Phụ nữ Dầu Tiếng: Nhiều mô hình giảm nghèo thiết thực

Cập nhật: 04-10-2018 | 09:11:42

Nhiều năm qua, từ sự quan tâm, tạo điều kiện để làm ăn của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Dầu Tiếng, cùng với sự hỗ trợ từ các nguồn vốn vay, chị em hội viên, phụ nữ nghèo của huyện có vốn kinh doanh, chăn nuôi, từ đó giúp họ ổn định cuộc sống, gia đình thêm đầm ấm, hạnh phúc.

Đến huyện Dầu Tiếng, chúng tôi nghe nhắc nhiều đến hoạt động của các tổ hợp tác phụ nữ, tổ nào hoạt động cũng hiệu quả. Từ định hướng của Hội LHPN huyện, các tổ chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi bò, trồng nấm, mua bán mủ cao su... phụ nữ luôn là những người cần cù, chịu thương chịu khó và giàu tính sáng tạo, chị em không chỉ lo cho tổ ấm của mình mà còn quan tâm cuộc sống đến các chị em khác. Vì vậy, một chị làm ăn hiệu quả, các chị lại nghĩ ngay đến những người mưu sinh cùng ngành nghề với mình. Những chị này đứng ra tập hợp chị em cùng làm ăn và tìm đầu ra cho sản phẩm, hoặc hướng dẫn những chị em khác làm nghề, cứ như vậy chị em đã dìu nhau vượt qua nghèo khó. Đầu năm 2018 này, tổ hợp tác “Làm hạt điều” được thành lập với 35 hội viên, do chị Trương Thị Tuyết làm tổ trưởng. Hiện nay, thu nhập bình quân mỗi tháng của tổ từ 50 - 60 triệu đồng, đã tạo việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập cho hội viên. Trong thời gian tới, mô hình sẽ nhân rộng thêm và kết nạp thêm nhiều hội viên mới. Tương tự, tổ hợp tác “Trồng rau sạch” cũng được thành lập, có 6 chị tham gia. Trung bình mỗi tháng tổ cung cấp rau sạch cho các hộ gia đình trong tổ và các gia đình lân cận với 170kg rau sạch.

Tổ may gia công giúp nhiều chị em vươn lên trong cuộc sống

Bà Trịnh Thị Ngoan, Chủ tịch Hội LHPN huyện, cho biết hội đã chỉ đạo cơ sở thành lập tổ hợp tác “Thu mua mủ” tại các chi hội và chọn đơn vị xã Minh Tân làm điểm. Qua mô hình này đã tạo việc làm cho 17 chị và giúp các chi hội có nguồn quỹ hoạt động. Hội cũng thành lập tổ liên kết phụ nữ may gia công tại ấp Long Điền, xã Long Hòa, đã tạo việc làm cho 33 chị em. Quan tâm đến đời sống chị em, Hội LHPN huyện còn phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho chị em. Theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, hội phối hợp cùng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Kinh tế huyện tổ chức các lớp dạy nghề: Nấu ăn đãi tiệc, lớp học nghề chăm sóc, cạo mủ và ghép cây cao su, may gia dụng, trồng rau mầm, trồng nấm... cho 243 thành viên. Từ những lớp học trên đã giới thiệu các chị vào làm việc tại các công ty may, cạo mủ cao su, vào làm ở các công ty của tỉnh Tây Ninh, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, hội còn phối hợp cùng Phòng Kinh tế huyện mở lớp chăm sóc thú y cho 35 chị; phối hợp với Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông khuyến công chuyển giao khoa học công nghệ... Bên cạnh đó, hội còn giới thiệu tạo việc làm cho 598 chị vào làm tại các công ty, xí nghiệp, cạo mủ tư nhân, may, làm hạt điều, đan lưới gia công để góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Tuy nhiên, để có điều kiện mưu sinh, các chị em đã được giải quyết vay từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Từ năm 2017 đến nay đã có trên 10.600 lượt chị em được vay trên 148 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cùng với định hướng cho chị em làm ăn từ phía Hội LHPN huyện, đã tạo việc làm cho hội viên phụ nữ, phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo, khá.

A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên