Phong phú hình thức, nâng cao chất lượng hoạt động

Cập nhật: 29-05-2012 | 00:00:00

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, triển khai thực hiện Chương trình Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; đầu tư, xây dựng và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao (TCVHTT) tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015, trên các lĩnh vực nói trên sẽ có nhiều hình thức hoạt động đa dạng và phong phú nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ của người dân trên cơ sở huy động sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cộng đồng xã hội trong việc tập trung đầu tư, xây dựng, sử dụng có hiệu quả các TCVHTT; trùng tu, tôn tạo các di tích, xây dựng lối sống, nếp sống, môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của dân tộc nhằm nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa

Riêng trên lĩnh vực văn hóa, đối với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) sẽ tăng cường tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về DSVH nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị DSVH của dân tộc; đề xuất cơ chế , chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị DSVH ở địa phương. Đồng thời nghiên cứu tổng kết, đánh giá các chương trình, đề án đã thực hiện liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, lịch sử , văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh; tình hình quy hoạch, đầu tư, xây dựng hệ thống tượng đài và tranh hoành tráng tỉnh. Xây dựng các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh; phát triển hệ thống tượng đài và tranh hoành tráng phù hợp điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh nhằm giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đồng thời, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. 

Đông đảo HSSV đến thư viện đọc sách, nghiên cứu

Bên cạnh đó là việc tập trung điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể ở địa phương như loại hình văn hóa dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ hội tiêu biểu... gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH với các hoạt động phát triển du lịch bền vững. Tăng cường tổ chức các hoạt động tôn vinh, thực hiện các chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ đã có những đóng góp tích cực trong việc truyền dạy, phổ biến văn hóa phi vật thể gắn với đầu tư nâng cấp và đổi mới hình thức trưng bày Bảo tàng tỉnh, ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật và đầu tư trang bị công nghệ mới trong việc bảo quản nhằm lưu giữ lâu dài các tài liệu, hiện vật của bảo tàng. Phấn đấu đến năm 2015, có từ 50% số tài liệu, hiện vật trong Bảo tàng tỉnh được mã số hóa.

Để tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa sẽ tập trung nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xem đây là đặc thù của tỉnh để vận động những người ở trọ và trách nhiệm của những chủ nhà trọ trong việc thực hiện phong trào ở từng địa phương. Phấn đấu đến năm 2015 có trên 95% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 70% khu phố, ấp đạt danh hiệu “Khu phố, ấp văn hóa và tiên tiến”, 95% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị văn hóa” theo tiêu chuẩn xét và công nhận các danh hiệu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.

Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Xây đựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1780/QĐ-TTG ngày 12-10-2011 nhằm xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; đội ngũ công nhân có nếp sống văn hóa lành mạnh, tác phong làm việc công nghiệp; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân, góp phần xây dựng các doanh nghiệp ổn định và bền vững.

Tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ về vùng sâu, vùng xa

Về nghệ thuật biểu diễn: tiếp tục thực hiện đề án “Xây dựng đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Bình Dương giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020” nhằm từng bước hoàn thiện theo định hướng ca múa nhạc dân tộc truyền thống; thường xuyên đổi mới dàn dựng các tiết mục, các đề tài gần gũi với cuộc sống, phù hợp với từng đối tượng phục vụ; đầu tư, cải tiến các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng chuyên dùng phù hợp bảo đảm hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa và công nhân các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh. Chỉ tiêu phấn đấu hàng năm là tổ chức biểu diễn phục vụ chính trị đạt từ 120 đến 130 buổi diễn. Từng bước tiến tới thực hiện tự chủ hoàn toàn về tài chính, các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh sẽ thực hiện bằng hình thức đặt hàng theo đơn giá dịch vụ công ích được các cơ quan có thẩm quyền ban hành trên địa bàn.

Trung tâm Văn hóa tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại chỗ và phục vụ cơ sở, trong đó chú trọng đến việc cải tiến phương thức tuyên truyền cổ động trực quan, nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội tuyên truyền lưu động tỉnh, bảo đảm phục vụ từ 120 đến 135 buổi/năm. Đồng thời, tăng cường công tác hỗ trợ và hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các trung tâm văn hóa - thể thao cấp cơ sở nhằm bảo đảm các hoạt động văn hóa nghệ thuật phát triển đồng bộ và phát huy hiệu quả. Ngoài ra, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài nước thường xuyên tổ chức các hoạt động nghệ thuật để làm phong phú và đa dạng các loại hình văn hóa nghệ thuật của tỉnh nhà. Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các đội nghệ thuật quần chúng ở cơ sở nhằm phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương và góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch được giao, Đội Chiếu bóng lưu động tỉnh và các huyện, thị xã tăng cường tổ chức các buổi chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa và công nhân các khu, cụm công nghiệp tập trung, trong đó chú ý đến chiếu phim tư liệu có nội dung liên quan đến các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của đất nước và địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng. Hàng năm, Đội Chiếu bóng lưu động tỉnh duy trì tổ chức từ 130 buổi chiếu trở lên.

Tiếp tục thực hiện đề án “Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động chiếu phim lưu động trên địa bàn tỉnh Bình Dương”; đầu tư mua sắm trang thiết bị máy chiếu và phương tiện vận chuyển đối với các huyện, thị xã còn lại, bảo đảm 100% các huyện, thị xã đều được đầu tư trang thiết bị và phương tiện chuyên dụng...

BÌNH MINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên