Phổ biến pháp luật phòng cháy, chữa cháy cho doanh nghiệp

Cập nhật: 25-05-2015 | 09:15:33

Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) tỉnh vừa tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PC&CC cho trên 200 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I (TX.Thuận An) và tổ chức cho các DN này ký cam kết bảo đảm an toàn về PC&CC năm 2015.

Thực tập phương án phối hợp chữa cháy và cứu hộ nhiều lực lượng tại Công ty may Far Eastern Việt Nam, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I. Ảnh: D.CHÍ

Giới thiệu những quy định mới

Tại hội nghị, đại diện Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy (P2) Cảnh sát PC&CC đã giới thiệu những nét khái quát của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PC&CC; Nghị định 79/2014/ NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 66/2014/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PC&CC. Trong đó, đại diện P2 giới thiệu tập trung vào một số nét mới bắt buộc thực hiện như: Hồ sơ quản lý về PC&CC là cơ sở pháp lý để quản lý, đánh giá về hiệu quả công tác PC&CC tại DN. Hồ sơ này phải được quản lý, lưu giữ cẩn thận theo từng năm để vừa giúp DN quản lý an toàn về PC&CC tại đơn vị vừa phục vụ công tác kiểm tra, hướng dẫn về PC&CC của cơ quan chức năng hoặc phục vụ công tác điều tra khi có sự cố.

Trung úy Phạm Ngọc Thanh, Phó Đội trưởng Đội Kiểm tra, thuộc P2 Cảnh sát PC&CC cho biết, sau mỗi vụ cháy, Cảnh sát PC&CC sẽ bàn giao hiện trường, hồ sơ cho cơ quan điều tra để tiến hành điều tra nguyên nhân. Nếu sự cố khách quan thì đơn vị bảo hiểm sẽ căn cứ vào kết quả điều tra để bồi thường cho DN. Ngược lại, sự cố là do con người thì cơ quan công an sẽ tiến hành truy tố hình sự theo quy định của pháp luật và hồ sơ bảo hiểm cũng được miễn bồi thường. Thực tế cho thấy, đơn vị bảo hiểm thường tìm mọi lý do để giảm trách nhiệm bồi thường. Một trong những lý do cụ thể nhất để đơn vị bảo hiểm căn cứ đó là hồ sơ quản lý về PC&CC.

Bên cạnh đó, yêu cầu quan trọng trong hồ sơ quản lý mà Luật PC&CC yêu cầu phải có là hồ sơ thẩm duyệt về an toàn PC&CC. Hồ sơ này gồm 2 phần: biên bản thẩm duyệt và nghiệm thu công trình. Biên bản thẩm duyệt là văn bản có giá trị pháp lý về tính an toàn về PC&CC của công trình đã được cơ quan Cảnh sát PC&CC phê duyệt theo quy định của pháp luật. Nội dung văn bản phải có sơ đồ thể hiện các khu vực có con người làm việc; khu vực máy móc công nghệ; nguồn nhiệt; kho, nơi chứa hóa chất, vật liệu dễ cháy; nguồn nước chữa cháy. Văn bản này chỉ cấp một lần và có giá trị sử dụng lâu dài cùng với công trình. Khi công trình hoàn thành phải được nghiệm thu theo quy định trước khi đưa vào hoạt động nhằm tránh các trường hợp có thiết bị an toàn nhưng không hoạt động được khi sự cố xảy ra hoặc có thay đổi so với thiết kế đã được phê duyệt trước đó.

Thiếu một trong các văn bản pháp lý nói trên, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định còn ảnh hưởng đến hồ sơ quản lý về an toàn PC&CC. Trong quá trình hoạt động, nếu có thay đổi công năng hoạt động, mở rộng quy mô DN, người sử dụng công trình phải có trách nhiệm thông báo đến cơ quan Cảnh sát PC&CC về nội dung thay đổi.

Các thiếu sót thường gặp

Qua thực tế kiểm tra an toàn PC&CC tại các DN trên địa bàn tỉnh cho thấy, những thiếu sót thường gặp là: Không thường xuyên kiểm tra, bảo trì hệ thống điện, bởi vì so với thiết kế ban đầu, sau một thời gian sử dụng số lượng máy móc công nghệ và công suất tăng lên nhưng hệ thống dây dẫn, cầu dao, cầu chì, thiết bị an toàn vẫn giữ ở công suất cũ, dẫn đến quá tải, chạm, chập điện gây cháy; hàng hóa sắp xếp tràn ra ngoài hành lang, lối đi là nơi thoát nạn khi có sự số. Thực tế, có nhiều trường hợp đường thoát nạn tại các khúc cua trong xưởng sản xuất được thiết kế ban đầu là 6m nhưng sau một thời gian hoạt động ổn định, công suất sản xuất tăng, DN đã tự ý cơi nới, đến khi xảy ra cháy xe chữa cháy không vào được phải chuyền dây chữa cháy vào trong mất nhiều thời gian, làm cho đám cháy phát triển mạnh và có nguy cơ lan rộng ra xung quanh rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, việc bố trí đèn thoát nạn tại một số DN cũng rất tùy tiện, không đúng quy định: Thay vì bố trí ngay cửa thoát nạn, nhiều DN lại lắp đặt đèn thoát nạn ngay lối ra vào. Nếu bố trí ở cửa thoát nạn, khi xảy ra cháy đèn này sẽ tự bật sáng để người bên trong nhìn thấy mà thoát nạn; trong khi đặt tại cửa ra vào, cửa này thường được đóng kín sau khi xuất nhập hàng hoặc vào ca sản xuất, nên người lao động gặp rất nhiều khó khăn để thoát ra ngoài khi xảy ra cháy. Cũng từ nhu cầu phát triển sản xuất, nhiều DN đã dùng vật liệu dễ cháy như ni lông, bạt nhựa, carton làm vách ngăn để phân chia nơi sản xuất thành nhiều khu vực khác nhau so với thiết kế ban đầu. Nếu xảy ra cháy, các vách ngăn trên sẽ là nguyên nhân gây cháy lan, cháy lớn vì rất dễ bắt lửa và phát cháy.

Để khắc phục tình trạng trên, P2 đề nghị các cơ sở, DN phải tự soạn thảo nội quy, quy định về an toàn PC&CC phù hợp với tính chất và yêu cầu hoạt động của DN mình; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị phòng cháy, tổ chức phương án huấn luyện, thực hành chữa cháy, thoát nạn phù hợp với tình huống giả định đặt ra tại cơ sở. P2 cũng yêu cầu phải nâng cao ý thức, trách nhiệm về PC&CC, bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh và phát triển.

Đại tá Nguyễn Văn Dựt, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh cho biết, thời gian qua, nhờ làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, nâng cao ý thức PC&CC trong cộng đồng nên Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I đã bảo đảm an toàn về PC&CC. Riêng từ đầu năm đến nay, tại khu công nghiệp không xảy ra vụ cháy nào.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên