Phòng chống ngập lụt cục bộ: Sẽ giảm thiểu vào năm 2015!

Cập nhật: 02-06-2012 | 00:00:00

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam tại Thông báo số 98/TB-UBND ngày 17-4-2012, sau quá trình khảo sát của các huyện, thị cho thấy, số điểm ngập cục bộ sau 2 tháng đã tăng 12 điểm mới phát sinh do nhiều yếu tố bao gồm cả khách quan và chủ quan. Do đó, việc đề ra những giải pháp trước mắt và lâu dài là cần thiết nhằm bảo đảm sinh hoạt cho người dân cũng như góp phần làm đẹp mỹ quan đô thị.

Thêm 12 điểm ngập cục bộ

Theo số liệu thống kê, tổng số điểm ngập nước trên địa bàn tỉnh đã tăng 12 điểm ngập so với 3 tháng trước đây (từ 53 điểm tăng lên 65 điểm). Trong đó, có 5 điểm đã khắc phục xử lý như tại TX.TDM có đường Thích Quảng Đức (giao lộ đường Phan Đình Giót); đường Phạm Ngũ Lão, vị trí cầu Bưng Cải; đường 30-4; đường Nguyễn Tri Phương, ngã ba Cây Dầu Đôi; đường Cầu Sắt (TX.Thuận An) bằng các giải pháp trước mắt như nạo vét, vệ sinh hệ thống thoát nước, khai thông hệ thống kênh rạch...; 43 điểm đang khắc phục, xử lý và 17 điểm chưa khắc phục. Trong tổng số 65 điểm ngập thì TX.Dĩ An có số điểm ngập nhiều nhất (19 điểm); huyện Tân Uyên có số điểm ngập ít nhất (4 điểm) và địa bàn huyện Dầu Tiếng hiện chưa xuất hiện điểm ngập nào.

 Đường Phạm Ngũ Lão (khu vực cầu Bưng Cải) nước mưa ngập vào nhà dân gây khó khăn trong sinh hoạt

Trước đây, những điểm ngập cục bộ thường được báo cáo theo vụ việc chứ không lập kế hoạch cụ thể. Bắt đầu từ năm 2011, thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh, Sở Xây dựng tiến hành lập kế hoạch cụ thể “điểm danh” những điểm ngập cục bộ và phân công, phân cấp trách nhiệm cho từng đơn vị cụ thể theo Quyết định số 38 về Quy định quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn của UBND tỉnh.

Nhiều nguyên nhân

Theo ông Lê  Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập cục bộ. Trong đó phải kể đến các nguyên nhân như do tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đông dẫn đến lưu lượng nước thải sinh hoạt tăng, quá trình bê tông hóa làm giảm tỷ lệ thấm tự nhiên. Bên cạnh đó, hiện tượng lấn chiếm, đổ đất san dòng chảy mương, suối, kênh, rạch làm giảm tiết diện theo nước của các lưu vực. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu kết hợp với triều cường, xả lũ, lượng mưa ngày càng nhiều đều “góp phần” tăng ngập.

Các điểm ngập nước do khi mưa to, nước thượng nguồn đổ về quá nhanh kết hợp với triều cường dâng nên không thể thoát nước kịp hoặc do hiện trạng đường cống thoát nước có khẩu độ nhỏ, công tác vệ sinh, nạo vét không thường xuyên (Đại học Bình Dương, Khu tái định cư Sóng Thần); do đường thấp, lún, tốc độ đô thị hóa cao (ngã ba Cầu Ngang, Trạm thu phí cầu Ông Bố - TX.Thuận An); vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng hoặc không có hệ thống thoát nước (xã Thới Hòa, Bến Cát; đường ĐT741, Phú Giáo); khó khăn trong nguồn vốn, còn chồng chéo trong công tác quản lý Nhà nước làm cho tiến độ xử lý, hoàn thành các dự án trọng điểm phục vụ tiêu thoát nước cho cả khu vực còn chậm, ảnh hưởng đến công tác phòng chống tình trạng ngập nước như hiện nay. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư các tuyến đường BOT chưa triển khai đồng bộ và quyết liệt trong công tác phòng chống ngập nước nên số lượng các điểm ngập trên các tuyến đường do mình quản lý không giảm mà còn tăng, gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân và mỹ quan đô thị.

Theo một hộ dân kinh doanh tại khu vực đường Thích Quảng Đức (giao lộ đường Phan Đình Giót) thì: “Cứ mỗi lần mưa là khu này lại ngập. Mà chỗ này ngập từ lâu rồi, không hiểu bên cấp thoát nước thực hiện thế nào nữa!”, hộ dân này thắc mắc. Còn chị A.T (xã Tân Vĩnh Hiệp, Tân Uyên) cũng phàn nàn: “Những ngày trời mưa, đường có bị ngập nhưng những khi mưa nhỏ mà nước cũng lênh láng đầy đường một phần do một số công ty thiếu ý thức đã tranh thủ lúc trời mưa để xả nước thải ra đường. Vừa ngập nước, vừa ô nhiễm môi trường”. Cũng theo khảo sát thì tại khu vực đường Phạm Ngũ Lão (cầu Bưng Cải), khi có mưa to, nước ngập cao vào nhà dân gây khó khăn cho sinh hoạt, người dân đã tự “giải thoát” dòng nước bằng cách đập bỏ tường bao để nước thoát ra sông.

Giải pháp khắc phục

Ông LÊ PHÚ CƯỜNG, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh: “Giảm ngập - khó cũng phải làm!”

Trong chương trình Phát triển đô thị thì phấn đấu đến năm 2015 giảm thiểu điểm ngập và năm 2020 chấm dứt hiện tượng ngập, thời gian và cường độ ngập. Trong số 43 điểm ngập đang khắc phục, xử lý sẽ cố gắng khắc phục trong năm nay, chậm lắm là sang năm. Về lâu dài, sẽ tiếp tục tiến hành, lập dự án hoàn chỉnh trước tháng 10 để tiến hành xử lý vào năm 2013. Việc khảo sát, đo đạc, chờ chủ trương, vốn, xem xét trình độ thi công... còn nhiều khó khăn. Biết là rất khó nhưng phải làm!

Trước tình trạng ngập cục bộ xảy ra thường xuyên đã gây ảnh hưởng không nhỏ trong việc lưu thông của các phương tiện giao thông, khó khăn trong sinh hoạt đồng thời gây mất mỹ quan đô thị thì Sở Xây dựng nhanh chóng đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài để khẩn trương xử lý các điểm ngập trên.

Theo phương án xử lý các điểm ngập trên địa bàn tỉnh thì các giải pháp trước mắt thực hiện trong năm nay là tiến hành nạo vét, khai thông hệ thống công thoát, mương, rãnh kênh rạch; thường xuyên kiểm tra, vệ sinh các hố ga thu nước, sửa chữa đối với các tuyến đường bị lún bảo đảm thoát nước, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp không lấn chiếm, lấp mương làm thay đổi tiết diện dòng chảy; cần thường xuyên kiểm tra, khảo sát để khắc phục; phát quang, dọn dẹp phía hạ lưu tạo thông thoáng dòng chảy.

Cũng theo ông Cường, về các giải pháp lâu dài thì điều quan trọng nhất là khẩn trương lập dự án đầu tư mở rộng kết hợp với tăng khẩu độ cống hoặc bố trí cầu bản kết hợp với việc phân chia lại lưu vực thu nước một cách hợp lý để bảo đảm khả năng thoát nước cho từng khu vực. Tiến hành thi công hoàn thiện, giải tỏa nhanh để đấu nối hệ thống thoát nước; trong quá trình đô thị hóa cần có giải pháp xây dựng công trình có nhiều khoảng xanh, thảm xanh để tăng cường khả năng thấm nước đồng thời làm đẹp mỹ quan đô thị. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý lấn chiếm, nâng cao tinh thần trách nhiệm xử lý các điểm ngập nước và xem đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Như vậy, với việc tổng hợp các điểm ngập cục bộ và đề ra phương án xử lý cũng như việc phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị quản lý đang là một tín hiệu mừng đối với nhiều hộ dân trong các khu vực. Tuy nhiên, việc lập dự án, giải quyết cũng cần được triển khai nhanh chóng theo định hướng xây dựng tỉnh trở thành đô thị loại I trong tương lai.

THANH LÊ

“Khu vực giao lộ đường Phan Đình Giót  - Thích Quảng Đức, kể cả phía đông đại lộ Bình Dương cũng na ná giống với ngập ở Thái Lan vì khi có mưa to, nước thượng nguồn đổ về nhanh kết hợp triều cường dâng nước thì toàn bộ hệ thống rạch nội ô (Thủ Ngữ, Thầy Năng, Ông Đành...) đều không thể tiêu thoát nước từ cống ven đường ra sông Sài Gòn gây ngập. Vì vậy, phải lên kế hoạch, lập dự án, tiến hành “san sẻ” nước thì mới giảm được cường độ ngập, nếu không thì vẫn “chịu chết” thôi” - ông Lê Phú Cường nói.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên