Quân đoàn 4 - “Quả đấm thép” phía Nam : Uy dũng Tiểu đoàn 5

Cập nhật: 15-11-2014 | 08:42:09

Kỳ 15: Uy dũng Tiểu đoàn 5

>> Xem kỳ trước

Ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4) đã tham gia nhiều chiến dịch với hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ lập nên những chiến công chói lọi đi vào sử sách. Với những chiến công và thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, Tiểu đoàn 5 đã được tuyên dương danh hiệu anh hùng LLVTND.

 

Xe tăng trong đội hình Đại đội Tăng 10 cùng bộ binh tấn công vào dinh tỉnh trưởng Phước Long sáng ngày 6-1-1975 (Ảnh Bảo tàng QĐ 4 cung cấp)

 Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những sư đoàn chủ lực ở miền Nam (trong đó có Sư đoàn 9 - nay thuộc Quân đoàn 4) ra đời đã kịp thời cổ vũ và làm nòng cốt phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”. Những chiến thắng liên tiếp trên các chiến trường từ Núi Thành đến Vạn Tường, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phước Long… và chiến công vang dội đập tan hai cuộc tiến công chiến lược mùa khô 1965- 1966, 1966-1967 của Mỹ ở miền Nam đã làm cho khí thế đánh Mỹ, diệt ngụy của quân, dân miền Nam dâng cao. Trong đó, Tiểu đoàn 5 - Trung đoàn 2 - Sư đoàn 9 là một trong những đơn vị đã trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch ở chiến trường miền Đông như tiêu diệt đồn Cây Trường (nay thuộc huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương), chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài, đặc biệt là chiến thắng vang dội trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long vào đầu năm 1975.

Ngày 18-10-1963, Tiểu đoàn 5 - Trung đoàn 2 được tăng cường một đại đội đặc công của trung đoàn tiến công đồn Cây Trường trong “ấp chiến lược” thuộc xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một, (nay thuộc huyện Bàu Bàng tỉnh Bình Dương). Đồn Cây Trường là một đồn lớn nằm sâu trong vùng giải phóng của ta nên địch cho một đại đội bảo an đóng giữ và thiết lập hệ thống công sự, hỏa điểm, hầm ngầm, hàng rào kẽm gai để bảo vệ khá chắc chắn. Từ đồn Cây Trường, lính địch thường bung ra ngăn chặn ta hoạt động, hỗ trợ bọn dân vệ, ác ôn kìm kẹp dân trong “ấp chiến lược” và phối hợp với quân chính quy trong các đợt càn quét. Trước tình hình đó, được nhân dân địa phương tham gia hỗ trợ, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5 đã anh dũng vượt qua các lớp rào, bờ tường tiến công tiêu diệt và làm chủ toàn bộ đồn Cây Trường. Trong trận đánh này nổi lên gương chiến đấu vô cùng anh dũng của Tiểu đội trưởng đặc công Trừ Văn Thố lấy thân mình lấp lỗ châu mai dập tắt hỏa điểm của địch, tạo điều kiện cho đồng đội xông lên tiêu diệt địch giành thắng lợi. Sự hy sinh của người tiểu đội trưởng quả cảm Trừ Văn Thố đã khiến nhân dân và bộ đội trên khắp chiến trường miền Đông Nam bộ khâm phục.

Sau khi giành thắng lợi, tiêu diệt đồn Cây Trường, Tiểu đoàn 5 tiếp tục tham gia đánh tan cuộc hành quân lớn của Mỹ - ngụy mang tên “Chiến dịch Đại Phong 35”. Đây là chiến dịch do tiểu đoàn biệt động quân 32 “Cọp đen” có cố vấn Mỹ chỉ huy tiến hành càn quét khu vực Bắc Bến Cát. Trong trận đánh này, Tiểu đoàn 5 được giao nhiệm vụ đánh ngăn chặn địch ở chính diện. Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, Tiểu đoàn 5 và cán bộ chiến sĩ các đơn vị của Trung đoàn 2 đã tiến công tiêu diệt gọn tiểu đoàn biệt động quân 32 thuộc Sư đoàn 5 ngụy. Đây là trận đánh vận động tập kích đầu tiên trên chiến trường miền Nam đạt hiệu suất cao, gây thiệt hại lớn và làm cho địch hoang mang lo sợ, góp phần làm thất bại hoàn toàn “Chiến dịch Đại Phong 35” của địch.

Từ đồn Cây Trường, lính địch thường bung ra ngăn chặn ta hoạt động, hỗ trợ bọn dân vệ, ác ôn kìm kẹp dân trong “ấp chiến lược” và phối hợp với quân chính quy trong các đợt càn quét. Trước tình hình đó, được nhân dân địa phương tham gia hỗ trợ, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5 đã anh dũng vượt qua các lớp rào, bờ tường tiến công tiêu diệt và làm chủ toàn bộ đồn Cây Trường. Trong trận đánh này nổi lên gương chiến đấu vô cùng anh dũng của Tiểu đội trưởng đặc công Trừ Văn Thố lấy thân mình lấp lỗ châu mai dập tắt hỏa điểm của địch, tạo điều kiện cho đồng đội xông lên tiêu diệt địch giành thắng lợi. Sự hy sinh của người tiểu đội trưởng quả cảm Trừ Văn Thố đã khiến nhân dân và bộ đội trên khắp chiến trường miền Đông Nam bộ khâm phục.

Mùa hè năm 1965, trong không khí sôi sục quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân cả nước, các Trung đoàn 1, 2, 3 và Đoàn pháo binh 80 lại lên đường đi chiến dịch. Quyết tâm của Quân ủy - Bộ Tư lệnh Miền trong chiến dịch này là tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực ngụy, đẩy mạnh chiến tranh du kích, hỗ trợ quần chúng phá “ấp chiến lược”, mở rộng vùng giải phóng, nối liền các căn cứ của Miền với Nam Tây nguyên, tạo điều kiện mở đường vận tải chiến lược từ miền Bắc vào đến miền Đông Nam bộ. Địa bàn mở chiến dịch khi đó là hai tỉnh Bình Long, Phước Long (hướng chính) và các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa. Chiến dịch mang tên Sông Bé - Phước Long (còn gọi là chiến dịch Đồng Xoài) bắt đầu từ đêm 10, rạng ngày 11-5-1965. Ở hướng chính, Tiểu đoàn 5 phối hợp với Tiểu đoàn 840 chủ lực Quân khu 6, được tăng cường một trung đội đặc công, 6 khẩu D9KZ75, 3 khẩu 12,7mm, thực hành tiến công thị xã Phước Long. Sau khi chiếm được một số mục tiêu trong thị xã, bộ đội ta trụ lại, đánh lui 6 đợt phản công của địch, diệt hai đại đội thuộc Tiểu đoàn 36 biệt động ngụy, bắn rơi 13 máy bay. Tiểu đoàn 5 còn tiến công chi khu quân sự Phước Bình, cách thị xã Phước Long 6km. Do chuẩn bị chu đáo về công tác bảo đảm như trinh sát điều tra địa hình, thuốc nổ, lương thực, thuốc quân y… nên sau 25 phút chiến đấu, Tiểu đoàn 5 đã làm chủ chi khu Phước Bình, loại khỏi vòng chiến đấu 140 tên địch, bắt sống 105 tên, thu 221 khẩu súng và nhiều đạn, đồ dùng quân sự. Ở trận này có 3 chiến sĩ Tiểu đoàn 5 bị thương nhẹ.

Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tiểu đoàn 5 cùng với các đơn vị của Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 đã tham gia nhiều chiến dịch lớn nhỏ, đặc biệt là chiến dịch Đường 14 - Phước Long đầu năm 1975. Ở chiến dịch này, Tiểu đoàn 5 là đơn vị thọc sâu, táo bạo cắm cờ trên dinh tỉnh trưởng, góp phần làm nên bản hùng ca Phước Long. Với chiến thắng đường 14 - Phước Long, lần đầu tiên ở miền Nam và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh ở cửa ngõ Sài Gòn, một địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng. Cùng với lực lượng vũ trang trên chiến trường, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 bước vào mùa Xuân 1975 với “Khí thế như Mậu Thân - Quyết tâm vượt năm 1972 - Diệt gọn như Đồng Xoài - Dầu Tiếng, Hoa Lư - Kiên quyết, triệt để, liên tục, dài ngày hơn đường 7”.

Phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 5 - Trung đoàn 2 hôm nay đã không ngừng phấn đấu rèn luyện, học tập, đoàn kết, thống nhất xây dựng tiểu đoàn ngày càng hùng mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Quân đoàn 4, đồng thời góp phần xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 Kỳ 16: Người anh hùng xứ Thanh

 ĐÌNH HẬU - KIẾN GIANG


Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên