Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam

Cập nhật: 17-05-2012 | 00:00:00

(Kỳ trước)

3. Cử tri phẫn nộ, bất bình việc tàu Trung Quốc vi phạm lãnh hải nước ta, có hoạt động gây tổn hại đến kinh tế, bắt giữ tàu cá của ngư dân ta. Đề nghị cần có các biện pháp tích cực hơn nhằm bảo vệ chủ quyền, kịp thời bảo vệ ngư dân khi bị nước ngoài bắt giữ (Trung Quốc, Philippines, Singapore đã nhiều lần bắt giữ tàu thuyền của ngư dân Việt Nam).

Bên cạnh việc kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia trên biển, Đảng và Chính phủ luôn hết sức quan tâm đến việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và hoạt động sản xuất bình thường của ngư dân ta trong các vùng biển của Việt Nam. Chính phủ đã chỉ đạo các ngành hữu quan của ta triển khai nhiều biện pháp đồng bộ vừa để hỗ trợ ngư dân ta, vừa để bảo vệ hoạt động của ngư dân ta trong vùng biển Việt Nam. Khi đó có vấn đề phức tạp nảy sinh trên biển, ta đã kiên quyết đấu tranh với các bên liên quan bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân ta. Cụ thể:

Một là, trong trường hợp có bão hay áp thấp trên biển Đông, Bộ Ngoại giao đã gởi ngay công hàm cho Đại sứ quán các nước liên quan; đồng thời, Đại sứ quán ta tại các nước liên quan cũng liên hệ ngay với các cơ quan hữu quan của sở tại đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền và ngư dân ta vào tránh bão trong khu vực an toàn, cùng phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn nếu xảy ra sự cố.

Hai là, trong trường hợp tàu cá và ngư dân ta bị bắt giữ hoặc bị ngược đãi, Bộ Ngoại giao căn cứ tính chất, mức độ nghiêm trọng của từng vụ việc để cân nhắc các biện pháp đấu tranh phù hợp như giao thiệp ngoại giao, trao công hàm phản đối, ra Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao... kiên quyết phản đối, yêu cầu thả vô điều kiện tàu, ngư dân ta và bồi thường thiệt hại.

Ba là, bên cạnh những biện pháp đấu tranh ngoại giao, ta cũng triển khai nhiều biện pháp bảo vệ hoạt động nghề cá của ngư dân ta trên thực địa. Chính phủ cũng đã tăng cường đầu tư nâng cao năng lực quản lý trên biển của các ngành chức năng để bảo vệ hoạt động đánh bắt của tàu cá và ngư dân ta trong vùng biển Việt Nam, kịp thời hỗ trợ ngư dân khi cần thiết, nhất là đối với bà con ngư dân ta gặp nạn trên biển.

Để tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo vệ ngư dân, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ ngành khác phổ biến nhân rộng các biện pháp, cách làm của “tổ đội đoàn kết”, mô hình tàu mẹ tàu con; đề nghị các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng tăng cường tuần tra, giám sát trên biển; phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của bà con ngư dân và hướng dẫn để nắm rõ ranh giới giữa vùng biển Việt Nam với các nước; tăng cường đẩy mạnh quan hệ hợp tác với quốc tế nhằm mở rộng ngư trường cho ngư dân; thông qua hội nghề cá, mặt trận và các đoàn thể quần chúng vận động chủ tàu, thuyền trưởng, bà con ngư dân và gia đình tuân thủ các quy định của pháp luật không sang vùng biển các nước đánh bắt hải sản trái phép; ngăn chặn các tổ chức, cá nhân đưa tàu cá, ngư dân ta sang đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Đồng thời thực hiện chức năng bảo hộ lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã thông báo cho các cơ quan và địa phương liên quan khi tàu cá ngư dân ta bị nước ngoài bắt giữ phải kịp thời thông báo ngay cho Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) để phối hợp đấu tranh, không nộp tiền phạt.

4. Về việc cử tri đề nghị Nhà nước cần tuyên truyền hơn nữa cho người dân biết về tình hình biển, đảo:

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Đảng và Nhà nước công tác tuyên truyền về biển, đảo ngày càng được tăng cường. Đầu năm 2009, Bộ Chính trị đã phê duyệt Đề án tuyên truyền về biển Đông. Căn cứ đề án này, công tác thông tin tuyên truyền về biển Đông đã được triển khai rộng khắp với nhiều cấp độ, nhiều hình thức để mỗi người dân hiểu rõ về chủ quyền biển đảo của ta cũng như chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề biển Đông. Chúng ta cũng đã tổ chức một số cuộc hội thảo trong nước và quốc tế được dư luận hoan nghênh.

Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương liên quan mở các lớp tập huấn, tổ chức các buổi nói chuyện báo cáo chuyên đề kịp thời thông báo đến các tầng lớp trong xã hội về tình hình biển Đông và chủ trương xử lý vấn đề biển Đông của Đảng và Nhà nước ta. Bộ Ngoại giao đã xây dựng trang thông tin điện tử biengioilanhtho.gov.vn bằng tiếng Việt và tiếng Anh để cung cấp cho các học giả trong và ngoài nước tình hình biên giới lãnh thổ, trong đó có rất nhiều nội dung liên quan đến biển đảo. Với những nỗ lực đó chúng ta đã làm cho dư luận trong nước và quốc tế hiểu rõ thực chất tình hình biển Đông và lập trường quan điểm của ta về vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, có thể nói rằng công tác tuyên truyền về biển, đảo vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của người dân, một số vụ việc xảy ra trên biển vẫn chưa được thông tin đầy đủ, kịp thời, thậm chí còn những thông tin trên báo chí chưa thật chính xác hoặc chưa được kiểm chứng. Trong thời gian tới, với phương châm công khai hóa, minh bạch hóa chúng ta cần khắc phục những tồn tại, cải tiến cả về hình thức, nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

5. Về kiến nghị Bộ Ngoại giao tăng cường công tác đối ngoại, đối nội, kiên quyết đấu tranh trên cơ sở luật pháp quốc tế nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm ủng hộ Việt Nam:

Chủ trương nhất quán của ta trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông là thông qua biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc tế về Luật Biển 1982. Quán triệt chủ trương đó, Bộ Ngoại giao đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh ngoại giao, pháp lý và dư luận trước các hoạt động vi phạm của nước ngoài bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích trên biển của Việt Nam. Nhằm chuẩn bị cho đấu tranh pháp lý, Bộ Ngoại giao đã tích cực sưu tầm các tài liệu pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam để làm cơ sở xây dựng các bộ hồ sơ pháp lý đối với từng vấn đề liên quan ở biển Đông.

Thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo Công ước Liên hiệp quốc tế về Luật Biển 1982, tháng 5-2009 chúng ta đã trình lên Ủy ban Thềm lục địa Liên hiệp quốc Báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam. Nội dung trong các báo cáo này có thể được sử dụng làm căn cứ để ta đấu tranh bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam ở biển Đông. Việc làm này khẳng định rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền cũng như lợi ích chính đáng của ta ở biển Đông.

Trên mặt trận đối ngoại, chúng ta đã tiến hành vận động ở tất cả các cấp cả trong các cuộc gặp song phương lẫn tại các diễn đàn đa phương, tạo mối quan tâm chung của cả cộng đồng quốc tế đối với vấn đề biển Đông. Hiện vấn đề biển Đông đã trở thành một nội dung quan trọng của các diễn đàn cấp cao ASEAN, ARF, EAS... Việc chúng ta từng bước công khai hóa, minh bạch hóa các vấn đề liên quan đến biển Đông làm cho dư luận hiểu rõ chính nghĩa của ta, góp phần tranh thủ được sự đồng tình của cộng đồng quốc tế.

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐBQH - HĐND TỈNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên