Phòng chống HIV/AIDS: Khi nghi ngờ bị nhiễm HIV/AIDS cần đi xét nghiệm ngay

Cập nhật: 05-09-2012 | 00:00:00

HIV là loại vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người và gây ra bệnh AIDS. HIV có nhiều trong máu, dịch tiết cơ quan sinh dục, sữa mẹ, dịch màng não, màng bụng... của người nhiễm bệnh. AIDS là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV. Để hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Kiều Uyên, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh...

- Xin bác sĩ cho biết, HIV lây truyền qua những đường nào?

- HIV lây truyền qua 3 đường, đó là: đường máu, cụ thể là khi dùng chung bơm kim tiêm (nhất là tiêm chích ma túy chung bơm kim tiêm); dùng chung các vật sắc nhọn có dính máu - dịch chứa HIV không được tiệt trùng đúng cách và truyền máu có nhiễm HIV; đường quan hệ tình dục, cụ thể là quan hệ tình dục với người nhiễm mà không sử dụng bao cao su đúng cách ngay từ đầu. Hình thức quan hệ tình dục là khác giới hoặc đồng giới (nam có nguy cơ nhiễm sẽ cao hơn); đường mẹ truyền sang con, cụ thể là mẹ đã nhiễm HIV truyền cho con lúc mang thai, trong khi sinh và cho con bú mà không được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm và đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.  

Xét nghiệm máu là cách duy nhất để khẳng định có bị nhiễm HIV hay không

HIV/AIDS không lây truyền qua các giao tiếp thông thường như bắt tay, hôn xã giao; ăn uống chung; tắm chung bể bơi, nhà tắm; dùng chung các vật dụng lao động; dùng chung nhà vệ sinh, chậu rửa; muỗi hoặc các côn trùng khác đốt...

- Theo bác sĩ, những người nào có nguy cơ nhiễm HIV nhiều nhất?

- Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị nhiễm HIV nếu không biết cách phòng tránh. Tuy nhiên, những người sau đây nguy cơ nhiễm HIV cao hơn người bình thường: người tiêm chích ma túy chung dụng cụ (bơm kim tiêm, dụng cụ pha chế ma túy), người quan hệ tình dục không an toàn, không sử dụng bao cao su đúng cách ngay từ đầu (nhất là người hoạt động mại dâm và bạn tình của họ mà không dùng bao cao su).

Do đó, khi nghi ngờ bị nhiễm HIV/AIDS cần đến ngay cơ sở y tế, phòng tư vấn và xét nghiệm tự nguyện để xác định có nhiễm HIV hay không. Xét nghiệm máu là cách duy nhất để khẳng định có bị nhiễm HIV hay không.

- Xin bác sĩ cho biết rõ hơn về xét nghiệm HIV?

- Xét nghiệm HIV tuân theo Luật Phòng chống HIV/AIDS năm 2006 gồm: xét nghiệm HIV tự nguyện và xét nghiệm HIV bắt buộc. Trong đó: Xét nghiệm HIV tự nguyện theo Điều 27 của Luật Phòng chống HIV/AIDS là hình thức người tham gia xét nghiệm HIV trên 16 tuổi trở lên (được gọi là khách hàng). Họ sẽ được tư vấn theo quy định của Bộ Y tế bởi tư vấn viên về các lợi ích của xét nghiệm và các tình huống ứng xử cần thiết khi có kết quả xét nghiệm chính thức, để khách hàng không có những phản ứng tiêu cực về kết quả xét nghiệm của họ (không nhiễm - âm tính hoặc đã nhiễm - dương tính) và tư vấn viên giúp khách hàng giảm được những hành vi nguy cơ dễ bị lây nhiễm HIV. Đối với các trường hợp không may đã nhiễm, tư vấn viên sẽ giúp đỡ khách hàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc điều trị miễn phí, cách giữ gìn sức khỏe để không chuyển AIDS và cách ngăn ngừa không để lây HIV cho người khác, nhất là bạn tình của người nhiễm.

Xét nghiệm HIV bắt buộc là hình thức xét nghiệm theo Điều 28, Mục 2 của Luật Phòng chống HIV/AIDS, như sau: đối với các trường hợp có trưng cầu giám định tư pháp hoặc quyết định của cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân hoặc tòa án nhân dân; đối với ngành y tế: phải làm xét nghiệm HIV trong một số trường hợp cần thiết để chẩn đoán và điều trị cho người bệnh; Chính phủ quy định danh mục một số nghề khi tuyển dụng bắt buộc phải xét  nghiệm HIV.

Khi mới biết mình bị nhiễm HIV, tâm lý người nhiễm thường hay hoảng sợ, lo lắng. Tuy nhiên, nếu xét nghiệm biết được mình bị nhiễm cũng có cái lợi của nó. Bạn sẽ được hướng dẫn, tư vấn để biết cách tự chăm sóc sức khỏe bản thân. Ngược lại, nếu một người nhiễm HIV mà không biết mình bị nhiễm thì có khi sẽ mang HIV lây cho người khác.

Xét nghiệm HIV có 2 cách: xét nghiệm trực tiếp bằng phương pháp PCR tìm cấu trúc gen của vi-rút; xét nghiệm gián tiếp trong đa số các phòng xét nghiệm khẳng định HIV dương tính đang làm tại Việt Nam là tìm kháng thể kháng virus. Sau khi HIV vào cơ thể từ 1 - 3 tháng, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại HIV (Anti HIV). Tuy nhiên, kháng thể này vẫn không thể trị được HIV. Và kháng thể là dấu hiệu cho thấy đã, có nhiễm HIV.

- Thưa bác sĩ, người tham gia xét nghiệm kết quả có được bí mật không?

- Người tham gia xét nghiệm đều được giữ bí mật. Có thể, bác sĩ xét nghiệm sẽ hỏi tên, địa chỉ của bạn, nhưng tên, địa chỉ cũng như kết quả xét nghiệm đều được giữ bí mật. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái vẫn có thể yêu cầu không để lại địa chỉ.

Bạn có thể đến: Phòng Tư vấn sức khỏe cộng đồng miễn phí tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh; Phòng Tư vấn sức khỏe cộng đồng miễn phí tại Trạm Y tế phường Tân Đông Hiệp (TX.Dĩ An); Phòng Tư vấn sức khỏe cộng đồng miễn phí tại Trung tâm Y tế huyện Bến Cát để xét nghiệm HIV. Ngoài ra, các bệnh viện và các trung tâm y tế tuyến huyện, thị, thành phố và hệ thống y tế tư nhân cũng có làm xét nghiệm sàng lọc HIV bằng test nhanh. Tuy nhiên, để biết chính xác người đó có bị nhiễm HIV hay không thì xét nghiệm sàng lọc HIV bằng test nhanh chưa đủ để khẳng định được. Tại Bình Dương, chỉ có Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh mới đủ điều kiện để khẳng định HIV dương tính và đã được Bộ Y tế công nhận.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

CẨM LÝ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên