Quy hoạch mạng lưới xăng dầu Bình Dương: Bảo đảm cho nhu cầu phát triển

Cập nhật: 29-09-2012 | 00:00:00

Bình Dương có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, đô thị hóa mạnh mẽ nên để phục vụ cho nhu cầu trong tương lai gần cần phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu rộng khắp và đồng bộ.

Nhu cầu liên tục tăng

Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu xăng dầu trong những năm qua của Bình Dương liên tục tăng. Theo số liệu điều tra vào thời điểm cuối năm 2009, nhu cầu xăng dầu của Bình Dương lên đến 440 ngàn m3, tức xấp xỉ gấp đôi so với năm 2005, tốc độ tăng bình quân là 13%. Như vậy, không khó để dự đoán con số rất cao vào các năm tới, khi mà tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa của Bình Dương ngày càng gia tăng.

 Hệ thống cửa hàng xăng dầu Bình Dương sẽ đồng bộ và hiện đại hơn trong tương lai, đáp ứng đầy đủ nhu cầu người dân  Tuy nhiên, hệ thống xăng dầu hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, cửa hàng phân bố chưa hợp lý, quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng tốt nhu cầu của các ngành sản xuất và các phương tiện vận tải. Theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 thì quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã và sẽ dẫn đến những thay đổi về quy mô và phân bố của các ngành sản xuất, các cụm dân cư tập trung. Sự hình thành các khu đô thị lớn, các khu - cụm công nghiệp, sự gia tăng dân số, thu nhập và đời sống dân cư được cải thiện… sẽ làm gia tăng nhu cầu sử dụng các phương tiện, máy móc, thiết bị cần dùng nhiên liệu là xăng, dầu. Hơn thế nữa, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu còn phát sinh mạnh mẽ từ hàng loạt các dự án phát triển giao thông đang được triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng, phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Việc phân bố mạng lưới kinh doanh xăng dầu cũng không đều, đa số các cửa hàng xăng dầu đều nằm trên những trục lộ chính như quốc lộ 13 (61,55 km có 47 cửa hàng), quốc lộ 1A (7,3 km với 12 cửa hàng), quốc lộ 1K (5,68 km có 7 cửa hàng), đường ĐT741 (51,1 km với 32 cửa hàng), đường ĐT743a (26 km với 25 cửa hàng) và các đường tỉnh khác như ĐT746, ĐT747, ĐT742..., tập trung nhiều ở các địa bàn Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát mà ít tập trung ở các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng. Nếu như Tân Uyên nhiều nhất, có đến 72 cửa hàng xăng dầu thì Phú Giáo chỉ có 19 cửa hàng phục vụ cho một địa bàn rất rộng lớn.

Sẽ đồng bộ và hợp lý hơn

Quy hoạch mạng lưới xăng dầu đến năm 2020 sẽ góp phần phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật và xây dựng, các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật. Ngoài ra, thực hiện theo quy hoạch sẽ huy động được nguồn vốn các thành phần kinh tế, thúc đẩy quá trình đầu tư, tái đầu tư của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; mở rộng thị trường cung ứng xăng dầu cho các tỉnh.

Hiện nay, Bình Dương có 306 đại lý bán lẻ xăng dầu (302 cửa hàng trên đường bộ và 4 tàu trên sông) được tổ chức nằm trong mạng lưới phân phối của các doanh nghiệp đầu mối như Công ty Thanh Lễ, Công ty Xăng dầu Sông Bé và 3 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu là Công ty Xăng dầu Phú Lợi, Công ty Cổ phần Thương mại Thuận An và Công ty TNHH Huy Hồng đã góp phần phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Công ty Thanh Lễ và Công ty Xăng dầu Sông Bé đã có kho dự trữ xăng dầu có sức chứa là 53.100m3, trong đó Công ty Thanh Lễ chiếm 51.600m3 đủ để phục vụ nhu cầu trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, trong thời gian tới, dự kiến Công ty Thanh Lễ sẽ tiếp tục đầu tư thêm 1 - 2 kho xăng dầu có sức chứa 20.000m3 để tăng cường khả năng cung ứng.

Số cửa hàng xăng dầu cũng được tăng lên đến 488 cửa hàng, được phân bổ rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy hoạch cũng ưu tiên phát triển hệ thống cửa hàng mới ở 2 địa phương còn đang thiếu là Phú Giáo và Dầu Tiếng. Cụ thể, Phú Giáo sẽ được phép mở thêm 30 cửa hàng và Dầu Tiếng là 27, gấp 3 lần TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An và TX.Dĩ An cộng lại. Điều đó cho thấy, tỉnh mà cụ thể là Sở Công Thương đang nỗ lực điều chỉnh hệ thống cửa hàng cung ứng xăng dầu đồng bộ và hợp lý hơn.

Song song với quá trình quy hoạch, xây mới hệ thống cửa hàng cung ứng xăng dầu, UBND tỉnh cũng quy định đến năm 2015, tùy thuộc vào tuyến đường, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu và điều kiện cụ thể của từng cửa hàng, từng bước nâng cấp 12 cửa hàng xăng dầu cho phù hợp với quy mô, cấp độ theo quy hoạch này. Nếu đến hết năm 2015, các chủ đầu tư chưa chấp hành việc nâng cấp thì cửa hàng sẽ bị giải tỏa theo quy định của quy hoạch. Ngoài ra, hiện nay toàn tỉnh cũng có 4 cửa hàng thuộc diện giải tỏa. Bình Dương ưu tiên phát triển các cửa hàng xăng dầu loại I và loại II với diện tích mặt bằng lớn có khả năng phát triển mở rộng sau này, bảo đảm có thể cung cấp các dịch vụ đi kèm như trạm dừng chân, dịch vụ sửa chữa - bảo dưỡng - rửa xe, dịch vụ bán hàng tự chọn…

MINH NGUYỄN 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên