Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và dùng vốn ODA

Cập nhật: 30-10-2014 | 16:30:52

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Làm rõ những nguyên nhân tồn tại trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới và việc sử dụng nguồn vốn ODA có hiệu quả là nội dung được các đại biểu Quốc hội tập trung trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội sáng 30-10.

Không nên lạc quan từ những con số

Đa số các đại biểu đồng tình với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội trong chín tháng vừa qua tiếp tục có chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.

Tăng trưởng kinh tế chín tháng vừa qua đạt 5,62%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2013. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển đạt mức tăng trưởng 3%, cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua; khu vực dịch vụ phát triển khá; xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng khá, tăng 14,1% so với cùng kỳ và tiếp tục có xuất siêu.

Lạm phát được kiểm soát. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước tới nay; thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định.

Thu ngân sách nhà nước đạt cao so với cùng kỳ những năm gần đây. Giải ngân vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục được đẩy mạnh.

Việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế, với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực. Việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ tài nguyên, môi trường được chú trọng.

Tuy nhiên, các đại biểu Trần Xuân Hùng (đoàn Hà Nam), Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), Đỗ Ngọc Niệm (đoàn Bình Thuận) băn khoăn, trong quá trình phục hồi nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Tổng cầu còn yếu, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, xử lý nợ xấu chậm, hiệu quả chưa cao. Tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại còn chậm...

Các đại biểu Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ, trong báo cáo chưa đề cập đến vì sao công tác phòng chống tham nhũng chưa có hiệu quả, nguyên nhân và giải pháp. Hay những khó khăn về cân đối ngân sách dẫn đến việc chưa tăng lương theo lộ trình… chưa thấy có trong báo cáo của Chính phủ. Hay nợ công tăng đang là vấn đề bức xúc trong nhân dân nhưng trong báo cáo còn nói rất mờ nhạt…

"Trong báo cáo trong Chính phủ có rất nhiều vấn đề chưa được đề cập đến. Vì vậy, chúng ta không nên nhìn vào con số lạc quan mà cần nhìn nhận thực tế để có quyết sách giải quyết cho thời gian tiếp theo" - đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) đề nghị trong thời gian tới cùng với mục tiêu “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô” là mục tiêu cơ bản, xuyên suốt thì cần “tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân” vì tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là góp phần tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, nếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn sâu hơn sẽ tác động tiêu cực đến chính sách tài khóa (khó khăn thu ngân sách) và chính sách tiền tệ (dòng tiền ách tắc và nợ xấu tăng lên), tăng trưởng, việc làm.

Đối với các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, để đạt tăng trưởng GDP khoảng 6,2%, đa số ý kiến đề nghị chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt tối thiểu là 30% GDP. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nên giữ theo Nghị quyết về Kế hoạch 5 năm của Quốc hội khoảng 5%-7% để tạo điều kiện điều hành linh hoạt các chính sách hỗ trợ tăng trưởng và việc làm.

Các đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh), Ma Thị Thúy (đoàn Tây Ninh) đề nghị, bội chi ngân sách nhà nước tính cả trái phiếu Chính phủ quyết liệt hơn và phấn đấu khoảng 6% GDP.

Đại biểu Nguyễn Văn Hải (đoàn Hà Giang) đề xuất: Trong thời gian tới, Chính phủ cần có giải pháp về thuế, lãi suất, hấp thụ vốn tín dụng đủ mạnh và thanh toán nợ đọng của các dự án sử dụng nguồn đầu tư công để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Rà soát, bổ sung các chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt hiệu quả rõ rệt hơn về giá trị gia tăng và nâng cao tính cạnh tranh nông sản phẩm, trong đó, xem xét, sửa đổi thuế giá trị gia tăng đầu vào của sản xuất nông nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và tăng nguồn lực đầu tư công. Thực hiện lộ trình cắt giảm, lồng ghép hợp lý các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Siết chặt quản lý sử dụng vốn ODA

Bày tỏ quan điểm của mình về việc sử dụng nguồn vốn ODA trong giai đoạn vừa qua, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) cho biết: "Chúng ta phải phân biệt nguồn vốn ODA có hai loại là ODA không hoàn lại và ODA hoàn lại. ODA hoàn lại liên quan nhiều đến nợ công và đối với các dự án ODA vay phải hết sức cẩn thận vì nó sẽ là nguyên nhân tăng nợ công."

Đại biểu đề nghị, các dự án ODA vay phải có ý kiến của Quốc hội trước khi đưa vào sử dụng vì nếu không nợ công sẽ tăng lên.

Đồng tình cao với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Tiên, đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, vốn ODA là nguồn hỗ trợ phát triển chính thức. Đến nay chỉ có một bộ phận nhỏ, viện trợ không hoàn lại còn phần nhiều là cho vay ưư đãi có điều kiện. Qua hơn 20 năm Việt Nam thu hút khoảng 78 tỷ USD, bình quân 3 tỷ USD/năm.

Chính phủ đã rất nỗ lực và nguồn vốn này đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội nhiều chương trình dự án đã phát triển tốt. Tuy nhiên thực tế cũng phát sinh nhiều bất cập thậm chí gây nên tình trạng thất thoát lãnh phí trong nhiều dự án làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình làm mất uy tín của Việt Nam đối với nhà tài trợ.

Chẳng hạn như vụ PMU 18, Huỳnh Ngọc Sĩ... nhưng đáng lưu ý tuy có những kiểm tra giám sát nhưng các vụ vi phạm lớn chỉ được phát hiện sớm do phía nước ngoài.

Theo đại biểu Lê Thị Nga, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hành lang pháp lý, ODA chủ yếu được điều chỉnh bởi Nghị định 18/CP-2013 của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng và hướng dẫn của các Bộ ngành và quy định của Nhà tài trợ, các quy định này phân tán hiệu qủa pháp lý thấp, hiệu quả công khai minh bạch và nhiệm vụ giải trình trong Nghị định 38 chỉ mang tính nguyên tắc mà chưa được cụ thể hóa vào quy trình của ODA dẫn đến chưa ngăn chặn cơ chế xin cho, cò dự án.

Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Quốc hội ban hành Luật quản lý sử dụng ODA, theo đó chú trọng quy định tiêu chí chấp nhận vốn ODA, công khai minh bạch trong phân bổ vốn và những dự án sử vốn ODA; buộc phản biện độc lập trước khi quyết định đồng thời quy định về trách nhiệm của Quốc hội, của người dân, mặt trận, báo chí và hiệp hội chuyên ngành trong quá trình quyết định và thực thi ODA.

Ngoài ra, Quốc hội cũng cần tiến hành giám sát ODA chỉ ra những khiếm khuyết trong chính sách, phân tích những mặt lợi và bất lợi của ODA từ đó có chiến lược có lựa chọn theo lộ trình giảm dần tiến tới chấm dứt ODA./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên