Phú An rợp bóng tre làng

Cập nhật: 26-11-2013 | 00:00:00

Bài 2: Một đời người vì một làng tre

> Bài 1: Nâng tầm giá trị cây tre

Để thương hiệu làng tre Phú An có được như ngày hôm nay, hơn 10 năm qua, Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh đã dành biết bao tâm huyết, trí tuệ và công sức để đưa thương hiệu làng tre vượt xa khỏi biên giới Việt Nam. Bà cũng được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều đối tác, các giáo sư quốc tế nhiều tâm huyết, lãnh đạo địa phương và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết để làng tre không chỉ là nơi cung cấp mảng xanh hay không gian nghỉ dưỡng mà còn là vấn đề bảo tồn nguồn gien và tham gia vào công tác chống biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh (bìa trái) đang giới thiệu Làng tre Phú An với du khách nước ngoài

Từ ý tưởng

Với Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, một người rất quen thuộc với giới báo chí, đã có biết bao nhiêu từ hay ý đẹp mà cánh phóng viên dành cho bà. Vẫn giọng nói thanh thót mà chúng tôi đã nghe gần 10 năm trước khi bà trình bày ý tưởng của dự án “Xóa đói giảm nghèo trên cơ sở bảo tồn tài nguyên thiên nhiên”, với mục đích chính nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học của cây tre Bình Dương, cũng như nhiều loài tre khác đang bị đe dọa tuyệt chủng ở Đông Nam bộ, cũng như các vùng miền khác trên cả nước cho lãnh đạo tỉnh nghe.

Ý nghĩa khác của dự án là góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện giá trị của cây tre trong cộng đồng, bảo vệ đa dạng sinh học cây tre Việt Nam. Ngoài ra, nơi đây còn là trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về ứng dụng của cây tre để xử lý nước, đất, phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo nguồn nguyên liệu chế biến các sản phẩm, tăng giá trị kinh tế của cây tre, giúp thoát nghèo; là nơi thực tập, đào tạo cho những sinh viên mong muốn làm việc trên lĩnh vực đa dạng sinh học (nhất là cây tre), sinh thái đất và giải ô nhiễm đất bằng thực vật. Ý tưởng này của bà được người dân địa phương ủng hộ, bởi họ hiểu được việc bảo vệ môi trường sinh thái là bảo vệ cuộc sống của chính họ.

Với ý tưởng mang nhiều ý nghĩa, tâm huyết như trên, năm 2003, Hội đồng vùng Rhônes Alpes (Cộng hòa Pháp) quyết định tài trợ cho dự án 596.000 euro (khoảng 13 tỷ đồng) trong vòng 6 năm (2003-2008). Kể từ đó, dự án chính thức được hình thành bởi sự hợp tác giữa 4 đơn vị là tỉnh Bình Dương, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, vùng Rhône Alpes và Vườn thiên nhiên Pilat - Cộng hòa Pháp. Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng quyết định cấp 10 ha đất tại xã Phú An và 1,5 tỷ đồng để xây dựng nên làng tre Phú An.

Tuy nhiên, quá trình theo sát dự án chúng tôi được biết, để nhận được đồng tiền tài trợ này không hề đơn giản. Nhất là việc xây dựng nơi làm việc toàn bằng tre, các kỹ thuật lắp ghép tre không “theo ý” nhà tài trợ khiến bà gặp không ít khó khăn. Nhưng bù lại bà Hạnh rất được lãnh đạo tỉnh ủng hộ, nhất là từ phía Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Kim Vân vào thời điểm bấy giờ.

Du khách nước ngoài tham dự nghi thức mời trầu do các nghệ nhân quan họ Bắc Ninhthực hiện tại làng tre Phú An

Bên cạnh đó, bà nhận được nhiều sự ủng hộ của các cộng sự, các giáo sư nước ngoài, Giáo sư Jacques Gurgand là người thầy đã phản biện luận án khi bà lấy bằng Tiến sĩ kỹ thuật môi trường - Đại học Paris, bà còn được sự giúp đỡ của vợ chồng ông Bruno Minguet - nghệ nhân chạm khắc gỗ vùng Vendée, vợ chồng một người nha sĩ - họa sĩ miền Tây nước Pháp. Tất cả họ sang Việt Nam trong ít nhất một tháng, làm việc thiện nguyện cho làng tre.

Giáo sư Jacques Gurgand là một trong những chuyên gia đầu ngành về rừng và quản lý nước, sang Việt Nam tới gần 50 lần, tham gia hầu hết các chuyến đi thực địa khảo sát, sưu tầm các mẫu tre của cô học trò Mỹ Hạnh. Làng tre với ông thân thuộc như ngôi nhà thứ hai.

Giờ Giáo sư Jacques Gurgand vẫn là một trong những người tận tụy nhất trong việc giúp làng tre hình thành và phát triển. Giáo sư đã giúp Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh tiếp xúc với nhiều đối tác của Pháp. Bây giờ ông vẫn cật lực, tận tình, vô tư, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật và nghiên cứu khoa học - ứng dụng của tre trong đời sống, bảo vệ sinh thái môi trường. Chính ông đã thiết kế giúp làng tre có được hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước. Ông cũng giúp định danh chính xác các loại tre bằng tiếng Latinh. Công việc này rất quan trọng. Muốn góp phần đưa làng tre khẳng định giá trị và vị thế của mình trong cộng đồng khoa học thế giới, thì không thể cứ nói chung chung theo cách: chúng ta có vầu, tre mỡ, tre gai, tầm vông… mà phải gọi chính xác bằng tên khoa học theo tiếng Latinh.

Đến hiện thực

Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn tre đã thiết lập quan hệ với 7 nước trên thế giới bao gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Malaysia, Lào, Campuchia, Ma-rốc. Ngoài ra, còn nhiều trường đại học quốc tế có quan hệ hợp tác với trung tâm gồm: Đại học Pierre et Marie Curie-Paris, Đại học Val de Marne-Paris, Đại học Lyon I, Đại học Uklan (Anh), Viện Nghiên cứu phát triển quốc gia Pháp…

Ngày nay, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn tre đã hình thành đúng theo ý tưởng ban đầu. Có hơn 2.000 bụi tre, trúc, mai, vầu... của 300 mẫu thuộc 17 loài được sưu tầm từ khắp cả nước. Những bộ sưu tập được phân chia theo từng khu vực: Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên, Bắc bộ, Trung bộ...

Trên mỗi bụi tre đều có đánh dấu về tọa độ địa lý, thời gian tìm thấy, tên người sưu tầm và công tác này vẫn được tiếp tục trong thời gian tới để xây dựng làng tre Phú An trở thành một “bảo tàng tre” lớn và đầy đủ nhất không chỉ của Việt Nam mà cả châu Á. Làng tre còn là nơi giúp đào tạo những sinh viên mong muốn làm việc trên lĩnh vực đa dạng sinh học, sinh thái đất và giải ô nhiễm đất bằng thực vật, là nơi tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến thực tập đề tài liên quan đến môi trường và phát triển cộng đồng và đã đào tạo 6 thạc sĩ và 2 tiến sĩ. Đây cũng là nơi thường xuyên tổ chức các lớp học xanh, những hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu về thiên nhiên, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh của tỉnh Bình Dương, TP.HCM…

Công trình bảo tàng làng tre cũng vừa hoàn thành do nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết quyên góp và vận động tài trợ. Tất cả những đồng hành đó cho phép Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh phần nào thỏa mãn ước mơ của mình.

10 năm qua, hàng loạt chương trình dự án Tiến sĩ Hạnh và cộng sự đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Chương trình bảo tàng sinh thái tre và bảo tồn thực vật Phú An (2003- 2007), chương trình hợp tác quốc tế giữa tỉnh Bình Dương, vườn thiên nhiên Pilat, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM; nghiên cứu thực nghiệm khả năng xử lý nước thải của cây tre và một số loài thực vật khác tại nhà máy thuộc da Sài Gòn TanTec; sản xuất và cung cấp các giống tre cho các đơn vị nghiên cứu về đa dạng di truyền và phát triển vùng nguyên liệu tre…

Hiện tại bà đang tập trung nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học, như sưu tầm các giống cây quý hiếm để phát triển công việc bảo tồn đa dạng sinh học; nghiên cứu bảo vệ độ phì nhiêu của đất và nhân rộng mô hình canh tác sinh học; nghiên cứu xây dựng hệ thống pin mặt trời để thay dần cho điện; nghiên cứu xây dựng ngôi nhà sinh thái bằng các vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng; sử dụng thực vật để xử lý nước thải, đánh giá tác động lên nguồn nước ngầm trong xã Phú An…

Phú An chưa phải là xã giàu mạnh, nhưng Phú An có những con người trí tuệ, tâm huyết: Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và những người dân làng quê thân thiện. Họ đã và tiếp tục sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình để cố lưu giữ trên vùng đất này những cây tre hoài niệm, một ký ức đẹp mà với mỗi ai đã từng sinh ra và lớn lên trên đất nước Việt Nam đều muốn biết, phải biết và không thể phai mờ trong ký ức.

HÒA NHÂN – CHÍ THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên