Phòng bệnh bạch hầu: Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất

Cập nhật: 29-06-2020 | 04:58:30

 Những ngày qua, thông tin về những ca bệnh bạch hầu được ghi nhận ở tỉnh Đắk Nông, TP.Hồ Chí Minh được người dân rất quan tâm. Để chủ động phòng bệnh, các bác sĩ cho biết biện pháp tốt nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ...

 Tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch là biện pháp phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất hiện nay

 Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết do thực hiện tốt công tác tiêm chủng nên khoảng 20 năm nay trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, gần đây trên địa bàn Đắk Nông, TP.Hồ Chí Minh đã xuất hiện ca bệnh nên nguy cơ lây nhiễm đối với tỉnh Bình Dương cũng không loại trừ. Đây là một bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên người lớn cũng có thể mắc phải nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm.

“Tiêm chủng vắc-xin là biện pháp tối ưu nhất trong phòng bệnh bạch hầu. Trẻ dưới 1 tuổi cần tiêm đủ 3 mũi vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) hoặc vắc-xin DPT-VGB-Hib và tiêm nhắc lại DPT cho trẻ từ 18 tháng”.

(Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Dấu hiệu để nhận biết bệnh bạch hầu, bệnh nhân thường có biểu hiện sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2 - 3 ngày, xuất hiện giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám, đen, dai, dính, dễ chảy máu khi đụng vào. Bệnh có thể qua khỏi trong vòng 6 - 10 ngày, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Trường hợp bệnh nặng, không có biểu hiện sốt cao nhưng có thể sưng cổ và làm hẹp đường thở. Bệnh có thể gây ra các biến chứng với các tổn thương, như: Viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch; thoái hóa thận, hoại tử ống thận; tắc nghẽn đường hô hấp...

Hiện nay, công tác phòng bệnh bạch hầu rất được ngành y tế quan tâm. Ngay sau khi có văn bản của Bộ Y tế, ngành y tế Bình Dương đã nhanh chóng chuyển tải thông tin chỉ đạo của bộ đến các cơ sở y tế trên địa bàn để nhanh chóng triển khai thực hiện theo quy định; tăng cường truyền thông đến người dân về các biện pháp phòng bệnh; đồng thời tiến hành rà soát danh sách đối tượng trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng chưa tiêm vắc-xin, tiêm không đầy đủ để lập kế hoạch tổ tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu bổ sung cho trẻ. Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, cho biết dự kiến, công tác tiêm chủng bổ sung sẽ được triển khai trong tháng 7 này trên địa bàn toàn tỉnh.

Bệnh bạch hầu hiện vẫn chưa được loại trừ ở nước ta, do đó, người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh. Do đó, để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, bác sĩ Quách Hoàng Mỹ khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp mà ngành y tế đã đưa ra: Đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin đủ mũi tiêm và đúng lịch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

 CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên