Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi: Xuất hiện nhiều cách làm hiệu quả

Cập nhật: 03-10-2014 | 09:23:36

Những năm qua, phong trào “Nông dân (ND) thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trong tỉnh phát triển mạnh.

 

 Qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, quy mô lớn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

 

Qua phong trào thi đua SXKD giỏi đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu. Trong ảnh: Vườn quýt đường cho hiệu quả kinh tế cao của ông Lê Văn Phấn

 

Nhiều điển hình

Ông Lê Văn Phấn ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng là một trong những ND điển hình tiêu biểu cho phong trào thi đua SXKD giỏi của tỉnh. Ông từng là chủ cơ sở mía đường ăn nên làm ra ở Long An. Năm 1999, ông đến Bình Dương mua đất trồng cây ăn trái. Sau nhiều lần trồng thử nghiệm các loại cây ăn trái, cây quýt đường đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất nên ông tận dụng hết diện tích đất có sẵn và mua thêm 13 ha đất tại Lộc Ninh (Bình Phước) để trồng loại cây này.

Đến nay, gia đình ông Phấn có tới 20 ha quýt đường đang cho thu hoạch. Hàng năm, gia đình ông cung ứng ra thị trường 700 tấn quả. Với giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình ông thu lời trên 6 tỷ đồng/năm. Ông Phấn cho biết, tuy trồng quýt đường cần vốn đầu tư cao, khó chăm sóc nhưng với lòng đam mê, kiên trì thực hiện đúng kỹ thuật thì việc thu hồi vốn và làm giàu không khó.

Không chỉ mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nhiều hộ ND trong tỉnh còn vươn lên làm giàu trên lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ. Ông Nguyễn Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Trăn - Cá sấu Ngọc Sơn (phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An) là một điển hình. Ông đã vươn lên khá giả bằng mô hình khép kín từ chăn nuôi đến sản xuất các sản phẩm từ da trăn, da cá sấu.

Năm 1997, ông Sơn từ TP.HCM về Bình Chuẩn, TX.Thuận An lập nghiệp. Đến năm 1999, ông bắt đầu mua bán các sản phẩm từ trăn. Sau thời gian gắn bó với nghề ông đã rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm quý về chăn nuôi trăn và cá sấu để lấy da. Từ đó, ông mạnh dạn đầu tư chuồng trại chăn nuôi và sản xuất các sản phẩm từ da trăn, cá sấu. Đến nay, công ty của ông đã đưa ra thị trường hàng ngàn sản phẩm da trăn, cá sấu như ví, giỏ xách, dây nịt… Sản phẩm của công ty được Hiệp hội Doanh nghiệp và Trang trại ND nông thôn Việt Nam tặng Cúp Vàng chất lượng. Đặc biệt, năm 2012, trong đợt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Dương, công ty có 3/12 sản phẩm trong tỉnh được bình chọn (gồm các sản phẩm dây nịt da cá sấu, ví nam da cá sấu và ví nam da trăn). Ngoài ra, sản phẩm dây nịt da cá sấu của công ty còn lọt vào top 6 sản phẩm tiêu biểu của khu vực phía Nam.

Xây dựng thương hiệu mặt hàng nông sản

Xác định việc phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua ND SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng là động lực thúc đẩy HV tham gia thi đua SXKD, những năm qua phong trào đã được các cấp Hội ND trong tỉnh phát động rộng rãi đến toàn thể HV.

Trong 3 năm qua (2012- 2014), các cấp hội đã phối hợp cùng ngành chức năng mở hơn 2.700 lớp tập huấn phổ biến, hướng dẫn cho hơn 131.000 lượt HV về kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác mủ cao su và phòng trừ dịch bệnh trên cây cao su; kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm… Bên cạnh đó, hội đã liên kết với một số ngân hàng, doanh nghiệp giúp HV vay vốn phát triển sản xuất. Theo đó, đã có trên 6.200 HV được vay vốn với tổng dư nợ lên đến hàng chục tỷ đồng. Các cấp hội còn tích cực vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ ND. Hiện tổng nguồn vốn hỗ trợ ND trong tỉnh đạt hơn 67 tỷ đồng và đã triển khai cho trên 2.300 hộ ND vay.

Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã phát triển 1.056 trang trại với tổng diện tích đất sản xuất trên 11.423 ha; xây dựng 24 hợp tác xã và 254 tổ hợp tác nông nghiệp. Trong quá trình phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã đã xuất hiện nhiều mô hình SXKD giỏi cho thu nhập từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Hoàng Vinh, Chủ tịch Hội ND tỉnh, cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hội trong thời gian tới là tổ chức, chỉ đạo các cơ sở hội bình xét ND SXKD giỏi; hướng dẫn HV làm dự án vay vốn sản xuất, chăn nuôi. Từ đó, giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn, giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Để phong trào hoạt động hiệu quả, hội rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo xem xét xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm chăn nuôi theo công nghệ hiện đại, đạt yêu cầu vệ sinh và an toàn thực phẩm. Qua đó góp phần xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh như cam, quýt, bưởi…

 

 

 

ĐỖ TUÂN

 

 

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên