Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) ở Dầu Tiếng: Văn hóa là động lực để phát triển kinh tế

Cập nhật: 11-06-2013 | 00:00:00

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, huyện Dầu Tiếng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, phải kể đến việc đời sống của người dân nâng cao nhờ vào nguồn thu nhập từ cao su - hay còn gọi là “vàng trắng”. Kinh tế ổn định giúp người dân có đủ điều kiện hưởng thụ văn hóa, giải trí và ý thức giữ gìn những bản sắc văn hóa đặc sắc một huyện vùng xa của tỉnh.

Các di tích trong huyện được quan tâm tôn tạo. Trong ảnh: Tượng đài chiến thắng huyện Dầu Tiếng

Có cuộc sống mới nhờ “vàng trắng”

Huyện Dầu Tiếng được tái lập và đi vào hoạt động năm 1999. Với diện tích tự nhiên 721,39km2, dân số hơn 110.000 người, gồm 1 thị trấn và 11 xã (với 89 ấp, khu phố). Trong 5 năm trở lại đây, giá thành mủ cao su tăng cao, tình hình kinh tế của huyện nhìn chung ổn định, thu nhập bình quân đầu người đạt 26,8 triệu đồng/năm.

Lợi nhuận từ “vàng trắng” không chỉ giúp chủ tiểu điền cao su khấm khá, công nhân, dân nhập cư cũng vui lây. Bởi, họ có công ăn việc làm ổn định. Từ đó, có điều kiện phát huy bản sắc văn hóa quê hương mình tại vùng đất mới Dầu Tiếng, góp phần làm cho Dầu Tiếng đa dạng, phong phú bản sắc văn hóa các vùng miền. “Chúng tôi từ Thanh Hóa đến Dầu Tiếng lập nghiệp được 5 năm. Để học cạo mủ, chúng tôi đã tham gia các lớp tập huấn. Giờ đây, với lương công nhân ổn định, chúng tôi không phải lo ăn hôm nay thiếu hụt hôm sau, các con được đi học đàng hoàng”, anh Lê Duy Quang, bộc bạch.

Cũng từ những chính sách hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế địa phương, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trong huyện đã giảm hẳn. Anh Nguyễn Thanh Tùng (thị trấn Dầu Tiếng) tâm sự: “Trước đây diện tích đất nhà chủ yếu trồng cây ăn trái, củ mì, rau màu… chăm sóc khó, đầu ra sản phẩm bấp bênh. Do đó, chúng tôi ngày đêm cứ bị “cuốn” vào dòng chảy của cuộc sống, không còn thời gian giải trí, chăm sóc con. Sau khi chuyển sang trồng cao su, công chăm sóc ít, cho năng suất cao, giờ tôi có điều kiện thảnh thơi hưởng thụ những giá trị văn hóa vốn tạm lãng quên”.

Khởi sắc đời sống văn hóa, tinh thần

Có thể thấy, câu thành ngữ “Có thực mới vực được đạo” thực sự đã ứng nghiệm đối với người dân trong huyện. Cuộc sống khởi sắc, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương dần rõ nét. Trong đó, cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể luôn xác định nhiệm vụ xây dựng con người là nhiệm vụ hàng đầu nên hàng năm đều xét chọn cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, quần chúng… đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Kết quả, từ năm 2000 đến nay, Dầu Tiếng đã có 597 đồng chí được học lý luận chính trị; 98% cán bộ, đảng viên tham gia học tập nghị quyết.

Giáo dục Dầu Tiếng ngày càng nâng cao chất lượng dạy và học. Trong ảnh: Các em lớp 1 đang tập viết, tại trường Tiểu học Minh Hòa

Toàn huyện đã triển khai đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở; xây dựng các trung tâm văn hóa thông tin - thể thao (VHTT-TT) xã; kiện toàn nhân sự, quy chế hoạt động của các trung tâm để đi vào hoạt động từ năm 2012. Trong sự nghiệp văn học - nghệ thuật, toàn huyện đã hình thành 6 câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử - cải lương, trên 15 CLB văn hóa, nghệ thuật; toàn huyện có 75 CLB thể dục thể thao, với 27,2% số người tham gia tập luyện thường xuyên, trên 25% số hộ tham gia tập luyện, 100% trường bảo đảm giáo dục thể chất.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ngày càng được quan tâm đầu tư. Huyện có 17 di tích được kiểm kê, trong đó 1 di tích xếp hạng quốc gia, 8 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Các di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục được nghiên cứu bảo tồn và tổ chức sưu tầm phục vụ cho việc thành lập Nhà truyền thống huyện, với 790 hiện vật, tài liệu các loại.

Nổi bật nhất phải kể đến phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã làm khởi sắc bộ mặt nông thôn, cảnh quan môi trường ngày càng khang trang, tình làng nghĩa xóm được gắn bó. Đến cuối năm 2012, trên địa bàn huyện có 22.250 hộ (84,6%) được công nhận gia đình văn hóa; 54/89 ấp, khu phố đạt văn hóa; 40/41 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 34/39 trường học đạt văn hóa… Sự nghiệp giáo dục - đào tạo cũng có bước tiến vượt bậc. Huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia chống mù chữ, phổ cập giáo dục từ năm 2003 và duy trì kết quả đến nay. Năm 2011, huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Toàn huyện có 9 trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn I.

Huyện Dầu Tiếng có 17 dân tộc thiểu số sinh sống như: Hoa, Chăm, Khmer, Mường, Ta Nung… số lượng không nhiều, sống rải rác nên để vận động đồng bào “hòa nhập không hòa tan” rất khó. Tuy nhiên, với nỗ lực của các cấp, các ngành, đa số các dân tộc đều còn lưu giữ những nét truyền thống của dân tộc mình. Theo Giám đốc Trung tâm VHTT-TT huyện Mai Đức Lãnh: “Nhằm tiếp thêm “năng lượng” để đồng bào dân tộc thiểu số lưu giữ bản sắc văn hóa, hàng năm huyện đều tổ chức và tuyển chọn vận động viên tham gia hội thao, liên hoan văn hóa, văn nghệ đồng bào các dân tộc thiểu số do tỉnh, khu vực tổ chức và đạt nhiều thành tích”.

Định hướng lưu giữ

Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, sự nghiệp phát triển văn hóa nhìn chung chưa đồng bộ và tương xứng với tốc độ phát triển về kinh tế - xã hội của huyện; chất lượng công tác tuyên truyền chưa cao và chưa đi sâu vào từng gia đình, cá nhân; lĩnh vực văn hóa nghệ thuật rất ít tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật; công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa phát triển chậm; việc đấu tranh chống sự xâm nhập của văn hóa phẩm độc hại vẫn còn hạn chế…

Ông Trà Văn Dân, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Dầu Tiếng, cho biết trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm vẫn là công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quan điểm, nhiệm vụ trong nghị quyết để nâng cao nhận thức trong cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các hội đoàn thể về ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết cấp bách trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, huyện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và có chế độ khuyến khích, động viên cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ vào làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở; trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn huyện, xây dựng Nhà truyền thống huyện để trưng bày hiện vật lịch sử; tiếp tục bảo tồn và phát huy lễ hội văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện; thực hiện hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia về xã đạt chuẩn văn hóa, đạt chuẩn nông thôn mới.

Đối với việc lưu giữ bản sắc văn hóa các dân tộc trong huyện, ông Kho Sanh, Phó Giáo cả Làng Chăm (xã Minh Hòa) cho rằng: “Những người đồng bào dân tộc thiểu số biết nhiều phải có trách nhiệm truyền lại cho những người khác. Mỗi người phải tự ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nhiều người cùng đồng lòng gìn giữ thì bản sắc mới tồn tại được”.

Ngày 16-7-1998, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây được xem là văn kiện chuyên đề văn hóa đặt ra chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua 15 năm đưa nghị quyết vào cuộc sống đã phát huy được vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và là động lực của sự phát triển kinh tế.

 

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên