Phòng chống xâm hại, bạo hành trẻ em: Tăng cường công tác tuyên truyền và các kỹ năng phòng ngừa

Cập nhật: 25-11-2017 | 06:28:23

Các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em (TE) đang trở thành vấn đề được cả xã hội quan tâm đặc biệt. Bởi nó có thể ảnh hưởng đến tương lai TE cũng như khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Vì vậy, việc phòng chống bạo hành, xâm hại TE không chỉ là chuyện riêng cá nhân mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng.

 

 Tuyên truyền giải pháp phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em tại huyện Dầu Tiếng

Hồi chuông báo động

Cách đây không lâu, Công an TX.Dĩ An đã tiếp nhận đơn của mẹ bé gái P.N.Q. (ngụ tại Đồng Tháp) tố cáo về hành vi xâm hại tình dục đối với bé Q,. Theo điều tra ban đầu, thông qua mạng xã hội facebook, nam thanh niên làm quen với bé Q,. Qua trò chuyện, nam thanh niên nói mình tên là Tr. và muốn gặp mặt bé Q. để đi chơi. Qua thời gian làm quen, Tr. chủ động hẹn bé Q. để đi chơi và bé gái đồng ý. Sau khi đưa bé Q. đến một ngọn đồi ở địa bàn TX.Dĩ An, Tr. đã thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn với bé Q,. Sau khi nhận được đơn trình báo, Công an TX.Dĩ An đã điều tra, xác minh. Tại cơ quan điều tra Tr. đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, vấn đề TE bị xâm hại, đặc biệt là bị xâm hại tình dục là vấn đề nóng gây nhức nhối và bức xúc trong dư luận xã hội trong thời gian qua. Phần lớn các vụ việc xâm hại tình dục TE xảy ra do các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ thiếu sự quan tâm giám sát, không có thời gian quan tâm chăm lo cho con; không tham dự các buổi tập huấn nói chuyện chuyên đề về bảo vệ chăm sóc TE cũng như các buổi hội họp tại địa phương; nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cha mẹ đối với con em mình ở một số gia đình còn hạn chế. Có thể nói, nếu TE thiếu đi sự quan tâm, không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của các em, đến gia đình các em mà còn để lại cả gánh nặng cho xã hội. Đây cũng là vấn đề đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE của Bình Dương.

Đa dạng các hoạt động

Trước thực trạng đó, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động; trong đó tập trung tuyên truyền, cung cấp cho các em những kiến thức về giới, hành vi xâm hại tình dục và kỹ năng ứng phó. Các đơn vị cũng đã tập trung tuyên truyền về kỹ năng phòng ngừa, xử lý các hành vi, tình huống xâm hại tình dục TE cho cha mẹ, người chăm sóc TE và TE; tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng cho gia đình, nhà trường, TE về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố xâm hại cũng như cung cấp địa chỉ các cơ quan có thể hỗ trợ, can thiệp…

Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục TE luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đến sự phát triển toàn diện của TE như: Chương trình sữa học đường; phòng, chống tai nạn thương tích TE; phòng ngừa, giảm thiểu lao động TE; trợ giúp TE có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng… Với những TE là nạn nhân của bạo hành, nạn nhân bị lạm dụng tình dục, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cũng đã được hỗ trợ can thiệp kịp thời giúp các em ổn định cuộc sống, ổn định tâm lý và hòa nhập với cộng đồng. “Trong thời gian tới, ngành lao động phối hợp với các sở ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền Luật TE và Nghị định 56 quy định chi tiết Luật TE sâu rộng tới người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục tới cộng đồng dân cư; đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền tại các trường học để TE biết tự bảo vệ mình, quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân các em”, bà Nguyễn Ngọc Hằng nhấn mạnh.

 LÊ HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên