Quy định đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông không mất phí: Ngân hàng và người dân đều… nhẹ lòng!

Cập nhật: 13-12-2013 | 00:00:00

 Thay vì phải trả mức phí 4% trên tổng giá trị tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông (TCLT), từ ngày 20-1-2014, cá nhân, tổ chức, người có nhu cầu đổi tiền rách, hỏng tại các đơn vị thu đổi hoặc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không bị thu bất cứ lệ phí nào. Quy định mới là tin vui đối với người dân.  

 Nhân viên quản lý quỹ kiểm tra tiêu chuẩn từng loại tiền

NHNN vừa ban hành Thông tư số 25 quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Về cơ bản, nội dung của văn bản này không có nhiều sự thay đổi so với quy chế đổi tiền theo Quyết định số 24/2008/ QĐ-NHNN ngày 22-8-2008 của NHNN. Tuy nhiên, văn bản này có điểm mới là không đề cập đến phí đổi tiền như quy định trước đây. Đặc biệt, đối với tiền rách nát, hư hỏng, phai màu… do quá trình lưu thông và bị lỗi kỹ thuật do quá trình in, đúc của nhà sản xuất, người có nhu cầu sẽ được đổi mà không yêu cầu thủ tục giấy tờ và không hạn chế số lượng.

Như vậy, Quyết định số 24 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 20-1-2014 khiến nhiều người dân, đặc biệt là người có liên quan đến công tác kiểm đếm, thu chi tiền mặt cảm thấy nhẹ lòng. Cô H., nhân viên ngân quỹ của một cơ quan hành chính sự nghiệp (đề nghị không nêu tên) tại phường Phú Hòa (TP.TDM), kể rằng: Hàng tháng, cô phải đến Kho bạc tỉnh để rút tiền, phát lương, thưởng cho người lao động. Cả gói tiền cô rút về còn nguyên vẹn tem niêm phong. Vậy mà đến khi phát tiền, cô nhiều lần phát hiện loại tiền polymer 50.000 đồng, 100.000 đồng bị mất góc, quăn queo, còn loại tiền 10.000 đồng, 20.000 đồng hay có tình trạng thay đổi màu sắc hoặc màu mờ nhạt. Một vài lần, cô cũng yêu cầu nhân viên kiểm ngân nhận và đổi tiền nhưng thấy thủ tục nhiêu khê và ngại phiền toái, đành phải chi trả lại cho người trong cơ quan. Người dễ tính thìcho qua, nhưng đôi khi cũng bị cự nự, buộc phải đổi lại tiền. Đến cuối năm 2011, khi tập hợp số tiền khoảng một triệu đồng, đến ngân hàng thương mại yêu cầu đổi tiền nguyên vẹn thìbị nhân viên ngân hàng từ chối vìlý do làm không ngơi tay nên không thể kiểm, đếm tiền hư, rách. Đến NHNN chi nhánh Bình Dương, cô phải nộp phí 35.000 đồng bởi tiền bị biến dạng do chủ quan, sơ suất. Từ đó đến nay, cô “tuyển” tiền rất cẩn thận nhưng cũng không thể kiểm soát hết tình trạng các loại tiền thu về. “Tự bỏ tiền túi ra bù phí, vài ngàn đồng thìkhông vấn đề gìnhưng tôi cảm thấy dường như đó là tai họa từ trên trời rơi xuống khi vô tình nắm giữ những tờ tiền không thể sử dụng được do rách, hỏng”, cô H. tâm sự.

Không riêng cô H., nhiều người cũng từng gặp trường hợp tiền giấy bị sứt mẻ, nhăn nheo, dán băng keo… khi rút tiền tại các ATM hay trong quá trình giao dịch mua bán nhưng phần lớn đều có tâm lý e ngại mất công, mất phí. Chính vìvậy, những tờ tiền cũ, nát cứ bị cài, xếp lẫn lộn trong lúc mua bán đông người, xem như thiệt thòi về phía người bất cẩn. Chị Bé, tiểu thương quầy rau quả tại chợ Thủ Dầu Một, Bình Dương, cho biết: “Mỗi lần tôi đi nộp tiền vào tài khoản, hay gửi tiết kiệm thìnhân viên ngân hàng rất nhanh nhẹn còn khi đổi tiền hư, rách thìrất khó khăn. Thấy nhân viên ngân hàng không nhiệt tình khi đổi tiền không đủ TCLT cho người dân, tôi đâm ra ngán ngại. Sau này, khi gặp những tờ tiền bị hư, rách nhiều, tôi mới nhờ người quen đổi giùm. Còn đa phần vẫn giữ lại đồng tiền và cố tìm cách tiêu thụ”, chị Bé tâm sự.

Việc thu đổi tiền không đủ TCLT là chủ trương đãcó từ lâu của NHNN. Trực tiếp thực hiện thu đổi là các ngân hàng thương mại và kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế mang tính khuyến khích nên thời gian qua, việc ngại đến ngân hàng để đổi tiền cũ, hư, rách không chỉ nặng nề trong suy nghĩ của người dân và cả ngân hàng. Một nhân viên quản lý quỹ của ngân hàng S trần tình: “Hàng ngày, phải phục vụ một lượng khách hàng khá lớn, nhân viên giao dịch hầu như không ngơi tay nên không mặn mà với việc đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho người dân. Bên cạnh đó, việc xác định đâu là tiền rách do cố ý hay vô tình thìhoàn toàn do cảm quan của người trực tiếp thu tiền”.

Theo kết quả khảo sát gần đây của NHNN Việt Nam, thực tế trong đời sống tại Việt Nam, đồng tiền rất dễ bị nhiễm bẩn và có tuổi thọ thấp do ý thức bảo quản của người dân còn hạn chế như vẽ nguệch ngoạc, xếp hình thú, giặt đồ, bẻ gập tờ tiền… Đó là chưa kể đến những trường hợp khách quan như hỏa hoạn hay vìbão lũ mà lượng tiền hư hỏng rất nhiều. Nếu tính 4% phí với các món tiền không đủ TCLT cần đổi thìgây khó khăn cho người dân. Do vậy, quyết định không hạn chế số lượng, không yêu cầu thủ tục giấy tờ và nhất là không thu phí khi đổi tiền không đủ TCLT là niềm vui với người dân.

Theo Thông tư 25/TT-NHNN, tiền không đủ TCLT (tiền cotton, polymer và tiền kim loại) được thu đổi phải đáp ứng các điều kiện do NHNN phát hành, đang lưu hành hợp pháp; tiền hư hỏng không phải do hủy hoại; tiền bị cháy, thủng, rách mất một phần thìdiện tích còn lại phải ≥ 60% diện tích tờ tiền cùng loại; nếu được can dán thìtối thiểu bằng 90% diện tích tiền cùng loại… Riêng tiền polymer bị cháy hoặc biến dạng co nhỏ lại thìdiện tích còn lại tối thiểu phải bằng 30% so với diện tích tờ tiền cùng loại… Khách hàng có nhu cầu đổi tiền tại các đơn vị thu đổi, không hạn chế số lượng, không yêu cầu thủ tục giấy tờ. Trường hợp tiền chưa xác định được điều kiện đổi và cần giám định, khách hàng phải có giấy đề nghị đổi tiền.

THANH HỒNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên