Phát triển nguồn nhân lực: Bài toán để phát triển bền vững

Cập nhật: 22-12-2011 | 00:00:00

Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong vùng Đông Nam bộ và kinh tế trọng điểm phía Nam. Toàn tỉnh có 27 khu công nghiệp đang hoạt động, đã thu hút trên 13.000 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 90.886 tỷ đồng và 2.054 dự án đầu tư nước ngoài tổng vốn 14,576 tỷ USD. Vì vậy hàng năm, nhu cầu về lao động nghề của các doanh nghiệp trên địa bàn rất cao, từ 30.000 - 40.000 lao động/năm.

Đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu phát triển

Những năm gần đây, hệ thống dạy nghề tăng khá nhanh. Các cơ sở dạy nghề chủ yếu phân bố tại các khu công nghiệp (KCN), khu quy hoạch và dọc theo các trục lộ giao thông lớn, tập trung tại TX.TDM, Dĩ An và Thuận An. Ngành nghề đào tạo là đa ngành, trong đó ngành tin học viễn thông chiếm 21,34%; chế tạo vận hành máy móc thiết bị chiếm 18,54%, y dược 11,68%, kinh tế 10,24%. Hệ thống mạng lưới dạy nghề từng bước xã hội hóa, có 47% các thành phần kinh tế tham gia. Đội ngũ giảng viên có trình độ trên đại học chiếm 12,8%, trình độ cao đẳng và đại học chiếm 62,4%, trình độ từ trung cấp trở xuống còn lớn chiếm 24,8%.

 Đào tạo ngày càng nhiều lao động có tay nghề là góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong ảnh: Công nhân đang sản xuất găng tay ở Công ty Showa Gloves Việt Nam

So với yêu cầu thực tế, hệ thống dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nguyên nhân là do hệ thống mạng lưới dạy nghề còn quá ít về số lượng và hạn chế về chất lượng; các cơ sở dạy nghề Nhà nước được đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng, nhưng chưa chú trọng nhiều đến đầu tư vào máy móc, trang thiết bị. Nội dung, phương pháp đào tạo chưa theo kịp trình độ phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ. Vì thế, thực tế lao động qua đào tạo chỉ đáp ứng được từ 60 - 80% yêu cầu của doanh nghiệp và chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Liên kết để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, Bình Dương nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt, tạo đột phá là “...điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng nâng tỷ trọng các ngành dịch vụ xấp xỉ với các ngành công nghiệp; chuyển dịch cơ cấu lao động và đô thị hóa tăng lên mạnh mẽ các vùng lãnh thổ trên địa bàn; phấn đấu đến 2020 Bình Dương trở thành thành phố loại I trực thuộc Trung ương”. Đạt được định hướng đó, Bình Dương cần phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ tiến trình phát triển; trong đó tập trung phát triển lực lượng cán bộ quản lý khu vực công, các doanh nghiệp và lực lượng lao động kỹ thuật có tay nghề cao.  

Tận dụng khai thác thời kỳ “dân số vàng”, Bình Dương đã đề ra mục tiêu phát triển nguồn nhân lực; trong đó phát triển nhân lực có chất lượng cao nhằm phát triển kinh tế nhanh và bền vững; thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nhóm ngành có giá trị gia tăng thấp sang nhóm ngành có giá trị gia tăng cao, nâng cao năng suất lao động xã hội. Cụ thể là bảo đảm cơ cấu lao động hợp lý, năng suất lao động tăng nhanh 102 triệu đồng/lao động vào năm 2015 và đạt gần 203 triệu đồng/lao động vào năm 2020; phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 60%; năm 2020 đạt tỷ lệ tương ứng là 80% và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 70%; phấn đấu tạo việc làm cho khoảng 54.000 người/năm ở thời kỳ 2011-2015; khoảng 55.000 người/năm ở thời kỳ 2016-2020...

Để vượt lên chỉ tiêu chung của cả nước vào các năm 2015 và 2020, Bình Dương cần nỗ lực rất lớn trong đào tạo, dạy nghề cho người lao động, phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó đào tạo/dạy nghề dưới 3 tháng và sơ cấp 691.200 người, chiếm 69%, trình độ trung cấp 176.700 người, chiếm 19,7%, cao đẳng 59.700 người, chiếm 6,7% và đại học trở lên 41.500 người, chiếm 4,6%. Muốn vậy, Bình Dương cần xem phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ toàn dân. Trước mắt cũng như lâu dài, Bình Dương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhanh chóng hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo. Đồng thời, tăng cường sự chủ động, sáng tạo của từng đơn vị, doanh nghiệp trong công tác phát triển nguồn nhân lực. Có như vậy, nguồn nhân lực của Bình Dương mới bảo đảm cho tiến trình phát triển bền vững của tỉnh nhà.

MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên