Quan tâm thực chất giáo dục - đào tạo

Cập nhật: 23-04-2019 | 08:15:34

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) và mới đây nhất là chương trình thực hiện giáo dục phổ thông mới, cùng với cả nước, ngành GD-ĐT tỉnh Bình Dương đã đề ra các nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp cơ bản, trong đó tăng cường kỷ cương, nề nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở GD-ĐT. Theo đó, đối tượng người học và thầy cô giáo là đối tượng trung tâm của nền GD-ĐT.

 Nội dung, chương trình GD-ĐT đã chuyển mạnh từ đào tạo bồi dưỡng cung cấp kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Cùng với đó, việc đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa được đẩy nhanh tiến độ nhưng phải bảo đảm chất lượng.

Thời gian qua, sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước đã tạo sự khởi sắc cho nền GD-ĐT nước nhà trong quá trình phát triển và hội nhập. Chất lượng dạy và học ở các cấp học từ mầm non đến đại học từng bước được nâng cao. Tuy nhiên cũng cần phải nhìn thẳng vào thực tế. Hiện nay, đây đó, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác GD-ĐT ở đó đang gặp phải không ít khó khăn. Cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên luôn trong tình trạng thiếu thốn, thu nhập và điều kiện sinh hoạt, cuộc sống có nơi còn quá khó khăn… Đó là nỗi trăn trở và cũng là nỗi lo thường trực của đội ngũ những người làm công tác quản lý, những thầy cô giáo đang trực tiếp đứng trên bục giảng.

Năm học 2018-2019 và những năm tiếp theo, ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục thực hiện chủ đề “Đổi mới thực chất, hiệu quả nâng cao” cùng với phương châm hành động “Trách nhiệm - năng động - sáng tạo” và khẩu hiệu hành động “Tất cả vì học sinh thân yêu”, ngành GD-ĐT cần tiếp tục triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Tập trung xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo…

Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nền GD-ĐT và đội ngũ thầy cô giáo đã được khẳng định rõ trong Nghị quyết số 29-NQ/ TW. Đây là thời cơ rất thuận lợi cho ngành GD-ĐT nước nhà tiến hành việc đổi mới. Tuy vậy, thách thức phía trước không phải là ít. Trong đó, việc thay đổi nhận thức của đội ngũ thầy cô giáo, của mô hình và chương trình đào tạo, của việc thay đổi cách dạy và học, cách kiểm tra, đánh giá nhằm chuyển một cách căn bản từ nặng về truyền thụ kiến thức sang hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của người học phải là một bước chuyển có tính đột phá. Vì vậy, yêu cầu đổi mới toàn diện GD-ĐT phải thực chất, không hình thức là vậy.

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên