Phát triển mạng lưới chợ đến năm 2020: Quy hoạch theo hướng nào? - Kỳ 2

Cập nhật: 21-11-2014 | 09:17:45

Kỳ 2: Bất cập trong quy hoạch

> Kỳ 1: Chợ tự phát vẫn… phát!

Bằng cơ chế khuyến khích đầu tư chợ nên 3 năm qua, thay vì trông chờ vào vốn ngân sách, tại các địa phương, nhiều chợ đã hình thành từ nguồn vốn của các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư. Song bên cạnh những kết quả tích cực thì công tác quản lý, phát triển chợ đang đặt ra một số vấn đề trong quy hoạch.

Nơi thiếu

Những năm qua, mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh liên tục phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Nhiều chợ được đầu tư xây dựng, nâng cấp hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động ổn định. Tuy vậy, nhìn vào bức tranh quy hoạch có thể nhận thấy, đa số chợ xây dựng được đầu tư ở khu vực đô thị như TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An và TX.Dĩ An. Đây là những địa bàn có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng thương mại, nhiều khu, cụm công nghiệp và khu dân cư tập trung. Trong khi đó, các địa phương như huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, số lượng chợ chưa được đầu tư theo quy hoạch. Cụ thể, theo quy hoạch phát triển chợ nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, 2 huyện này sẽ cải tạo, nâng cấp, xây 16 chợ; trong đó huyện Phú Giáo 10 chợ, huyện Dầu Tiếng 6 chợ. Thế nhưng, đến nay 2 huyện này không tăng thêm chợ nào.

Chợ Phú Mỹ (phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) được xây dựng khang trang nhưng lại bỏ trống từ năm 2012 đến nay. . Ảnh: T.HUỲNH

Lý giải sự chậm trễ này, ông Nguyễn Tấn Lực, Trưởng phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng cho biết, huyện cần xây dựng 3 chợ tại 4 xã Minh Thạnh, An Lập, Long Tân và Minh Tân, nhưng làm cách nào để nhanh chóng hình thành chợ thì địa phương chưa có cách giải quyết vì vướng quy định. Theo ông Lực, trước đây chủ đầu tư xin chủ trương, thuê đất là có thể xây chợ, nhưng nay phải đấu thầu quyền thuê đất. Quy định này vô hình trung khiến nhiều chủ đầu tư ngán ngại vì đấu giá cao, chi phí đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn bấp bênh... “Chính vì vậy, sau thời gian kêu gọi đầu tư, một số dự án chợ đã được huyện chấp thuận chủ trương nhưng khó thu hút được DN khiến các dự án chợ khó triển khai đúng tiến độ quy hoạch”, ông Lực nói.

Còn theo giải thích của ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện vẫn còn khá nhiều khu chợ trên địa bàn tỉnh như chợ Cây Trường, Trừ Văn Thố, Phú Chánh, Bình Mỹ… chưa thể triển khai do một số địa phương chưa bố trí được quỹ đất sạch để phát triển cơ sở hạ tầng thương mại hoặc vị trí đất không phù hợp để đầu tư xây dựng chợ. Bên cạnh đó, các thủ tục liên quan đến đất đai, công tác giải phóng mặt bằng… còn chậm. Do vậy, sự phát triển chợ chưa có sự hài hòa, cân bằng giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Nơi thừa

Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị (ST), trung tâm thương mại (TTTM) trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020 đã được phê duyệt, giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh sẽ có 110 chợ, năm 2020 tiếp tục tăng lên 122 chợ. Hưởng ứng chủ trương trên, ngành chức năng, các địa phương đã tích cực vận động DN tham gia đầu tư nhiều chợ. Từ 86 chợ năm 2011, sau 2 năm thực hiện quy hoạch đến cuối năm 2013 toàn tỉnh có 95 chợ. Tuy vậy, theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, kết quả này chậm và khó bảo đảm đạt được các chỉ tiêu đề ra đến năm 2015 và năm 2020, trong đó việc triển khai thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập. Một số chợ được đầu tư xây mới nằm ngoài quy hoạch như chợ Phú Mỹ, chợ Bình Phước A, chợ Bình Phước B, chợ Phú Phong, chợ An Phú B, chợ Lâm Viên (TX.Thuận An).

Về địa điểm xây dựng các chợ ở một số địa phương chưa hợp lý, chẳng hạn như chợ Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một) giải tỏa địa điểm cũ, đầu tư xây dựng lại tại vị trí mới nằm sâu trong đường nhỏ, không thuộc trục giao thông chính, không thuận lợi cho người dân mua bán. Về mật độ phân bố cũng chưa đồng đều, cụ thể như khu vực giáp ranh giữa phường Khánh Bình, phường Hội Nghĩa và phường Uyên Hưng (TX.Tân Uyên) có quá nhiều chợ (chợ Quang Vinh 1, Quang Vinh 2, Quang Vinh 3, Phước Thành, Tân Uyên, Hội Nghĩa…). Hay như địa bàn các phường An Phú, Bình Chuẩn, Thuận Giao, Bình Hòa (TX.Thuận An) có nơi chỉ có 2 chợ nhưng có nơi có tới 6 chợ, trong khi dân số, cự ly, bán kính chợ đều như nhau. Bên cạnh đó, sự phân bố chợ chưa phù hợp tiêu chuẩn về mật độ dân cư, quy mô, bán kính theo tiêu chuẩn Việt Nam. Đây là những hạn chế, tồn tại gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các chợ.

Và… lãng phí

Cùng với tốc độ phát triển của tỉnh theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, các huyện, thị, thành phố đã “tranh nhau” thu hút đầu tư phát triển chợ bằng nhiều hình thức để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hầu hết khu chợ đã hình thành đều khang trang, rộng rãi với kinh phí đầu tư hàng tỷ đồng nhưng lại không phát huy hiệu quả.

Khảo sát hoạt động tại chợ Bến Cát mới đây cho thấy, khu vực vòng ngoài của chợ có người buôn bán nhưng thưa thớt, còn bên trong hoàn toàn trống rỗng và hơn 10 kiốt trong nhà lồng chợ đều đóng cửa. Một tiểu thương kinh doanh quần áo tại đây cho biết, các quầy sạp có người thuê nhưng do bán ế ẩm đành phải đóng cửa để nhẹ thuế, phí. Còn gian hàng của chị lượng khách đã giảm mạnh. Một phần do chợ xuống cấp, thiết kế chợ không thuận tiện mua bán. Chưa kể chợ tự phát cạnh tranh giành khách bên ngoài nên tình hình kinh doanh của quầy rất khó khăn.

Chia sẻ nỗi khó khăn với chúng tôi, bà Quách Thị Minh Phương, sạp 3 chợ Tân Uyên (TX.Tân Uyên) nói: “Lúc bốc thăm sạp hiện hữu, tôi rất mừng vì ngồi quầy sạp mát mẻ, sạch sẽ, người đi chợ cũng nhiều. Nhưng hơn 2 năm nay, tình hình kinh doanh càng tuột dốc, lượng người vào chợ giảm khoảng 60%, nhiều người bán chịu không nổi cảnh ế ẩm phải đóng cửa nghỉ bán, cho thuê sạp làm kho chứa hàng. Nhiều sạp khác bán không được, cho thuê cũng không xong đành bỏ trống để khỏi tốn tiền thuế, phí. Tôi ngồi chợ gần 40 năm, khách ủng hộ nhiều mà còn không bán được, người mới nhảy vào sao sống được với chợ”.

Tương tự, năm 2012, chợ Đông Hòa (TX.Dĩ An) hy vọng sẽ trở thành điểm kinh doanh lý tưởng và góp phần giải quyết tình trạng chợ xuống cấp, kẹt xe. Qua 2 năm hoạt động, ngôi chợ này cũng không thể thay đổi tình hình do số lượng người bán thưa vắng dần, các quầy, sạp nhà lồng chợ được các tiểu thương trưng dụng để cất giữ hàng hóa, để ngủ hoặc có chỗ để trống. “Nguyên nhân do lối đi trong chợ quá hẹp, khách mua hàng thì bị thúc hối đi nhanh, mùi hôi thối từ chất thải gia cầm sống khiến khách không muốn vào chợ… Tiền sạp mỗi tháng 1 triệu đồng và các khoản chi khác, trong khi chợ tự phát sát chợ bán giá thấp hơn, làm sao chúng tôi không bỏ chợ”, chị Đỗ Thị Xuyến, tiểu thương trong chợ ngao ngán cho biết.

Có thể nói, phong trào đầu tư phát triển chợ dàn trải, chưa phù hợp thực tiễn đang khiến không ít đơn vị, DN, địa phương tốn nhiều tiền để lập quy hoạch, xây dựng đề án chợ hoặc xây chợ xong hoạt động kém hiệu quả, thậm chí vừa xây xong bỏ hoang lại nằm trong quy hoạch như chợ Thanh An, Định Hiệp (Dầu Tiếng), chợ Mỹ Phước 3 (TX.Bến Cát), chợ Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một), chợ An Phú, chợ Tuy An, chợ Đông Phú 1 (TX.Thuận An)... đang rất phổ biến.

Đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 95 chợ (2 chợ hạng I; 25 chợ hạng II và 68 chợ hạng III) đang hoạt động. Trong đó, ngành chức năng đã giải tỏa 2/5 chợ, đạt 40%; cải tạo, nâng cấp 4/26 chợ, đạt 15,4% và xây mới 11/29 chợ, đạt 37,9% so với quy hoạch đến năm 2015.

 

Kỳ cuối: Quy hoạch, xây dựng phải gắn với nhu cầu

TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên