Quốc hội khóa VII (1981-1987): Quốc hội của thời kỳ bắt đầu công cuộc đổi mới

Cập nhật: 16-03-2016 | 08:43:12

Quốc hội (QH) khóa VII, được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp năm 1980 đã phát huy vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nhân dân trong việc củng cố và hoàn thiện chế độ làm chủ tập thể; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa hiến pháp, từng bước xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, tạo tiền đề để Nhà nước thực hiện quản lý mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội theo đúng hiến pháp và pháp luật.

 Khai mạc kỳ họp thứ nhất, QH khóa VII, ngày 25-6-1981. Ảnh: TƯ LIỆU

Ngày bầu cử là ngày 26-4-1981; tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đạt 97,96%; tổng số đại biểu được bầu là 496; thành phần đại biểu: công nhân (100), nông dân (92), tiểu thủ công nghiệp (9), quân đội (49), cán bộ chính trị (121), trí thức (110), nhân sĩ, tôn giáo (15), đảng viên (435), ngoài Ðảng (61), phụ nữ (108), thanh niên từ 23 - 35 tuổi (90), dân tộc thiểu số (74)... Kỳ họp thứ nhất họp từ ngày 24-6 đến 4-7-1981, tại Hà Nội, QH đã bầu: Hội đồng Nhà nước gồm 12 thành viên; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước: Trường Chinh; Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Hữu Thọ; Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch: Phạm Văn Ðồng; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao: Phạm Hưng; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: Trần Lê.

QH cũng đã bầu Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH gồm: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Kinh tế, Kế hoạch và Ngân sách; Ủy ban Văn hóa - Giáo dục; Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật; Ủy ban Y tế và Xã hội; Ủy ban Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng; Ủy ban Ðối ngoại. QH khóa VII là QH của thời kỳ bắt đầu công cuộc đổi mới, đã đẩy mạnh công tác lập pháp, tăng cường công tác giám sát và việc quyết định các vấn đề quan trọng khác để đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước. Xác định nguyên tắc, phương hướng xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch QH Nguyễn Hữu Thọ gặp gỡ các đại biểu QH khóa VII tại kỳ họp thứ 2, tháng 12-1981. Ảnh: TƯ LIỆU

Trong nhiệm kỳ QH khóa VII, với 12 kỳ họp, QH đã ban hành được 10 đạo luật và 35 nghị quyết; Hội đồng Nhà nước đã ban hành được 15 pháp lệnh. Ngoài các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước được ban hành mới theo Hiến pháp 1980, đáng chú ý là lần đầu tiên QH đã ban hành Bộ luật Hình sự (1985) gồm 280 điều quy định về tội phạm và hình phạt; Luật Hôn nhân - Gia đình (1986) gồm 57 điều trên cơ sở kế thừa và phát triển Luật Hôn nhân - Gia đình năm 1959, thể hiện bước phát triển đáng kể trong hoạt động lập pháp của QH.

QH đã triển khai thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như thành lập các cơ quan Nhà nước ở Trung ương; thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; quyết định các vấn đề về việc cử và miễn nhiệm một số thành viên Hội đồng Bộ trưởng… Hoạt động giám sát cũng được QH và Hội đồng Nhà nước coi trọng, tập trung về các vấn đề quản lý kinh tế - xã hội, việc thi hành hiến pháp, pháp luật nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp đã có bước cải tiến với việc tại kỳ họp thứ 10, các đại biểu QH đã tập trung chất vấn vào việc đánh giá những sai lầm, khuyết điểm về việc thực hiện chính sách giá, lương, tiền; đồng thời đề ra các biện pháp khắc phục.

Ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ hòa bình của các dân tộc, trong hoạt động đối ngoại, QH luôn tuân thủ nguyên tắc nhất quán, ủng hộ những sáng kiến hòa bình, bảo đảm an ninh chung của nhân loại.

Các hiệp định, hiệp ước, công ước quốc tế đã phê chuẩn

Nghị quyết phê chuẩn Công ước về quy chế pháp chế, quyền ưu đãi và miễn trừ của các tổ chức kinh tế liên quốc gia; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư I ngày 6-8-1977 bổ sung các Công ước Giơnevơ ngày 12-8- 1949; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam và Cuba; Nghị quyết phê chuẩn Công ước về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa nước Việt Nam và Liên Xô; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Cuba; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam và Pháp; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Tiệp Khắc; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư tại Môngtơrêan ngày 30-9- 1977; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam và Nicaragoa; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam và Lào; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hunggari; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa Việt Nam và Cuba; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa Việt Nam và Hunggari; Nghị quyết về phê chuẩn Công ước về năng lực pháp lý, quyền ưu đãi và miễn trừ của Hội đồng Tương trợ kinh tế mà Chính phủ Việt Nam ký với Chính phủ Ba Lan; Nghị quyết phê chuẩn Công ước quốc tế về viễn thông; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung “Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào”; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định quy hoạch biên giới giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề về dân sự, gia đình và hình sự giữa Việt Nam và Bungari.

 

 

P.V (tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên