Chia sẻ bài viết lên facebook

Quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam - Bài 5

Cập nhật: 13-03-2015 | 08:35:10

Bài 5: Sự chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam

Chuẩn bị tiền đề về tổ chức

Khác với các Đảng Cộng sản khác, Đảng Cộng sản Việt Nam được hình thành từ một tổ chức tiền thân mà Nguyễn Ái Quốc đã dày công rèn luyện: Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Tháng 11-1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) nhằm thực hiện một chương đã được xác định. Mở lớp huấn luyện cho thanh niên yêu nước Việt Nam có mặt tại Quảng Châu về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, lôi cuốn thanh niên từ trong nước sang huấn luyện xong lại cử họ về nước hoạt động tuyên truyền cách mạng. Từ kết quả huấn luyện đào tạo và lập ra một tổ chức cách mạng của thanh niên, chọn lọc trong đó những phần tử trung kiên, chuẩn bị hạt nhân để tiến tới thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Theo dõi và chỉ đạo phong trào nông dân ở Trung Quốc và Đông Nam Á, giúp Quốc tế Cộng sản nắm được tình hình về phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông.

  Báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta do Nguyễn Ái Quốc thành lập 

Sau một thời gian tìm hiểu, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu xây dựng tổ chức cách mạng tuần tự theo từng bước: Tiếp xúc tìm hiểu những người yêu nước Việt Nam đang hoạt động ở miền Nam Trung Quốc, đến việc thành lập một nhóm bí mật làm nòng cốt - Cộng sản đoàn, cuối cùng là thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và đặt nó trong mối liên hệ cách mạng châu Á, tức là thành lập một hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức. Người đã mở lớp huấn luyện để bồi dưỡng cho những người dự lớp kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, về đường lối cách mạng mà Người đã xác định buổi đầu, về phương pháp tổ chức và vận động quần chúng. Qua đó tìm hiểu một cách sâu sát những người được giới thiệu. Sau lớp huấn luyện đầu tiên nhóm bí mật cộng sản đoàn đã ra đời gồm 9 thành viên làm hạt nhân cho tổ chức rộng lớn sau đó - Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (Hội Việt Nam cách mạng thanh niên). Hội có chương trình điều lệ của hội và hội được tổ chức theo 5 cấp: Tổng bộ, Kỳ bộ, Tỉnh bộ, Huyện bộ, Chi bộ (1). Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp phụ trách và là giảng viên chính của các lớp huấn luyện chính trị, đồng thời Người còn mời các đồng chí trong Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Tỉnh ủy Quảng Đông đến nói chuyện và giảng bài. Chương trình huấn luyện là những bài giảng sau này được tập hợp trong tác phẩm Đường Kách mệnh. Sau khi học xong, ngoài số cán bộ được cử về nước hoạt động, Nguyễn Ái Quốc còn chọn một số đưa đi học trường Quân sự Hoàng Phố, một số sang học trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản.

Các tờ báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc làm chủ bút, Công nông, nguyệt san Lính cách mạng cùng với Đường Kách mệnh đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam, đẩy mạnh việc chuẩn bị đầy đủ các tiền đề về tư tưởng, chính trị, tổ chức để tiến tới thành lập chính đảng của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam.

Với sự hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc, Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức được thành lập vào ngày 9-7-1925. Đây là đoàn thể mang tính chất quốc tế bao gồm người Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Indonesia, Myanmar, Việt Nam… Nguyễn Ái Quốc đã gắn kết hoạt động của hội Việt Nam cách mạng thanh niên với tổ chức có tính quốc tế đó. Mục đích là đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức châu Á vào quỹ đạo của cách mạng vô sản.

Việc Nguyễn Ái Quốc gieo hạt giống của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội lên mảnh đất cách mạng Việt Nam không phải là sự áp đặt, mà là sự đáp ứng yêu cầu khách quan của lịch sử. Chính vì vậy, từ sau năm 1925, đặc biệt là những năm 1928, 1929 phong trào cách mạng Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, dẫn tới sự ra đời của các tổ chức cộng sản ở 3 kỳ: Đông Dương cộng sản Đảng ở Bắc kỳ (6-1929), An Nam cộng sản Đảng ở Nam kỳ và Đông Dương cộng sản Liên đoàn (1-1930). Sự xuất hiện của 3 tổ chức Đảng nói trên là sự vận động tất yếu của một quá trình lịch sử từ khi giai cấp công nhân Việt Nam ra đời ở trình độ tự phát - giai cấp tự nó, từng bước tiếp nhận ánh sáng của chủ nghĩa xã hội khoa học, dần dần trở thành giai cấp tự giác - giai cấp vì nó và vì dân tộc. Phong trào công nhân ngày càng phát triển thì tổ chức tiền thân của Đảng - Hội Việt Nam cách mạng thanh niên không thể đáp ứng được đòi hỏi của tình hình cách mạng mới.

Tháng 11-1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu và thuyết phục được những thành viên ưu tú của Tâm Tâm Xã tham gia thành lập và trở thành hạt nhân của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1925, Tâm Tâm Xã tự giải tán. Kết quả truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường cách mạng Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc thông qua Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã đưa đến sự ra đời của 3 tổ chức cộng sản ở 3 kỳ. Điều đó đánh dấu sự chín muồi về mặt tư tưởng và lý luận của giai cấp công nhân ở Việt Nam. Trên thực tiễn đó đặt ra yêu cầu phải thống nhất và tổ chức lại thành một khối duy nhất để lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. (Còn tiếp)

Khi Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc) với vai trò là phái viên của Quốc tế Cộng sản, nhiệm vụ của Người lúc này là xây dựng phong trào cơ sở ở Đông Dương mà trước hết là Việt Nam. Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội được thành lập nhằm mục đích thực hiện nhiệm vụ trên. Để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của hội, Nguyễn Ái Quốc quyết định thành lập cơ quan ngôn luận của tổ chức này: báo Thanh Niên. Tòa soạn báo Thanh Niên đặt ở Văn Minh Lộ (Quảng Châu, Trung Quốc). Số báo Thanh Niên đầu tiên phát hành vào ngày 21-6-1925.

Những hội viên của hội có khả năng làm báo như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, kể cả những thiếu niên thực sự có tâm huyết như Lý Tự Trọng, Lý Phương Đức… được giao các công việc thích hợp với từng người như biên soạn, in ấn, phát hành. Những kinh nghiệm đã có được khi làm báo “Người cùng khổ” trước đây đã giúp Nguyễn Ái Quốc điều hành hoạt động của báo Thanh Niên rất hiệu quả. Dù khá đơn sơ, nhưng báo Thanh Niên vẫn đầy đủ các chuyên mục cần thiết của một tờ báo, có hình ảnh minh họa khá tốt. Công tác vận chuyển và phát hành báo Thanh Niên được giao cho những thủy thủ có cảm tình với cách mạng làm việc trên những con tàu giao thương giữa Trung Quốc, Việt Nam và các nước trong khu vực thực hiện. Điều này đã giúp cho phong trào cách mạng trong nước ngày càng mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến về chất trong đội ngũ công nhân ở Việt Nam, tạo tiền đề tích cực để Hội nghị hợp nhất Đảng Cộng sản ra đời thời gian sau đó không lâu.

Dù chỉ với khoảng 200 bản trong mỗi lần xuất bản, nhưng Thanh Niên đã có tiếng vang lớn, sức lan tỏa mãnh liệt, tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng trong nước khiến mật thám Đông Dương lo ngại và lập hồ sơ theo dõi.

Điều hành báo Thanh Niên được gần 2 năm với 88 số báo được phát hành, theo yêu cầu của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc được lệnh phải rời Quảng Châu trở về Liên Xô khi cách mạng Trung Quốc có biến động lớn vào tháng 4-1927. Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn tiếp tục duy trì hoạt động của báo Thanh Niên cho đến năm 1932, với tổng cộng 208 số.

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, HN, 2000, tập 2, tr. 266

(Theo “Đảng và Hồ Chí Minh - cuộc song hành lịch sử”, NXB Lao Động năm 2013)

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên