Quan tâm chăm lo người nghèo

Cập nhật: 12-12-2018 | 09:28:48

Với ý nghĩa nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội, các ngành, đoàn thể của Dầu Tiếng đã triển khai hiệu quả các nhóm giải pháp, giúp người nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống.

Hỗ trợ vốn cho người nghèo

Thực hiện chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, thời gian qua Dầu Tiếng luôn đẩy mạnh công tác hỗ trợ vốn cho người nghèo. Bằng nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau như cho vay vốn không tính lãi, hỗ trợ con giống, cây trồng, giới thiệu việc làm… đã giúp các hộ nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Cụ thể từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân, hỗ trợ vốn cho 4.218 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền hơn 121 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn ngân sách huyện còn cho vay phát triển đàn bò sinh sản với 171 hộ được vay với mức bình quân 26,3 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến công, khuyến nông, giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, xây sửa nhà ở, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ tiếp cận thông tin, văn hóa tinh thần, trợ giúp pháp lý cũng được huyện triển khai sâu rộng tới người nghèo.

Nhờ được vay vốn phát triển kinh tế nên gia đình chị Đỗ Thị Quý ở Dầu Tiếng đã thoát nghèo

Chị Đỗ Thị Quý, ở xã Định An bị bệnh u xương đầu gối. Gia đình chị Quý thuộc diện nghèo của xã. Cách đây 3 năm chị Quý có vay 30 triệu đồng để phát triển sản xuất, mở rộng chăn nuôi gà. Sau 3 năm tần tảo làm lụng, cuộc sống gia đình chị giờ đã tạm ổn. Chị Quý cho biết: “Nếu được ngân hàng tiếp tục hỗ trợ, tôi có nguyện vọng tiếp tục vay thêm tiền để nuôi bò sinh sản và chăm sóc vườn tiêu. Số tiền gia đình tôi vay lần trước đã gần đến ngày đáo hạn, nếu phải bán đàn gà con trả tiền ngân hàng thì tôi không biết xoay xở ở đâu”. Khá giả hơn gia đình chị Quý, sau 3 năm vay vốn gia đình chị Nguyễn Thị Ly ở thị trấn Dầu Tiếng đã tạo dựng cơ nghiệp vững chắc trên mảnh đất mà một thời chị đã có không ít lần buông xuôi đầu hàng số phận. Gia đình đông con lại đang tuổi ăn tuổi lớn, chồng chị bị bệnh phổi nhưng với quyết tâm xây dựng từ hai bàn tay trắng, chị Ly đã làm đơn xin được vay vốn trồng mì. Ban đầu canh tác trên đất thuê, mỗi vụ mùa sau khi trừ hết chi phí, chị dành lại ít tiền bỏ vào ống tiết kiệm. Cứ như vậy từ vụ mùa này đến vụ mùa khác chị Ly đã dành dụm được số vốn kha khá mua đất, cất nhà và đầu tư phát triển đàn bò. Chị Ly phấn khởi cho biết: “Được sự giúp đỡ của Nhà nước cho tôi vay tiền, phát triển kinh tế gia đình nên giờ đây cuộc sống gia đình đã khấm khá hơn. 5 đứa con được học hành đàng hoàng và không còn lo chạy vạy cái ăn cái mặc như trước”.

Phát huy các chính sách hỗ trợ người nghèo

Không chỉ tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn, các chính sách hỗ trợ về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý cũng được Dầu Tiếng đặc biệt quan tâm. Công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm được các ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ mở các lớp dạy nghề như: May gia dụng, nấu ăn đãi tiệc, trồng nấm, tạo dáng cây cảnh, cạo mủ cao su, lớp sinh vật cảnh… cho hàng trăm lao động nông thôn và bộ đội xuất ngũ. Để chăm lo đời sống cho hộ nghèo còn khó khăn về nhà ở, 2 năm qua huyện đã đã vận động, xây dựng 111 căn nhà với tổng kinh phí hơn 7,2 tỷ đồng. Ngày nhận nhà mới, chị Nguyễn Thị Mười ở khu phố 6, thị trấn Dầu Tiếng, xúc động: “Đã 54 tuổi nhưng đến nay tôi mới biết đến một ngôi nhà với ý nghĩa thực sự là nhà. Gia đình tôi có 4 người nhưng quanh năm phải sống trong chòi lá rách tứ bề”. Chị Mười là lao động chính trong gia đình. Ngoài mẹ già đã gần 80 tuổi, chị còn có thêm người chồng bị bệnh bại liệt. Con nhỏ, gia đình khó khăn, quanh năm cái nghèo luôn đeo bám. Căn nhà tình thương mà UBND thị trấn Dầu Tiếng xây dựng là món quà tinh thần, động viên chị và gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

 “Chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện đang từng bước mang lại nhiều kết quả thiết thực. Hàng năm số hộ giàu, khá tăng nhanh, số hộ nghèo giảm đáng kể. Tuy nhiên, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, các xã cần triển khai đồng bộ những giải pháp nhằm tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh các hình thức vay vốn, tạo việc làm, xây dựng nhà ở, y tế… các xã, thị trấn cũng cần quan tâm hơn nữa đến công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người nghèo”.

(Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng)

 

 KIM HÀ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên