Phú Giáo: Từng bước phát triển du lịch

Cập nhật: 11-08-2018 | 10:09:17

Nhắc đến Phú Giáo một số người nghĩ ngay đây là vùng đất với bạt ngàn cao su, những mô hình trang trại… để phát triển kinh tế vùng. Bên cạnh đó nơi đây còn có di tích lịch sử, có những ngôi chùa cổ kính, các loại hình sinh thái gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đó cũng chính là những thế mạnh để Phú Giáo làm cơ sở kết hợp phát triển sản phẩm du lịch địa phương.

Nét đẹp địa phương

Từ TP.Hồ Chí Minh về các tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk, Kon Tum, các chuyến xe phải đi qua huyện Phú Giáo. Cũng từ những chuyến xe đó, mọi người dễ dàng nhận ra một địa điểm nổi tiếng của vùng đất Phú Giáo, đó là di tích Cầu gãy sông Bé (thuộc địa phận xã Phước Hòa). Nơi đây từng ghi dấu một thời chiến tranh khốc liệt của quân và dân ta đứng lên chống lại quân thù giành độc lập. Chiến tranh lùi xa nhưng kỷ niệm chiến tranh mãi tồn tại để giáo dục truyền thống cách mạng, cũng như là điểm phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu cho mọi người. Chính vì vậy, địa điểm này luôn thu hút nhiều người đến. Bên cạnh đó, Phú Giáo còn có Di tích chùa Bửu Phước, Di tích lịch sử Dinh tỉnh trưởng Phước Thành để kết hợp thành tour du lịch lịch sử.

 

Cầu gãy ở Phú Giáo là một địa điểm du lịch lịch sử

Về với những địa điểm du lịch tâm linh của Phú Giáo, du khách không chỉ được ngắm nhìn không gian xanh, cổ kính mà còn gửi gắm niềm tin hay cầu nguyện những điều ước trong cuộc sống. Đó là chùa Bửu Phước, di tích lịch sử cấp tỉnh, thuộc xã Phước Hòa; Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên, tọa lạc tại ấp Cây Khô, xã Tam Lập. Ẩn mình trong rừng cao su bạt ngàn, Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên được khánh thành vào năm 2014, với diện tích trên 10 ha. Cây xanh bao quanh giúp cho không khí trong lành, du khách cảm thấy như mình đang sống hòa mình với thiên nhiên để quên đi những lo âu vội vã của cuộc sống tất bật hàng ngày, lấy lại sự bình an trong cuộc sống.

Nhắc đến việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của Phú Giáo, địa phương còn có các loại hình sinh thái gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Được thiên nhiên ưu ái, ban tặng cho địa phương thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển nông nghiệp, những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng các vùng chuyên canh cây nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Unifarm, tại xã An Thái đã phát triển nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn toàn cầu (Global GAP) được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Nơi đây đã đón tiếp số lượng lớn khách đến tham quan quy trình sản xuất nông nghiệp và thưởng thức, mua các loại cây ăn trái sạch tại chỗ. Ngoài ra, Phú Giáo còn có trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao tại xã Phước Sang và Tân Hiệp có quy mô diện tích 471 ha. Nơi đây hứa hẹn sẽ là nơi thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, tìm hiểu về mô hình trang trại áp dụng các công nghệ kỹ thuật tiên tiến hiện đại. Bên cạnh đó, Phú Giáo còn có một số điểm đến lý tưởng thuộc khu vực suối Rạc dọc sông Bé với nhiều thác ghềnh, bãi đá tự nhiên với khung cảnh hoang sơ thích hợp cho việc tổ chức các buổi picnic, dã ngoại cuối tuần.

Tìm hướng đi cho du lịch địa phương

Không chỉ có địa điểm đẹp, Phú Giáo cũng đã cơ bản hoàn thiện hệ thống giao thông đến các nơi tham quan du lịch. Qua đó tạo thuận tiện cho du khách tham quan, thưởng lãm, nổi bật là việc đầu tư xây dựng 2 chiếc cầu nối xã An Linh và An Long, Tam Lập và Tân Định thuộc Bắc Tân Uyên. Toàn bộ các tuyến đường liên xã, liên ấp được phủ nhựa, bê tông, nâng cấp, đầu tư mở rộng tạo thuận lợi trong đi lại và giao thương hàng hóa. Địa bàn huyện còn có 33 cơ sở kinh doanh lưu trú, trong đó có 5 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.

Bên cạnh các điểm mạnh, Phú Giáo còn những hạn chế nhất định để phát triển du lịch như hệ thống các cơ sở ăn uống; dịch vụ bán quà lưu niệm; nguồn nhân lực du lịch… Đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Giáo cho biết trước những khó khăn đó, huyện sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá toàn diện thực trạng, tiềm năng về phát triển du lịch trên địa bàn. Qua đó, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức để xác định bước đi phù hợp với thực tiễn của địa phương. Huyện sẽ thực hiện công tác xúc tiến, xây dựng các sản phẩm du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường tự nhiên và đa dạng các sản phẩm du lịch; tạo sức hấp dẫn để thu hút các dự án đầu tư, phát triển du lịch, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của địa phương; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể các cấp và sự đồng thuận của nhân dân trong việc phát triển du lịch.

Nỗ lực để phát triển du lịch, Phú Giáo cũng đang xây dựng đề án phát triển các sản phẩm du lịch huyện Phú Giáo giai đoạn 2018-2020. Đề án hoàn thành sẽ trình Huyện ủy, UBND huyện xem xét phê duyệt thực hiện.

TỐ TÂM

 

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Phú Giáo

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên