Phát triển nhanh các ngành dịch vụ chất lượng cao

Cập nhật: 23-10-2015 | 09:06:25

Theo dự thảo văn kiện trình Đại hội X Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 2016-2020 ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng khoảng 27% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; tăng trưởng ngành dịch vụ đạt bình quân 11%/ năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 18%/năm; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 15%/năm. Theo các chuyên gia, chỉ tiêu về ngành dịch vụ hoàn toàn có thể đạt được trong 5 năm tới, bởi tiềm năng phát triển ngành dịch vụ của Bình Dương còn rất lớn. 

 Dịch vụ logistics đang được tỉnh đầu tư phát triển mạnh. Trong ảnh: Hoạt động logistics tại ICD TBS - Tân Vạn (TX.Dĩ An). Ảnh: PHÙNG HIẾU

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Ngành dịch vụ trong thời gian qua tiếp tục phát triển khá nhanh, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc phát triển kinh tế nhanh và bền vững của Bình Dương. Chương trình phát triển dịch vụ chất lượng cao của tỉnh được triển khai thực hiện đồng bộ, thu hút mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhờ đó, giá trị dịch vụ trong 5 năm qua tăng bình quân 20,9%/năm.

Sự chuyển mình của Bình Dương là kết quả của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh đã sớm có chủ trương thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiến hành đô thị hóa một cách đồng bộ, vững chắc. Những năm qua, Bình Dương đạt mức tăng trưởng khá so với vùng và cả nước; tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2015 bình quân 13%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh sang công nghiệp và dịch vụ; năm 2015 cơ cấu kinh tế là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng 60% - 37,3% - 2,7%.

Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, với sự hiện diện của hàng chục ngân hàng trong nước và ngoài nước tại địa phương đã đáp ứng kịp thời nguồn vốn vay để giúp các doanh nghiệp đầu tư thêm máy móc, mở rộng quy mô sản xuất. Còn ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty Gốm sứ Cường Phát cho rằng, ngành dịch vụ của Bình Dương còn có khả năng phát triển mạnh hơn bởi tại đây có hàng ngàn chuyên gia nước ngoài đang làm việc. Vì vậy, nhu cầu nhà ở, vui chơi, giải trí, thụ hưởng văn hóa của số lượng người này là rất lớn.

Để đáp ứng nhu cầu của giới chuyên gia, nhiều nhà doanh nghiệp cho rằng, Bình Dương cũng cần xây dựng hệ thống nhà biệt thự ven sông Sài Gòn làm nơi nghỉ dưỡng sau giờ làm việc; kèm theo đó là phát triển các dịch vụ ăn theo như ăn uống, giải trí, du lịch, thụ hưởng văn hóa…

Khai thác hiệu quả dịch vụ logistics

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, Bình Dương hiện đang đứng vào top 5 tỉnh, thành phố thu hút vốn FDI cao nhất cả nước, vượt mức 20 tỷ USD vốn đăng ký, với trên 2.540 dự án FDI đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Số doanh nghiệp trong nước hiện nay cũng tăng nhanh lên gần 19.640 doanh nghiệp. Tuy vậy, ngành dịch vụ vẫn chưa thu hút nhiều dự án đầu tư để khai thác hiệu quả tiềm năng và vị thế mà Bình Dương hiện có.

Hiện nay, nguồn vốn đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp rất đa dạng, tuy nhiên trong đó ngành dịch vụ chỉ chiếm rất khiêm tốn. Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển ngành này tại Bình Dương còn rất lớn. Đại diện Công ty Liên doanh TNHH VSIP nhận định, dịch vụ phân phối hàng hóa tại Bình Dương cần được nâng cấp thành chuỗi thương mại bán sỉ để người tiêu dùng cuối cùng hoặc người mua sỉ mua với giá thấp nhất. Với lợi thế quỹ đất rộng, tập hợp nhiều công ty sản xuất, lại giáp ranh với thị trường rộng lớn TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương có thể trở thành trung tâm bán sỉ giá tốt nhất của cả nước. Sự phát triển của chuỗi thương mại này sẽ tạo ra ưu thế vượt trội cho Bình Dương, kéo theo một lượng khách vãng lai, khách du lịch đến mua sắm và tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Bình Dương còn có 2 tiềm năng lớn là hoạt động chuyên chở, lưu giữ và cung cấp hàng hóa (logistics) và du lịch. Đại diện Sở Công thương cho biết, hiện Bình Dương có các đơn vị tiêu biểu hoạt động trên lĩnh vực logistics như ICD Sóng Thần, ICD TBS Tân Vạn, ICD Thái Bình Dương… Đây là những nơi cung cấp 4 dịch vụ gồm: Xếp dỡ hàng hóa, bảo quản container, lưu kho bãi, vận chuyển container và hải quan. Toàn tỉnh còn có nhiều kho chứa hàng hóa lớn ở các khu công nghiệp và các kho bãi nhỏ lẻ khác của tư nhân bảo đảm thu gom, vận chuyển hàng hóa và chuyển phát theo nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn Bình Dương.

Trong giai đoạn 2016-2020, Bình Dương định hướng sẽ quan tâm nhiều hơn đến phát triển logistics, dịch vụ vận tải chuyên dùng, đầu tư phát triển các cảng và vận tải đường sông, hệ thống cảng khô ICD nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả của dịch vụ vận tải phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bình Dương cũng tạo điều kiện cho các dịch vụ tài chính - ngân hàng, đào tạo nhân lực phát triển; hình thành các ngành dịch vụ mũi nhọn như: Nhà ở, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nhân lực, phát triển công nghiệp, đô thị…

Ngành dịch vụ du lịch sẽ phát triển dựa trên việc đầu tư, xây dựng và khai thác có hiệu quả những lợi thế về địa lý, tiềm năng du lịch, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch và các hình thức xúc tiến quảng bá du lịch. Qua đó góp phần nâng cao hình ảnh tỉnh nhà; đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để hình thành các sản phẩm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho du khách và nhân dân trong tỉnh. 

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên