Phú Giáo: Đổi thay từ nông thôn mới

Cập nhật: 24-05-2019 | 08:00:45

Sau 8 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, chương trình xây dựng NTM của huyện Phú Giáo đã đi đúng hướng. Từ chương trình này, bộ mặt kinh tế - xã hội vùng nông thôn của huyện Phú Giáo đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên và huyện đang hướng đến hoàn thành xây dựng NTM vào cuối năm 2019.

 Từ chương trình xây dựng NTM, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của Phú Giáo đã có bước phát triển đáng kể. Trong ảnh: Tuyến đường trục chính của xã Tam Lập được đầu tư khang trang

Nhịp sống nông thôn mới

Phú Giáo sau 8 năm xây dựng NTM đã có những đổi thay mạnh mẽ về mọi mặt. Nếu như trước kia nói đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất VietGAP là điều còn rất xa lạ với người dân nơi đây. Nhưng nay, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất VietGAP đã là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp của người dân Phú Giáo.

Đến với huyện Phú Giáo hôm nay, ai cũng dễ dàng nhận thấy nhiều sự đổi thay trên những nẻo đường, từ những vùng trung tâm, cho đến những vùng xa. Hiện nay, 100% xã nông thôn của huyện đều có cổng chào với dòng chữ “Xã được công nhận NTM” và có 2 xã có dòng chữ “Xây dựng NTM nâng cao” là xã Tân Hiệp và xã Vĩnh Hòa. Đến cuối năm 2018, huyện Phú Giáo đã có 10/10 xã được công nhận xã NTM. Trong thời gian qua, mục tiêu tổng quát của huyện Phú Giáo là phát huy các tiềm năng, lợi thế trong nông nghiệp nhằm đưa lĩnh vực kinh tế của huyện phát triển; trong đó, chương trình xây dựng NTM được chú trọng thực hiện và đã phát huy hiệu quả trong thực tế.

Ông Tô Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND, Phó trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM huyện Phú Giáo cho biết, xác định xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang lại những lợi ích thiết thực, làm thay đổi bộ mặt đời sống người dân, bộ mặt xã hội, bộ mặt nông thôn của huyện, nên ngay từ đầu triển khai chương trình, Đảng bộ, chính quyền huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động; tập trung nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo; tích cực vận động nhân dân, doanh nghiệp chung tay thực hiện chương trình xây dựng NTM; nâng cao hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước… Chính vì thế, chương trình xây dựng NTM đã thực sự tạo nên cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển các vùng nông thôn của huyện. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư khá đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều. nhất là mô hình kinh tế trang trại… Những yếu tố này đã làm cho nhịp sống nông thôn của Phú Giáo đã sôi động hơn.

Khởi sắc các vùng quê

Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo, cho biết, từ khi triển khai xây dựng NTM, nền sản xuất nông nghiệp tại địa phương đã phát triển theo chiều sâu, hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung; kết cấu hạ tầng nông thôn ngày một hoàn thiện, nhất là hệ thống giao thông, điện, bưu chính viễn thông, trường học, trạm xá… ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đến nay, toàn xã có 5 tuyến đường liên xã được nhựa hóa, với tổng chiều dài 12km; 10 tuyến đường liên ấp được cứng hóa bằng sỏi đỏ, với tổng chiều dài hơn 15,5km; có 18/39 tuyến đường nhánh, ngõ hẻm được bê tông hóa, với tổng chiều dài hơn 8km; 24 tuyến giao thông nội đồng được cứng hóa, với tổng chiều dài hơn 19,5km bảo đảm việc đi lại thuận lợi cho người dân. Xã cũng đã bảo đảm trên 99,9% hộ dân sử dụng điện đạt tiêu chuẩn và bảo đảm yêu cầu, an toàn kỹ thuật. 6/6 ấp có văn phòng ấp phục vụ các sinh hoạt của người dân. 100% hộ dân có nhà ở đạt tiêu chuẩn, không có nhà dột nát. Thu nhập bình quân của người dân đến cuối năm 2018 đạt 50 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,7%. 100% hộ dân sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; trong đó trên 47,6% hộ dân sử dụng nước từ trạm cấp nước sạch, tập trung...

Còn ông Phạm Quốc Hữu, Chủ tịch UBND xã An Thái, thì chia sẻ, trong quá trình xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND xã luôn xác định mục tiêu chính là mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân; mọi người dân đều phải thấy được những đổi thay từ NTM và được hưởng những thành quả thiết thực từ NTM. Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã đã được đầu tư đồng bộ, với trên 80% tuyến đường chính, đường giao thông nông thôn, dọc các khu dân cư tập trung được bê tông hóa. Riêng trong năm 2018, xã cũng đã triển khai thực hiện được 2 tuyến bê tông, nâng cấp 3 tuyến sỏi đỏ và tổ chức sửa chữa bảo đảm 100% tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày. Xã phấn đấu từ nay đến năm 2021, có 100% tuyến đường giao thông nông thôn, đường chính, dọc các khu dân cư được bê tông hóa. Trong quá trình tham gia xây dựng NTM, bên cạnh các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nhân dân địa phương cũng tham gia đóng góp nguồn vốn rất lớn cho xây dựng NTM. Trong 6 năm qua, tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM trên địa bàn xã đạt hơn 106 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Nhà nước hơn 10 tỷ đồng; vốn tín dụng gần 25 tỷ đồng; vốn lồng ghép 400 triệu đồng; vốn doanh nghiệp hơn 15,5 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp gần 55 tỷ đồng.

Ông Tô Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết, những kết quả đã đạt được trong 8 năm thực hiện xây dựng NTM là nhờ sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận từ các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, đã tạo nên những đổi thay mạnh mẽ bộ mặt nông thôn của huyện, nâng cao đời sống người dân. Đây chính là cơ sở để huyện Phú Giáo trở thành huyện NTM vào cuối năm 2019.

 Chương trình xây dựng NTM đã có tác động tích cực đến nông nghiệp, nông thôn của huyện Phú Giáo. Tính đến cuối năm 2018, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp đạt 3.991 tỷ đồng, đạt 100,36% so với nghị quyết đề ra và tăng 5,86% so với năm 2017. Riêng giá trị thu từ nông, lâm nghiệp và thủy sản của các trang trại trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn huyện đạt hơn 1.526,5 tỷ đồng; giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm, thủy sản bán ra đạt hơn 1.526,1 tỷ đồng. Cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt. Những con số trên cho thấy sức sống mạnh mẽ của vùng nông thôn huyện Phú Giáo.

 HẢI SÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên