Phó Chủ tịch UBND TX.TDM Võ Trần Phương Mai: Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, có tính đột phá

Cập nhật: 13-06-2012 | 00:00:00

Thương mại - dịch vụ là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong định hướng cơ cấu phát triển kinh tế của TX.TDM. Để hiểu rõ hơn về những đóng góp của lĩnh vực này trong những năm qua cũng như hướng phát triển trong thời gian tới, phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với bà Võ Trần Phương Mai, Phó Chủ tịch UBND TX.TDM.

 - Bà có thể cho biết những thành tựu về lĩnh vực dịch vụ - thương mại (DV-TM) trên địa bàn TX.TDM trong thời gian qua?

- Trong thời gian qua, TX.TDM luôn tập trung đầu tư nhiều công trình hạ tầng, cải tạo và nâng cấp các chợ truyền thống, tạo quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư ngành DV-TM. Qua đó đạt được nhiều thành tựu đáng kể cả về số lượng và chất lượng, góp phần tăng tỷ trọng ngành DV-TM trong cơ cấu kinh tế với tỷ lệ chiếm 60,8%. Nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân khu vực dịch vụ đạt từ 27% trở lên, thể hiện trên các hoạt động cụ thể như: về thương mại chỉ trong vòng 5 năm đã phát triển mạnh với sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức kinh tế hỗn hợp (tăng đến 274 đơn vị) và cơ sở kinh doanh cá thể (tăng lên 2.711 hộ). Hình thành 9 siêu thị và 2 trung tâm thương mại, cải tạo và nâng cấp 10 chợ truyền thống. Từng bước đưa hoạt động thương mại phát triển theo hướng hiện đại, văn minh góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hiện nay đã tăng gấp 2,8 lần so với năm 2006; giá trị sản phẩm xuất khẩu tăng cao gấp 4 lần so với năm 2006.

Các tổ chức tín dụng phát triển nhanh với sự có mặt của 28 chi nhánh ngân hàng, 4 quỹ tín dụng nhân dân. Các dịch vụ du lịch, lưu trú, lữ hành, dịch vụ viễn thông và các dịch vụ khác từng bước phát triển. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách được đáp ứng tốt; dịch vụ kho vận, logistic bước đầu phát triển thuận lợi với nhiều nhà đầu tư tham gia. Cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư và phát triển cả từ nguồn ngân sách lẫn huy động các thành phần kinh tế tham gia. Hình thành nhiều cơ sở khám chữa bệnh theo hướng xã hội hóa với chất lượng cao, hiện đại. Nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo từ cấp học mầm non đến đại học đã đi vào hoạt động, chất lượng giáo dục và dạy nghề từng bước được nâng cao. Nhiều dịch vụ mới, cao cấp như: nhà ở, tư vấn quản lý dự án, bất động sản, chứng khoán và một số dịch vụ thiết yếu bước đầu được hình thành tạo cơ sở quan trọng để phát triển đô thị của Thủ Dầu Một.

- Định hướng phát triển thương mại, dịch vụ trong thời gian tới như thế nào, thưa bà?

- Thị ủy TDM đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động số 13-CTr/TU về xây dựng và phát triển đô thị TDM (giai đoạn 2011-2015), trong đó chú trọng hình thành đồng bộ các loại hình DV-TM có chất lượng, hàm lượng cao gắn với bảo tồn, tôn tạo khu vực sinh thái ven sông Sài Gòn. Gắn phát triển công nghiệp, đô thị hiện hữu kết nối với sự phát triển Khu Liên hợp công nghiệp, dịch vụ và đô thị Bình Dương, bảo đảm phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, phấn đấu đến năm 2015 đạt tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chiếm từ 60 - 61,7%, tăng trưởng GDP bình quân khu vực dịch vụ hàng năm từ 27 - 28%, kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm tăng 20%...

- Bà có thể cho biết cụ thể hơn về hướng phát triển trong lĩnh vực này?

- TX.TDM sẽ tập trung đầu tư phát triển DV-TM theo hướng văn minh, hiện đại và có tính đột phá, cụ thể như: ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có chất lượng, tiềm năng, cạnh tranh và có giá trị gia tăng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt là gắn với các ngành dịch vụ có tính đột phá như viễn thông, tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu, thương mại, vận tải chuyên dùng, du lịch, bất động sản, thông tin tư vấn, khoa học công nghệ và chú trọng các dịch vụ phát triển nông thôn mới. Sẽ tập trung nâng cấp, đầu tư mới các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống theo quy hoạch gắn với quá trình phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư đô thị. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm thương mại đang hoàn thiện gồm: Trung tâm thương mại MC Bình Dương plaza, Trung tâm thương mại Phú Cường, Trung tâm thương mại, dân cư Phú Lợi - Phú Mỹ, Trung tâm thương mại dịch vụ Bạch Đằng; hình thành trung tâm thương mại, thông tin, hội chợ triển lãm, sàn giao dịch điện tử, đấu giá cấp vùng tại khu đô thị phường Hòa Phú.

Huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải công cộng, vận tải chuyên dùng, dịch vụ kho bãi, logistic. Phát triển dịch vụ nhà ở dân cư đô thị mang tính cao cấp, hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động các dịch vụ công cộng, dịch vụ tư vấn... Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống hạ tầng viễn thông với công nghệ hiện đại. Từng bước hình thành và phát triển trung tâm thương mại tài chính gắn với tiến trình xây dựng trung tâm hành chính và khu đô thị mới tỉnh Bình Dương. Tiếp tục phát triển mạnh, đa dạng các loại hình dịch vụ bảo hiểm. Đầu tư xây dựng hệ thống trường học, bệnh viện và trung tâm điều trị cao cấp, các thiết chế văn hóa và khu du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn... Rà soát, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi công năng các cơ sở sản xuất, kho bãi trong đô thị hiện hữu sang lĩnh vực dịch vụ, dân cư để vừa cải tạo môi trường vừa tạo ra sự đồng bộ của đô thị. Đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực thương mại, dịch vụ đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

- Xin cám ơn bà!

Trung Đồng (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên