Phát triển trong hội nhập: Doanh nghiệp cần mạnh dạnứng dụng công nghệ mới

Cập nhật: 17-06-2019 | 09:38:34

Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp trong nước đang gia tăng. Cùng với đó, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế cùng việc thực hiện cam kết về cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ các biện pháp phi thuế quan khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, điển hình như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng tác động mạnh đến tình hình xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước.

 

Đại diện các doanh nghiệp tìm hiểu, trao đổi tại một gian hàng tham gia Hội chợ công nghiệp và sản xuất Việt Nam 2019 tổ chức ở Bình Dương vừa qua

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất - giải pháp cấp bách

Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội giày da, túi xách Bình Dương, hiện các doanh nghiệp trong hiệp hội đã và đang đẩy mạnh việc đầu tư công nghệ máy móc nhằm gia tăng năng suất, giảm thiểu lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp thành viên đã ký được đơn hàng đạt 90% kế hoạch năm 2019. Hiện thị trường chính của doanh nghiệp thành viên là Liên minh châu Âu (50%), Mỹ (30%).

Điều đáng mừng là đến nay, nguyên vật liệu trong nước phục vụ cho doanh nghiệp thành viên sản xuất đã đáp ứng được 60%, nên dần chủ động được sản xuất, ký kết đơn hàng. Ghi nhận cho thấy, từ đầu năm đến nay, hầu hết lượng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp thành viên tăng trung bình 5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, các thị trường xuất khẩu chính của ngành giày dép như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn biến phức tạp, các mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi các chính sách thuế bổ sung của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, đặc biệt nguy cơ bị điều tra lẫn tránh thuế đối với các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại thị trường Việt Nam. Do đó, các sản phẩm gỗ nói riêng và hàng hóa khác nói chung xuất khẩu sang thị trường Mỹ có thể sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ trong thời gian tới.

Hiện BIFA đã và đang hỗ trợ, giới thiệu công nghệ sản xuất mới, các giải pháp ứng dụng công nghệ trong sản xuất cho doanh nghiệp thành viên. Cụ thể, mới đây BIFA đã tổ chức hội thảo “Hệ thống công nghệ - giải pháp tối ưu cho nhà máy sản xuất nội thất hiện đại”, đại biểu tham gia là chủ các doanh nghiệp và kỹ thuật viên nhà máy. Tại hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu về công nghệ điều khiển bằng máy tính (CNC) trên thế giới, tầm nhìn của doanh nghiệp khi áp dụng CNC vào sản xuất, kỹ năng vận hành máy hiệu quả… Ông Lê Văn Minh, Phó Chủ tịch phụ trách đào tạo của BIFA, đánh giá hội thảo là cơ hội để giới thiệu những công nghệ máy móc tiên tiến trong ngành sản xuất gỗ. Qua hội thảo nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí nhân công, tăng giá trị của sản phẩm nội thất Việt Nam trên trường quốc tế.

Đối với các doanh nghiệp dệt may, cơ điện trong tỉnh cũng đạt kết quả tốt về xuất khẩu trong những tháng đầu năm. Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp này đã ký đơn hàng đến hết quý III-2019. Hiện các doanh nghiệp đang tích cực đầu tư trang bị công nghệ, hiện đại sản xuất, bảo đảm phát triển bền vững.

Thực hiện hiệu quả các giải pháp

Thời gian qua, Chính phủ đã có các giải pháp đồng bộ, sát thực tế, chỉ đạo thực hiện quyết liệt giải quyết kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề phát sinh trong hoạt động xuất nhập khẩu. Bộ Công thương đã thực hiện các giải pháp tổng thể để phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, cùng với đó duy trì các biện pháp quản lý nhập khẩu phù hợp với cam kết quốc tế khi các FTA Việt Nam tham gia có hiệu lực.

Theo Bộ Công thương, trong phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, các địa phương, doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ sản xuất, nhu cầu và tín hiệu thị trường; đồng thời cải thiện chất lượng hàng hóa xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu… Bộ cũng tiếp tục duy trì các biện pháp quản lý nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, làm tốt công tác quản lý chống gian lận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu…

Tại Bình Dương, từ đầu năm đến nay, Sở Công thương đã ký hợp đồng thực hiện 4 đề án, gồm “Định hướng ngành nghề, dự án kêu gọi thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại”, “Phát triển ngành cơ khí tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, “Phát triển ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, “Định hướng phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Việc thực hiện các đề tài này nhằm để ngành công thương tìm ra giải pháp, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới...

TIỂU MY

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên