đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông đối ngoại theo hướng đồng bộ nhằm kết nối thông suốt giữa các KCN, trung tâm kinh tế của tỉnh với các tỉnh, thành trong khu vực, các đầu mối giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt trong vùng.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục được quy hoạch, đầu tư đồng bộ đường giao thông quy mô từ 2 đến 8 làn xe, qua đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa giữa các vùng trong tỉnh. Riêng KCN - đô thị Bàu Bàng tiếp tục được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần chỉnh trang đô thị, hiện đại hóa bộ mặt đô thị huyện nhà.

Cùng với đó, hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa và cứng hóa 100%, kết nối thông suốt từ quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện đến các ấp, xóm góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Trên cơ sở đó nhằm tạo sự đột phá trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; từng bước phát triển theo quy hoạch, có kết cấu hạ tầng hiện đại, có môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Mục tiêu chính là rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, xây dựng bộ mặt nông thôn hiện đại nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

 PHƯƠNG ANH - DUY TRẦN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên