'Quý cô phủ bụi' và cuộc sống ám ảnh bởi bóng ma 11-9

Cập nhật: 11-09-2015 | 14:58:05

"Cứ như thể là tâm hồn tôi đã sụp đổ cùng những tòa tháp", người phụ nữ trong bức hình nổi tiếng về vụ khủng bố 11-9 sống với ám ảnh về ký ức kinh hoàng trong 10 năm và phải chiến đấu với bệnh ung thư trong năm cuối đời.

Bức hình nổi tiếng của Marcy Borders. Ảnh: AFP

Ngày 11-9-2001, Marcy Borders là một trợ lý pháp lý làm việc trên tầng 81 của Trung tâm Thương mại Thế giới số một. Khi chiếc máy bay số hiệu 11 của hãng American Airlines lao vào tòa nhà, đâm vào một vài tầng trên văn phòng của cô, cô đã chạy thoát xuống đường và sống sót.

"Tôi đang dọn dẹp bàn để chuẩn bị làm việc thì chiếc máy bay đâm vào. Tòa nhà bắt đầu rung lắc. Tôi như mất kiểm soát và hoảng loạn. Tôi cố gắng ra khỏi nơi đó", cô nói.

"Hàng trăm người cố gắng chạy ra ngoài. Tôi cứ nghĩ rằng chúng tôi sẽ chết. Tôi rất vui vì tôi có đủ sức để chạy ra ngoài. Có nhiều người bị thương, cảnh tượng quá kinh hoàng", Borders nói.

Một người lạ kéo cô vào một hành lang gần đó, nơi nhiếp ảnh gia hãng AFP Stan Honda chụp ảnh cô: khuôn mặt thất thần, cơ thể phủ đầy tro bụi. Hình ảnh này sau đó nằm trong danh sách 25 bức ảnh có sức mạnh nhất của tạp chí Time. Thế giới biết đến Borders với cái tên "quý cô phủ bụi".

Ám ảnh

Bức ảnh nổi tiếng dường như cũng là biểu tượng cho những rắc rối cô gặp phải sau sự kiện 11-9. Cô bị ám ảnh bởi ký ức vào sáng hôm đó. Cô phải đấu tranh với chứng trầm cảm và lạm dụng chất gây nghiện.

"Cuộc sống của tôi vượt ra ngoài vòng kiểm soát. Tôi không làm bất kỳ một công việc nào trong gần 10 năm, và đến năm 2011, tôi hoàn toàn bế tắc", Borders nói với New York Post vào tháng 6/2011". Mỗi lần nhìn thấy máy bay, tôi đều hoảng sợ. Nếu tôi thấy một người đàn ông trên một tòa nhà, tôi sẽ nghĩ rằng anh ta sắp bắn tôi".

"Cứ như thể là tâm hồn tôi đã sụp đổ cùng những tòa tháp", cô nói. "Tôi bắt đầu hút cocaine, bởi vì tôi chẳng còn muốn sống".

Sau khi bị mất quyền nuôi hai đứa con, Borders đi cai nghiện vào tháng 4-2011, 8 ngày trước khi Tổng thống Obama thông báo về cái chết của Osama bin Laden trên truyền hình.

"Việc điều trị giúp tôi tỉnh táo lên, nhưng vụ tiêu diệt bin Laden là một món quà", cô nói. "Tôi từng bị mất ngủ vì ông ta. Tôi mơ thấy ác mộng rằng bin Laden đánh bom nhà tôi, nhưng bây giờ tôi đã bình tâm", cô nói.

Borders rời trại cai nghiện vào tháng 5-2011, và lấy lại quyền nuôi con gái Noelle và con trai Zay-den.

Marcy Borders và con trai năm 2011. Ảnh: Nypost

Chiến đấu với bệnh tật

Theo The Guardian, Borders mùa hè năm ngoái bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày và phải trải qua một đợt điều trị hóa chất. Borders tin rằng việc tiếp xúc với bụi bặm từ đống đổ nát của các tòa nhà trong vụ 11/9 là nguyên nhân khiến cô mắc bệnh.

"Tôi tự hỏi bản thân rằng liệu thứ đó có kích thích sự phát triển tế bào ung thư trong mình hay không? Tôi tin là có, vì tôi vốn không bị bệnh nào cả. Tôi không bị cao huyết áp, cholesterol cao hay tiểu đường", Borders nói.

"Sao có chuyện đang khỏe mạnh thì bỗng dưng mắc bệnh ung thư được", cô nói. Borders qua đời vào ngày 24-8 ở tuổi 42.

"Mẹ tôi đã kiên cường chiến đấu với căn bệnh. Bà không chỉ là 'quý cô phủ bụi', mà còn là người hùng và sẽ sống mãi trong tim tôi", Noelle, con gái của Borders, nói.

Thị trưởng thành phố New York, Bill Di Blasio, viết trên trang Twitter cá nhân rằng: "Sự ra đi của Marcy Borders làm chúng ta nhớ đến bi kịch mà thành phố phải trải qua 14 năm trước đây. New York chia sẻ nỗi đau với người thân của cô".

"Tôi không thể tin rằng em gái tôi đã ra đi", Michael Borders, chị gái của Marcy viết trên Facebook. Em họ của Marcy là John Borde cũng chia sẻ thêm rằng cô là một "người hùng" và cô "không may qua đời vì căn bệnh đã xâm nhập vào cơ thể kể từ ngày 11-9 định mệnh đó".

Hàng nghìn người có mặt tại hiện trường vụ khủng bố trong và sau ngày 11-9, bao gồm nhân viên cấp cứu, những người sống sót và dân địa phương, sau đó bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

Nhiều nghiên cứu được tiến hành trong 14 năm qua cho thấy nhiều nhân viên cứu hộ và người làm việc tại trung tâm thành phố vào thời điểm vụ tấn công mắc bệnh về đường hô hấp. Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Lao động Selikoff năm ngoái nói rằng có ít nhất 1.646 nhân viên cứu hộ mắc bệnh ung thư.

"Tôi mất rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp trong và sau ngày bi thảm đó. Nỗi đau trong quá khứ tưởng đã lắng xuống thì nay lại quay trở lại", John nói.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên