Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em: Bài 1

Cập nhật: 18-05-2017 | 07:53:51

Bài 1: Báo động tình trạng đuối nước ở trẻ em

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em là tai nạn đuối nước (TNĐN). Thực tế cho thấy, chỉ trong vòng 2 tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ đuối nước khiến 4 học sinh tử vong. Nguyên nhân chủ yếu là do các em thiếu kỹ năng bơi lội và ứng cứu khi xảy ra đuối nước.

Hiện trường vụ học sinh bị đuối nước ở phường Tương Bình Hiệp, TP.TDM. Ảnh: M.DUY

Phớt lờ nguy hiểm!

Đến nay, nhiều người dân gần khu vực đập nước tại KP.3, phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một vẫn còn bàng hoàng trước cái chết thương tâm của em Nguyễn Trung Tr. (12 tuổi). Ông Lê Văn Sáu, người dân địa phương cho biết: “Tôi thường chăn bò ở đây nên nhiều lần cảnh báo mấy đứa trẻ không được tắm dưới đập nước này. Ngay cả tôi là người biết bơi nhưng cũng sợ trước độ sâu của đập nước này. Nhưng khi nghe tôi khuyến cáo, các em học sinh đến đây lại cười và tự tin vì mình biết bơi nên sẽ không sao! Các em đâu biết được rằng dù biết bơi nhưng với sức khỏe có hạn thì làm sao tránh được những tình huống bất ngờ...!”.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, hiện nay đang bước vào mùa mưa lũ, vì vậy các bậc phụ huynh cần nhắc nhở con em không chơi hay bơi lội và đi qua các khu vực có nước sâu. Khi di chuyển qua vùng nước, cần tránh xa nơi có nguồn điện để đề phòng bị điện giật. Trường hợp đi đường mà gặp trời mưa to, nước dâng lên nhanh, tuyệt đối không lội vào những khu vực nước như hồ, ao… Vì nước có thể tràn lên che lấp bờ và tạo ra những mối nguy hiểm khi khó xác định được đâu là bờ. Dù ở giữa phố phường thì vẫn có khả năng có những nắp cống đang mở, đó là nơi cực kỳ nguy hiểm, dễ dẫn tới chết đuối. Nếu khắp nơi đều ngập thì phải đi lên chỗ cao nhất và kêu gọi người đến ứng cứu. Nếu không may đã rơi xuống nước thì nên bình tĩnh tìm cách bám vào những cành cây và những vật nổi lên trên mặt nước rồi kêu cứu. Tuyệt đối không cuống cuồng đạp chân tay loạn xạ. Phải bình tĩnh chờ người đến cứu.

Theo quan sát của chúng tôi, đập nước này không có rào chắn, dùng để điều tiết nước từ các khu công nghiệp trên địa bàn đổ về hạ nguồn. Hiện nay đang là mùa nước cạn nhưng tại van điều tiết nước có độ sâu gần 20m. Mặc dù chính quyền địa phương đã cấm biển cảnh báo nguy hiểm nhưng vẫn có nhiều người đến đây để tắm. Những ngày gần đây, nhiều học sinh vừa kết thúc kỳ thi cuối cùng của năm học nên thường kéo nhau ra đây để chơi và tắm.

Tương tự trường hợp của Tr., một nhóm học sinh trung học cơ sở cũng đã “phớt lờ” cảnh báo nguy hiểm của người dân và rủ nhau ra bờ sông Đồng Nai, đoạn chảy qua KP.Dư Khánh, phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên để chơi. Trong lúc nô đùa tại đây, không may một em bị trượt chân xuống sông. Các em còn lại tìm cách cứu bạn nhưng 3 em lại bị kéo xuống sông. Em còn lại ở trên bờ khóc kêu cứu. Nghe tiếng kêu cứu, người dân gần đó chạy ra cứu được hai em lên bờ. Còn hai em Lê Thanh T. và Phạm Thị Ngọc A. (cùng sinh năm 2003, học sinh trường Trung học cơ sở Thái Hòa) đã bị nước cuốn trôi. Điều đáng nói là cách đây 10 năm, anh trai của A. cũng bị chết đuối.

Người dân ở đây cho biết, nơi xảy ra tai nạn là một bậc thang được người dân sử dụng để phóng sanh cá và được rào chắn bằng cửa sắt. Tuy nhiên, các em học sinh lại tự ý mở cửa vào đây chơi mặc dù biết nơi đây rất nguy hiểm. Sau khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm trên, người dân đã cẩn thận khóa cổng ra vào khu vực này đề phòng chuyện tương tự xảy ra.

 

Nguyên nhân do đâu?

Bà Nguyễn Thanh Trúc, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết: “Qua công tác theo dõi và giám sát tình hình đuối nước ở trẻ em trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của xã hội và người dân về phòng, chống TNĐN cho trẻ em vẫn còn hạn chế; thể hiện qua việc coi thường sự nguy hiểm, hậu quả của tác nhân gây đuối nước đối với trẻ em. Nguyên nhân là do việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng phòng chống đuối nước chưa được chú trọng đúng mức. Việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy chưa nghiêm. Thói quen của người dân không mặc áo phao khi đi trên tàu, thuyền còn phổ biến. Nhiều phụ huynh và gia đình thiếu quan tâm, giám sát các hoạt động vui chơi của trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ. Nhiều trường hợp trẻ em bị rơi xuống sông, hồ, bể nước, thậm chí là lu nước trong nhà chỉ vì sự thiếu quan sát của cha mẹ, người giữ trẻ trong một khoảng thời gian ngắn dẫn đến trẻ bị tử vong do đuối nước”.

Bà Trúc cho biết thêm: “Mới đây, chúng tôi đi thăm hỏi và động viên gia đình bé Phạm Văn S. (ngụ KP.4, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một) nạn nhân bị rơi xuống rạch dẫn đến tử vong. Qua thông tin từ gia đình, chúng tôi được biết S. cùng bạn ra rạch Cầu Xây gần nhà để chơi. Trong lúc nhảy qua xà lan chứa vật liệu thi công bắt qua rạch, bé S. bị trợt chân té xuống rạch. Thấy bạn bị nạn, các bạn đi cùng liền chạy ngược về nhà cách đó gần 2km để gọi người nhà đến ứng cứu. Trong khi đó, cách hiện trường vụ tai nạn khoảng 50m lại có rất nhiều nhà dân. Nếu các em la lớn hoặc chạy lại nhà dân gần đó kêu cứu thì có thể đã cứu được bạn.

Từ trường hợp trên có thể thấy rằng môi trường sống xung quanh trẻ em tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn có thể dẫn đến TNĐN thương tâm. Điều đáng nói là nếu không may các em bị rơi xuống nước thì không biết bơi, hoặc không có kỹ năng ứng phó khi có nguy cơ bị đuối nước. Mặt khác cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn thiếu kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước”. (Còn tiếp)

Liên tiếp xảy ra tai nạn thương tâm

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh về tình hình tai nạn thương tích trẻ em từ 2013 đến tháng 6-2016, toàn tỉnh có 1.259 trường hợp trẻ em bị đuối nước, trong đó có 45 em tử vong. Đây là nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em cao nhất, vượt xa những nguyên nhân tử vong khác. Trung bình mỗi năm có khoảng 12 trẻ em (0 - 16 tuổi) tử vong do đuối nước. Riêng từ đầu năm đến nay, trong toàn tỉnh đã có 10 trường hợp tử vong vì đuối nước. Chỉ trong vòng 2 tháng qua (từ tháng 4 đến tháng 5-2017), trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra 3 vụ tai nạn đuối nước, khiến 4 em tử vong. Cụ thể, ngày 8-4, em Nguyễn Trung Tr. (12 tuổi) cùng bạn ra đập nước ở KP.3, phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một để tắm. Tại đây, Tr. nhảy xuống nước tắm, còn bạn ngồi trên bờ. Sau khi Tr. xuống nước được một lúc thì người bạn bất ngờ thấy em vùng vẫy rồi chìm dần nên hô hoán cầu cứu. Người dân gần đó đã xuống cứu Tr. lên nhưng em đã tử vong.

Đập nước ở KP.3, phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một, nơi nhiều học sinh chọn đến tắm. Có trường hợp đã tử vong vì đuối nước ở đây

Năm ngày sau, Lê Thanh T. và Phạm Thị Ngọc A. (cùng sinh năm 2003, học sinh trường Trung học cơ sở Thái Hòa) cùng nhóm bạn học rủ nhau ra bờ sông Đồng Nai (đoạn chảy qua KP.Dư Khánh, phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên) để chơi. Trong lúc nô đùa tại đây, không may em T. và A. bị nước cuốn trôi. Mới đây, em Phạm Văn S. trong lúc nô đùa với bạn cũng không may bị trượt chân rơi xuống rạch và tử vong!

Bài 2: Nâng cao kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên