Phòng chống cháy nổ trong doanh nghiệp: An toàn để sản xuất

Cập nhật: 13-05-2019 | 19:41:03

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện nay việc đào tạo, diễn tập phòng cháy chữa cháy (PCCC) thường tổ chức ngay tại doanh nghiệp (DN) với tình huống giả định những điều kiện khác biệt so với khi xảy ra cháy. Hầu hết các DN chỉ làm tốt công tác sơ tán, đưa người rời khỏi khu vực xảy ra cháy an toàn, nhưng tình huống xảy ra thì không thể xử lý kịp thời khiến ngọn lửa bùng phát, gây cháy lớn.

Lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với sự phối hợp của nhiều lực lượng tại KCN VSIP 1

Chú trọng xây dựng lực lượng PCCC cơ sở

Bất cập trên được lãnh đạo, cơ quan chức năng liên quan thừa nhận, dù nhu cầu đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC của tỉnh là rất lớn nhưng cho đến nay tỉnh Bình Dương vẫn chưa có một trung tâm để phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện, nghiệp vụ chuyên môn cho cả lực lượng chính quy cũng như các DN, lực lượng PCCC ở cơ sở. Đó là hạn chế lớn khiến năng lực PCCC ở cơ sở chưa thể phát huy hết những kinh nghiệm, khả năng xử lý tốt các tình huống xảy ra cháy. Kế đến là đội ngũ chữa cháy ở cơ sở hầu hết các DN tận dụng lực lượng bảo vệ hay công nhân lao động ở đơn vị để tham gia. Việc biến động về nhân lực của lực lượng này khiến công tác PCCC ở cơ sở không phát huy hết sức mạnh.

Ông Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội , Trưởng đoàn Giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC, khi làm việc tại Bình Dương cho rằng bên cạnh những DN lớn có khả năng đầu tư hệ thống trang thiết bị, phương tiện PCCC tốt thì một bộ phận các DN vừa và nhỏ rất cần sự quan tâm của cơ quan chức năng đối với công tác bảo đảm an toàn PCCC tại cơ sở sản xuất, kinh doanh của họ, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ gần các khu dân cư. Do đó, thay mặt đoàn giám sát Quốc hội, ông mong muốn thời gian tới, tỉnh và các ngành liên quan cần đặc biệt quan tâm không chỉ kiểm tra các quy định PCCC mà còn quan tâm hỗ trợ hơn nữa cho các DN vừa và nhỏ trong công tác đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng ở cơ sở để góp phần làm tốt công tác PCCC ở địa phương.

Cùng chung tay PCCC

Sự cố cháy nổ xảy ra tại DN luôn để lại những thiệt hại về tài sản rất nặng nề, không thể một sớm một chiều có thể khắc phục ngay để quay lại sản xuất. Vấn đề mà DN cũng như ngành chức năng quan tâm đó là trong giai đoạn chờ khắc phục, đội ngũ lao động sẽ không có việc làm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống công nhân lao động. Còn nhớ vụ cháy tại công ty chuyên sản xuất mực in Sakata ở TX.Thuận An, hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ nhà xưởng rộng 4.000m2 cùng máy móc, nguyên vật liệu của công ty. Phải mất hơn một năm DN mới có thể khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có thể nói sự cố cháy, nổ không những làm DN bị thiệt hại nặng nề về kinh kế mà còn khiến nhiều công nhân lao động phải tạm nghỉ việc chờ khắc phục, xây dựng lại nhà xưởng. Tương tự nhiều DN bị “bà hỏa” viếng cũng lâm vào cảnh khó khăn do thiệt hại cháy gây ra.

Xác định mục tiêu “an toàn để sản xuất”, năm 2015 Phòng Cảnh sát PCCC tỉnh đã phối hợp cùng Ban Quản lý KCN VSIP 1 đã thành lập mô hình “Cụm DN an toàn PCCC” tại KCN VSIP 1, TX.Thuận An. Đây là mô hình Cụm DN an toàn PCCC trong khu công nghiệp đầu tiên được thành lập trên địa bàn tỉnh, hoạt động theo phương thức tự chủ, xã hội hóa, nhằm hỗ trợ nhau trong việc tuyên truyền và thực hiện các nhiệm vụ an toàn PCCC, như: Lập và quản lý hồ sơ; chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý sắp xếp hàng hóa, tổ chức sản xuất hiệu quả, an toàn; xây dựng phương án huấn luyện, diễn tập PCCC và cứu nạn cứu hộ; tổ chức kiểm tra chéo nhằm nâng cao hiệu quả, tính an toàn trong công tác tại chỗ...

Thiếu tá Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh, cho biết sau 3 năm hoạt động, Cụm DN an toàn PCCC đã phát triển được 9 DN với hàng chục ngàn công nhân lao động. Trong 3 năm qua, các thành viên trong cụm đã phối hợp tổ chức nhiều buổi diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nhiều lực lượng; tổ chức kiểm tra, chấm điểm giữa các DN thành viên; mở lớp tuyên truyền về PCCC cho cán bộ, công nhân viên, người lao động và các thành viên đội PCCC tại chỗ. Hàng năm, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh đều tổ chức diễn tập các phương án PCCC tại các đơn vị. Có thể nói với số lượng công nhân lên đế hàng ngàn người, việc diễn tập phương án PCCC, cứu nạn, cứu hộ và sơ tán công nhân ra khỏi nhà xưởng an toàn khi có tình huống xảy ra cháy là một nhiệm vụ quan trọng, nếu không chủ động diễn tập, tập huấn cho nhân viên có thể khi xảy ra tình huống cháy thì sự hỗn loạn của công nhân sẽ dẫn đến những sự cố, tai nạn đáng tiếc trong lúc sơ tán khỏi nhà máy.

Nói về kết quả hoạt động của mô hình này, Thiếu tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh cho biết thêm, từ lúc thành lập đến nay các thành viên trong Cụm DN an toàn PCCC tại KCN VSIP 1 đã không để xảy ra cháy tại đơn vị. Các thành viên này sẵn sàng hỗ trợ nhau, chia sẻ những kinh nghiệm để làm tốt công tác PCCC ở đơn vị, nhất là tuyên truyền để nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức về PCCC không chỉ ở nơi làm việc mà còn tại gia đình và những nơi sinh hoạt công cộng. “Từ những kết quả đạt được sau 3 năm hoạt động của mô hình Cụm DN an toàn PCCC, trong thời gian tới phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để thành lập các mô hình tương tự”, Thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng nói.

Có thể nói, để công tác PCCC phát huy hiệu quả cả về chiều rộng và chiều sâu, không thể giao phó hết cho lực lượng chuyên trách mà đòi hỏi sự chung tay cộng đồng trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị DN thì công tác PCCC mới thật sự đạt được kết quả tốt, góp phần chủ động ngăn ngừa và xử lý tốt các tình huống xảy ra cháy, hạn chế các thiệt hại về người và tài sản trong các sự cố cháy, nổ.

Xác định công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC là một biện pháp trọng tâm, trong những năm qua, UBND tỉnh đã luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường các phương pháp, biện pháp, đổi mới nội dung, hình thức trong công tác tuyên truyền PCCC, như: Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh để xây dựng, đăng phát các tin, bài, phóng sự phản ánh, tuyên truyền kiến thức PCCC và pháp luật về công tác PCCC, trong đó lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bình Dương ưu tiên dành nhiều thời lượng, chương trình, chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền về công tác PCCC, đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân theo dõi.

Từ tháng 7-2014 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC tỉnh đã tiến hành kiểm tra 56.584 lượt cơ sở, lập 56.584 biên bản, hướng dẫn và kiến nghị các cơ sở khắc phục 167.608 thiếu sót về an toàn PCCC. Qua công tác kiểm tra Phòng Cảnh sát PCCC tỉnh đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1.017 trường hợp, số tiền nộp ngân sách Nhà nước hơn 4,5 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 8 trường hợp đối với cơ sở kinh doanh karaoke; phạt cảnh cáo 2 trường hợp. Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra 847 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, hướng dẫn khắc phục 2.654 thiếu sót về an toàn PCCC; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ phối hợp với Sở Công thương và UBND các huyện, thị, thành phố hoàn thành công tác phối hợp kiểm tra liên ngành kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở trên địa bàn tỉnh đưa vào hoạt động trước khi có Luật PCCC năm 2001. Các đơn vị này đã kiểm tra 324/324 cơ sở, trong đó có 56 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, qua công tác kiểm tra các đơn vị đã chủ động đề ra các biện pháp, giải pháp an toàn PCCC để hướng dẫn các cơ sở, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện đúng quy định.

MINH DUY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên