Phòng ngừa bệnh thủy đậu

Cập nhật: 06-03-2014 | 00:00:00
  Hiện nay một số bệnh có nguy cơ bùng phát như cúm, sởi, thủy đậu (TĐ)… TĐ là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu trẻ không được chăm sóc và điều trị đúng phương pháp thì có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh TĐ, phóng viên Báo Bình Dương đã phỏng vấn bác sĩ (BS) chuyên khoa 2 Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh.

 - Thưa BS, xin BS cho biết nguyên nhân nào gây ra bệnh TĐ và bệnh lây lan như thế nào?

- Bệnh TĐ là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella zoster (VZV) gây ra. Sau khi xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, vi khuẩn sinh sản và phát triển tại tế bào thượng bì của đường hô hấp, rồi vào máu, đến da và niêm mạc gây tổn thương tế bào thượng bì tại đây.

Bệnh xảy ra quanh năm nhưng cao điểm vào tháng 3 - 5 hàng năm. Nam và nữ có khả năng mắc bệnh như nhau, 90% bệnh xảy ra ở trẻ em.

Người là nguồn bệnh duy nhất, lây lan chủ yếu bằng đường hô hấp qua giọt nước bọt bắn từ người bệnh sang người lành, một số ít trường hợp lây do tiếp xúc trực tiếp với bóng nước.

- Những biểu hiện của bệnh TĐ như thế nào, thưa BS?

- Bệnh TĐ xảy ra theo 4 thời kỳ:

Thời kỳ ủ bệnh: Trung bình kéo dài khoảng 15 ngày, thời kỳ này chưa có biểu hiện trên lâm sàng.

Thời kỳ khởi phát: Thời kỳ này kéo dài từ 24 - 48 giờ. Thường trẻ sốt nhẹ, người lớn mắc bệnh thường sốt cao. Toàn thân mệt mỏi, chán ăn.

Thời kỳ toàn phát: Triệu chứng đặc hiệu trong thời kỳ này là ban dạng bóng nước ở da và niệm mạc. Trên da nổi các bóng nước hình tròn hoặc hình giọt nước có kích thước từ 3 - 5mm, bóng nước ban đầu chứa dịch trong, sau đó khoảng 24 giờ thì hóa đục, vị trí mọc bóng nước bắt đầu ở thân mình, sau đó lan đến mặt và tứ chi. Bóng nước có thể mọc tại niêm mạc miệng làm trẻ đau miệng, khó nuốt… Ở giai đoạn này trẻ không sốt hoặc sốt nhẹ.

Thời kỳ hồi phục: Sau khoảng 7 ngày, bóng nước đóng mài, không để lại sẹo, tuy nhiên những bóng nước bội nhiễm có thể để lại sẹo.

- Những biến chứng của bệnh TĐ là gì, thưa BS?

- TĐ là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu trẻ không được chăm sóc và điều trị đúng phương pháp thì một số biến chứng có thể xảy ra như:

Viêm da do TĐ: Là biến chứng hay gặp nhất, biến chứng này thường xảy ra do trẻ gãi gây vỡ bong nước. Trẻ sẽ sốt cao, bóng nước hóa mủ, có khả năng để lại sẹo sau khi khỏi bệnh. Ngoài ra, từ những tổn thương bội nhiễm trên da, vi khuẩn bên ngoài có thể xâm nhập, tấn công vào cơ thể gây nhiễm trùng máu

Viêm phổi: Là biến chứng hay gặp ở người lớn, trẻ em ít gặp hơn, biểu hiện trên lâm sàng là sốt, ho, thở nhanh, thở mệt…

Viêm não: Ít gặp nhưng là biến chứng rất nguy hiểm, có khả năng tử vong hoặc để lại di chứng. Tỷ lệ bị viêm não do TĐ là 0,1 - 0,2%. Biểu hiện lâm sàng là các dấu hiệu về thần kinh như: rối loạn tri giác (lơ mơ, hôn mê), co giật, sốt cao…

- Xin BS cho biết biện pháp phòng ngừa bệnh TĐ?

- Để phòng bệnh, tốt nhất nên cho trẻ tiêm vắc-xin phòng TĐ. Tất cả các trẻ em trên 12 tháng tuổi, người lớn chưa từng tiêm ngừa TĐ, những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chưa từng bị TĐ hoặc chưa được tiêm phòng lúc nhỏ, đều có thể tiêm vắc-xin ngừa. Thời gian vắc-xin có hiệu lực là 3 tuần sau khi tiêm và thời gian miễn dịch kéo dài trung bình là 15 năm.

Đối với trẻ từ 12 tháng trở lên đến 12 tuổi tiêm một liều duy nhất. Đối với trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau mỗi 4 tuần.

- Xin cám ơn BS!

ĐỨC LÊ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=347
Quay lên trên