Quan tâm xây dựng trường học cho con em công nhân

Cập nhật: 20-05-2016 | 09:15:04

Ngày hội của cử tri cả nước đang tới rất gần. Ngày 22-5, cử tri trong tỉnh sẽ nô nức cầm trên tay lá phiếu, thực hiện quyền làm chủ của mình để sáng suốt bầu chọn cho những người đủ đức, đủ tài thể hiện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tại các cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Tiếp tục là những người đồng hành cùng các ứng cử viên (ƯCV) trong các chương trình tiếp xúc, cử tri trong tỉnh đã và đang rất tích cực đóng góp ý kiến với mong muốn, các ƯCV nếu trúng cử sẽ giữ đúng lời hứa trong chương trình hành động.

Cần giải quyết tốt vấn đề về trường lớp học cho con em công nhân lao động để họ yên tâm làm việc. Trong ảnh: Một buổi học tập tại lớp trẻ mầm non Hoàng Yến, phường Thuận Giao, TX.Thuận An Ảnh: T.LÊ

Lắng nghe chương trình hành động của các ƯCV được nêu trong các hội nghị tiếp xúc cử tri, nhận thấy những vấn đề được nêu ra khá sát với tình hình thực tế của tỉnh nhà hiện nay. Trong đó, thực trạng thiếu trường lớp học cho con em, đặc biệt là con em công nhân lao động đang tiếp tục được cử tri đề cập. Trên thực tế, những năm qua, việc gia tăng dân số cơ học do quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ đã tạo nên áp lực hạ tầng xã hội, cụ thể là tình trạng quá tải trường lớp trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là vấn đề đã được các ĐB dân cử đề cập nhiều trong các kỳ họp HĐND tỉnh những năm qua. Trước áp lực này, tỉnh cũng đã nỗ lực đầu tư xây dựng trường lớp tại các địa bàn trọng điểm như TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An. Nhờ đó, những năm học vừa qua, tỉnh cơ bản bảo đảm và khắc phục tốt tình trạng quá tải học sinh mỗi khi vào những năm học mới. Tuy nhiên, về lâu về dài, cử tri vẫn mong muốn trong thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm đầu tư xây dựng nhiều trường học hơn nữa để đáp ứng yêu cầu học tập cho con em công nhân lao động, nhất là ở bậc mầm non, tiểu học.

Cử tri Nguyễn Hữu Vận, phường Tân Bình, TX.Dĩ An cho rằng, giáo dục là một trong những vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu trong xã hội. Tuy nhiên, do không có hộ khẩu thường trú, nhiều học sinh là con em lao động ngoại tỉnh vẫn rất khó khăn trong việc đăng ký nhập học. Cử tri Phạm Thị Doãn, phường Thuận Giao, TX.Thuận An bộc bạch: “Tôi và nhiều chị em khác trong công ty rất băn khoăn về chuyện nhà trẻ để gửi con. Gửi trường công lập thì khó khăn về hộ khẩu, hơn nữa, các trường công lập chỉ nhận giữtrẻ từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều, còn công nhân phải tăng ca thường xuyên từ17 giờđến 20 giờ tối mới về. Do đó, chúng tôi buộc phải gửi trẻ tại các nhà trẻ tự phát, tư nhân. Chưa biết chất lượng có thực sự tốt không nhưng chi phí giữ trẻ cũng khá cao khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng”.

Chị Bùi Thị Thu, cử tri phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An cho biết: “Tôi có hai đứa con nhỏ, mang theo một cháu vào đây đi làm. Khi xin nhập học cho cháu, tôi luôn bị hỏi “thường trú hay tạm trú”... Tôi phải mang cháu đi gửi ở một nhóm trẻ gia đình gần nhà ở trọ với giá cũng tạm chấp nhận được. Nói là trường học chứ thật ra chỉ là một gian nhà nhỏ trông một đám trẻ con cho cha mẹ các cháu đi làm. Không những thế, người trông trẻ ởđây cũng không được đào tạo bài bản, không có kỹ năng sư phạm, các cháu không được dạy các kỹ năng cần thiết ở độ tuổi của mình. Điều lo ngại nhất với phụ huynh chúng tôi vẫn là tình trạng bạo hành trẻ khiến chúng tôi rất lo lắng, không yên tâm lao động sản xuất. Cũng có những người vì thế mà chọn giải pháp đưa con về quê nhờngười thân chăm sóc hộ”.

Thực tế, với tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh, kéo theo đó là tình trạng học sinh mới tăng mạnh gây áp lực lớn đối với các trường học tại nhiều địa phương. Riêng trong năm học 2015-2016, trên địa bàn tỉnh đã tăng hơn 39.000 học sinh và dự báo các năm tới số học sinh các cấp vẫn còn tăng mạnh với hàng chục ngàn em mỗi năm. Các địa bàn cósốhọc sinh tăng mạnh nhất làTX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Bến Cát vàTP.ThủDầu Một. Mặc dù Bình Dương quan tâm đầu tư xây dựng thêm trường mới, nhưng vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu học sinh tăng thêm. Song song đó, nhờ xã hội hóa công tác giáo dục, nhiều chủdoanh nghiệp cũng được khuyến khích xây nhàgiữtrẻcho con em công nhân lao động; nhiều doanh nghiệp chi mạnh tay đầu tư các trường học chuẩn quốc tế... góp phần không nhỏ trong việc giải quyết vấn đề trường học trên địa bàn. Chị Hoàng Thị Hà, có con nhỏ đang theo học trường Mầm non 28-7 tại phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát vui mừng cho biết: “Không riêng gì ngày thường, những ngày thứ bảy, chủ nhật, mỗi khi công ty có đơn hàng gấp yêu cầu công nhân tăng ca, buổi sáng khi đưa con đến trường, phụ huynh đăng ký gửi con cho cô giáo là an tâm làm việc. Thời gian đưa đón, giữ trẻ rất linh hoạt, phù hợp với điều kiện gia đình tôi là điều yên tâm nhất”.

Tốc độ đô thị hóa nhanh gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội sẽ kéo theo nhiều điểm bất cập. Việc giải quyết tình trạng thiếu trường, thiếu lớp không thể lo xong trong ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực không ngừng của tỉnh cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp... nhiều trường học mới đã được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là con em công nhân lao động, đã đáp ứng được nhu cầu gửi con của công nhân lao động, giúp họ an tâm sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

 

 THANH LÊ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên