Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung: Tất cả cùng chung tay vì đô thị văn minh, hiện đại, có bản sắc

Cập nhật: 31-12-2011 | 00:00:00

15 năm qua, kể từ khi tái lập từ tỉnh Sông Bé, kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương thay đổi toàn diện, mang tính bước ngoặt. Đó là một kỳ tích, là kết quả của sự quyết tâm, đoàn kết thống nhất, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh. Trên cơ sở thành tựu của 15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phải làm gì để tiếp tục xây dựng Bình Dương thành một thành phố văn minh, hiện đại có bản sắc riêng. Nhân dịp kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh, phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung.

 Phát triển công nghiệp mạnh mẽ, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động ngày càng nhiều. Trong ảnh: Công nhân Công ty URC, Khu công nghiệp VSIP II đóng gói bánh ngọt -15 năm qua, kể từ khi tỉnh Bình Dương tái lập, điều làm ông hài lòng nhất là gì?

 - Điều làm tôi hài lòng là sau 15 năm tái lập, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 6,5 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 6,4 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ, đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp (chỉ còn chiếm 4,1%). Từ một địa phương có cơ sở vật chất thiếu thốn, trình độ sản xuất lạc hậu (cơ bản là một tỉnh thuần nông) Bình Dương vươn lên trở thành một trong những tỉnh công nghiệp có tốc độ phát triển nhanh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới; năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 12% so với cả nước; có trên 12.000 doanh nghiệp trong nước với vốn đầu tư trên 91.000 tỷ đồng và  hơn 2.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn gần 15 tỷ đô la Mỹ.

Nền kinh tế Bình Dương cơ bản thay đổi về chất như việc hình thành các khu công nghiệp, khu dân cư - đô thị, các trung tâm thương mại phát triển theo hướng văn minh, đa dạng, phức hợp, hiện đại; đường giao thông được đầu tư đồng bộ, thông thoáng, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Bộ mặt đô thị của tỉnh đã được hình thành rõ nét, Thành phố mới Bình Dương 1.000 ha nằm trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị đang được đầu tư hình thành từng ngày với nhiều công trình đồ sộ như Trung tâm chính trị - hành chính tập trung, Khu công nghệ kỹ thuật cao, Trung tâm thương mại - tài chính - ngân hàng, trường Đại học Quốc tế Miền Đông... đánh dấu bước phát triển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa của tỉnh. Bộ mặt nông thôn được đổi mới, nhiều vùng nông thôn trước đây nay đã mang dáng dấp đô thị góp phần đưa Bình Dương ngày càng phát triển toàn diện. 

Kinh tế phát triển của tỉnh đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển xã hội, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các đối tượng chính sách luôn được quan tâm, chăm lo và thực hiện tốt. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo, y tế tăng lên qua các năm và thực hiện chủ trương xã hội hóa đã tạo điều kiện cho giáo dục, đào tạo và y tế phát triển mạnh; quy mô các trường, lớp học các cấp, cơ sở khám chữa bệnh được mở rộng. Hoạt động văn hóa, thể thao, truyền thông... phát triển đa dạng. Công tác xóa đói giảm nghèo được sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và nhân dân và từ năm 2008 không còn hộ nghèo theo tiêu chí cũ của tỉnh.

Bộ máy chính quyền các cấp luôn được kiện toàn đã phát huy được hiệu lực và  hiệu quả trong quản lý Nhà nước. Quốc phòng - an ninh được tỉnh đầu tư ở mức hợp lý, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững ổn định.

- Chìa khóa thành công của những thành tựu đó là gì, thưa ông?

- Ngay sau khi tái lập (1-1-1997), Bình Dương đã không ỷ lại trên mảnh đất anh hùng. Nhận thức được những khó khăn thách thức, tập trung chỉ đạo, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước; cụ thể hóa bằng những chính sách thông thoáng, mở đường cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương. Từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, Bình Dương đã khơi dậy dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực từ khắp nơi tụ về...

Thành công của Bình Dương trước hết phải rất trân trọng, kế thừa những thành tựu, những kinh nghiệm của các thế hệ đàn anh đi trước, đặc biệt là tư tưởng chỉ đạo “trải thảm đỏ mời gọi đầu tư”, lãnh đạo tỉnh đoàn kết vận dụng, khơi dậy sức mạnh tổng lực cả hệ thống chính trị và tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong tỉnh. Qua công tác tiếp thị mời gọi đầu tư, qua những việc làm cụ thể và những gì Bình Dương làm được đã tạo cho Bình Dương một thương hiệu, đó là một yếu tố quan trọng giúp cho Bình Dương phát triển trong thời gian qua.

- Trên cơ sở những thành tựu đó, ông có thể phác thảo cho độc giả báo Bình Dương về những mục tiêu, định hướng đô thị Bình Dương trong tương lai mà tỉnh đã đề ra, đang tập trung hướng tới?

- Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần IX, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định hướng phát triển đô thị Bình Dương trong thời gian tới là: theo hướng văn minh, hiện đại, có bản sắc, thân thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Cụ thể là: Hình thành trung tâm chính trị - hành chính tập trung của tỉnh theo hướng hiện đại; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế đạt chuẩn về kỹ thuật, đẹp về kiến trúc; mời gọi đầu tư hình thành khu trung tâm tài chính - ngân hàng, trung tâm phức hợp khách sạn, siêu thị, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí... Hình thành các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, thể dục - thể thao phục vụ cho sự phát triển và của vùng... Tất cả phải nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần của người dân ngày càng cao.

- Để đạt những mục tiêu đó, theo ông, chúng ta cần những điều kiện gì?

- Trước nhất, chúng ta cần phải làm tốt, khoa học công tác quy hoạch; Bình Dương mời gọi những nhà đầu tư nước ngoài tham gia thi tuyển để chọn phương án quy hoạch - kiến trúc cho đô thị Bình Dương tương lai.

Thứ hai, phải đầu tư một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội có tính động lực; vừa kết nối với hạ tầng của vùng kinh tế trọng điểm, với TP.HCM, các bến cảng, sân bay quốc tế tương lai tạo điều kiện hướng đến thu hút đầu tư phát triển. Có như thế mới phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Thứ ba, phải hình thành một số trung tâm thương mại, khu phức hợp dịch vụ cao cấp để phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập, thu hút nhân lực đến và làm việc lâu dài tại Bình Dương.

Thứ tư, phải có chương trình, kế hoạch xúc tiến mời gọi đầu tư gắn với có những chính sách ưu đãi thu hút những nhà đầu tư lớn; đó chính là nguồn lực kết hợp mạnh để đầu tư phát triển Thành phố mới trong tương lai.

Một đô thị có văn minh, hiện đại, có bản sắc hay thân thiện với môi trường hay không là do cư dân sinh sống tại địa phương làm nên. Nhân đây, tôi kêu gọi quý bạn đọc, các cô, bác, anh, chị, em,... chung tay cùng chính quyền, các nhà đầu tư góp phần tạo nên một đô thị theo mục tiêu đã đề ra.

- Xin cám ơn ông!

HÒA NHÂN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên