Quảng Nam: 17 người chết vì mưa lũ

Cập nhật: 15-11-2011 | 00:00:00

Ngày 14-11, UBND tỉnh Quảng Nam đã có đánh giá về thiệt hại do đợt mưa lũ trên địa bàn tỉnh từ ngày 4-8.11. Theo đó, đã có 17 người chết, 45 người bị thương và thiệt hại về kinh tế ước tính trên 250 tỉ đồng.

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, do mưa lớn, mực nước trên các sông đều vượt báo động III từ 0,7m đến 1m. Đây là cơn lũ lớn, nếu so sánh với cơn lũ lịch sử năm 1999, cơn lũ này chỉ thấp hơn từ 30 - 50cm nhưng mưa lũ đã gây ngập lụt trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của nhà nước và nhân dân.

  Tuyến đường ĐT 616 từ TP Tam Kỳ lên huyện Nam Trà My bị sạt lở khiến giao thông bị ách tắc

Chỉ trong thời gian ngắn xảy ra mưa lũ nhưng trên địa bàn tỉnh lại có đến 17 người chết gồm huyện Nông Sơn có 4 người, Quế Sơn 1 người, Đại Lộc 2 người, Tiên Phước 1 người, Thăng Bình 2 người, Điện Bàn 6 người và Đông Giang 1 người. Ngoài ra còn có 45 người khác bị thương.

Đợt mưa lũ cũng làm khoảng 76 xã, phường, thị trấn bị ngập lũ, tập trung ở các huyện Quế Sơn, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn và TP Hội An. Có khoảng 73.000 nhà dân bị ngập nước, tập trung nhiều nhất tại huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, TP Hội An, Nông Sơn và Quế Sơn; trong đó có khoảng 55.700 hộ bị ngập sâu từ 0,5m trở lên.

Và có khoảng 41 nhà dân bị sập đổ, hư hỏng; hàng chục nhà dân bị xiêu vẹo thuộc huyện Nông Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phú Ninh, Tiên Phước, Quế Sơn, Bắc Trà My và Điện Bàn.

Đối với các công trình giao thông cũng bị thiệt hại nặng nề với tuyến đường Hồ Chí Minh, QL14B, 14D, 14E, các tuyến ĐT604, 606, 610, 611, 616, 617 có nhiều vị trí bị sạt lở lớn về phía taluy âm và taluy dương với tổng khối lượng khoảng 244.000m3; đường Nam Quảng Nam qua địa phận huyện Nam Trà My đến tỉnh Kon Tum dài 37km bị sạt lở lớn nhiều vị trí với khối lượng khoảng 182.000m3;

Đối với các tuyến đường ĐH, giao thông liên xã thuộc các huyện Nam Trà My, Tây Giang, Phước Sơn, Đông Giang bị sạt lở nặng nề gây ách tắc giao thông trong nhiều ngày liền; tổng khối lượng đất đá bị sạt lở khoảng 295.000m3. Tổng thiệt hại khoảng 8 tỉ đồng.

Các công trình thủy lợi cũng bị hư hại nặng. Tổng thiệt hại khoảng 20 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, một số tuyến đê kè cũng bị hư hại như kè Cẩm Kim - Duy Vinh, An Lương, Lệ Bắc (huyện Duy Xuyên), Văn Ly - bờ hữu sông Thu bồn (xã Điện Quang), Văn Ly bờ tả sông Thu Bồn (xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn) bị sạt lở hư hỏng nặng nhiều vị trí; tuyến kè bảo vệ bờ tả đường ĐT608 (đi từ Điện Bàn xuống thành phố Hội An), kè Làng gốm Thanh Hà dọc sông Thu Bồn bị hư hỏng sạt lở nhiều đoạn.

Ngoài ra, trên sông Vu Gia - Thu Bồn có nhiều vị trí sạt lở, đặc biệt đoạn bờ sông Quảng Huế trên địa phận thôn Trường Yên - Thôn Tư, xã Đại An, huyện Đại Lộc đã bị sạt lở từ đợt lũ trước, nay tiếp tục bị sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, uy hiếp trực tiếp 70 hộ dân với khoảng 300 người. Ước tính thiệt hại khoảng 40 tỉ đồng.

Lĩnh vực trường học, trạm y tế xã các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Nông Sơn, Hội An bị ngập, gây thiệt hại bàn ghế và một số dụng cụ học tập; một số thiết bị y tế, thuôc chữa bệnh bị hư hỏng do ngập lũ. Giá trị thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng.

Đặc biệt, tại huyện Tây Giang, khu nhà ở nội trú (dành cho 84 học sinh đồng bào dân tộc ăn ở) của Trường dân tộc nội trú tại khu tái định cư A Lua (xã Dang) bị sập đổ hoàn toàn vào trong lòng hồ thủy điện A Vương trong đêm ngày 6-11 do sạt lở đất, rất may không có thiệt hại về người...

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên