Quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ – Bài 1

Cập nhật: 21-12-2015 | 09:07:10

 

Bình Dương đã thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (LS). Trong đó, lực lượng nòng cốt cho công tác này là các cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, cựu chiến binh (CCB) cũng ngày đêm tìm hài cốt đồng đội để vẹn tròn lời hứa trong chiến tranh. Nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), chúng tôi viết về họ như một lời cảm ơn đã góp sức để Bình Dương thực hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

 

Bài 1: Càng khó càng quyết tâm

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước hòa bình, thế nhưng vẫn còn đó ánh mắt mẹ già chờ con, vợ chờ chồng, hay người con mong cha đang nằm yên dưới lòng đất chưa tìm được hài cốt. Do đó, nhiệm vụ đặt trên vai các cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, huyện (đơn vị nòng cốt) phải đưa được các anh về với gia đình, đem niềm an ủi cho các mẹ, các chị.


Dù khó khăn nhưng lực lượng quy tập, tìm kiếm hài cốt vẫn vững niềm tin sẽ đưa được LS về với đồng đội, người thân.
Trong ảnh: Lực lượng dân quân của Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS huyện Dầu Tiếng quy tập hài cốt tại xã Định Hiệp. Ảnh: T.LÝ

Đưa các anh về

Trong cái nắng gay gắt những ngày giữa tháng 12, trên gương mặt của lực lượng dân quân xã Tân Long, cán bộ Ban CHQS huyện Phú Giáo và cán bộ Bộ CHQS tỉnh nhễ nhại mồ hôi. Vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, các anh vẫn tích cực đào từng mét đất để tìm kiếm hài cốt LS. Anh Hoàng Văn Nụ (SN 1964), trợ lý chính sách, Bộ CHQS tỉnh nói, nhận được tin báo ở đây có phần mộ chôn cất LS, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với Ban CHQS huyện Phú Giáo, UBND xã Tân Long lấy ý kiến CCB, người lớn tuổi trong xã để khoanh vùng tìm kiếm. Đội tìm kiếm được CCB cung cấp thông tin, năm 1968, nơi đây có thành lập trạm quân y dã chiến để chăm sóc sức khỏe cho những chiến sĩ bị thương. Phát hiện, địch đã ném bom phá hủy trạm quân y dã chiến, 65 chiến sĩ, cán bộ quân y đã mãi mãi nằm xuống khi tuổi đời còn mười tám, đôi mươi. Sau đó, các anh được nhân dân chôn chung một mộ.

Từ sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, cũng như nỗ lực tìm kiếm của lực lượng vũ trang, phối hợp từ phía các đơn vị, công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt LS trên địa bàn tỉnh và đã đạt được nhiều kết quả. Giai đoạn 2013-2015 đã tìm kiếm, quy tập, đưa 118 hài cốt LS về yên nghỉ tại các NTLS, nâng tổng số hài cốt đang quản lý tại 6 NTLS tỉnh lên 13.000 hài cốt, trong đó mới có gần 8.700 hài cốt có thông tin về LS, còn lại chưa xác định được danh tính.

Gần 50 năm trôi qua, những dấu vết để lại của mộ tập thể đã phai mờ. Khu vực được xác định có hài cốt LS ở ấp 7, xã Tân Long nay là vườn cây cao su xanh ngát. Sau 4 ngày tìm kiếm, đào bới, các anh vẫn chưa tìm thấy hài cốt LS. Vững niềm tin sẽ tìm được, đưa LS về với gia đình, đồng đội, đội tìm kiếm vẫn tiếp tục đào xới đất. Được chứng kiến cảnh các anh trong đội tìm kiếm, chúng tôi mới cảm nhận hết những khó khăn mà những người làm công tác quy tập hài cốt LS phải trải qua.

Sau một hồi đào xới, các anh cũng đã thấm mệt và quay quần lại nghỉ ngơi. Bên chén nước trà xanh, các anh kể cho nhau nghe những kỷ niệm trong suốt thời gian đi tìm hài cốt LS. Trong đó, có câu chuyện về việc tìm kiếm hài cốt LS tại khu phố 3, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một. Theo các nhân chứng, nơi đây có 3 LS đã hy sinh năm 1968 được người dân chôn cất dưới một cái giếng có độ sâu khoảng 14m nên việc đào tìm của các lực lượng diễn ra hết sức khó khăn. Song, với sự quyết tâm phải tìm và đưa các LS về nghĩa trang, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo phối hợp phân công lưc lượng, đầu tư phương tiện, vật chất cần thiết như xe cuốc đất, xe hút nước, hút bùn để thực hiện việc đào tìm… Sau 9 ngày tìm kiếm, lực lượng phát hiện và cất bốc hài cốt các LS nằm ở độ sâu 14m.

Anh Hoàng Văn Nụ, người có thâm niên trong việc tìm hài cốt LS chia sẻ, chiến tranh lùi xa, việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt LS càng trở nên khó khăn. Các phần mộ không còn, khu đất xác định có mộ thì nay địa hình đã thay đổi. Có nhiều phần mộ phải tìm kiếm hàng tháng, hay hàng năm mới tìm được. Tuy nhiên, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đều có quyết tâm cao, phát huy hết tinh thần trách nhiệm, khả năng để làm việc có hiệu quả. Trước mỗi chuyến đi, đơn vị có kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện và sử dụng lực lượng phù hợp để tìm kiếm. Tính từ năm 2010 đến nay, đội của anh đã quy tập hơn 200 hài cốt LS đưa về nghĩa trang liệt sĩ (NTLS).

Hạnh phúc vỡ òa

Việc tìm kiếm hài cốt LS được triển khai không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mà còn đem lại niềm vui cho các mẹ, các chị. Sau bao nhiêu năm xa cách, mẹ được thắp lên phần mộ của con những nén nhang thơm, vợ được gặp chồng…

Như bao người mẹ Việt Nam anh hùng khác, con hy sinh không tìm được hài cốt, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ba (ấp Đồng Trai, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng) ngày đêm mong chờ. Giấc mơ cuối đời của mẹ là tìm thấy con được đưa về để mẹ lo nhang khói. Ngày nghe tin hài cốt của đứa con thân yêu Nguyễn Văn Tới (SN 1949) được cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện đưa về an táng tại NTLS huyện, mẹ nhất quyết bắt đứa con gái đưa đến nhìn con. Chị Nguyễn Thị Mười (SN 1956), con gái mẹ Ba kể, suốt những năm tháng mong mỏi tin anh Tới, mẹ chẳng còn nước mắt để khóc nữa. Mẹ luôn mong được gặp anh trước khi “nhắm mắt xuôi tay”, nhờ Đảng, Nhà nước và quân đội đã đưa anh Tới về với mẹ.

Niềm an ủi đến với mẹ cũng là niềm an ủi của hàng ngàn gia đình đã tìm được hài cốt chồng, cha, anh. Tại NTLS tỉnh những ngày lễ, tết, chúng tôi gặp rất nhiều người mẹ, người vợ, người con thắp lên phần mộ người thân những nén nhang thơm. Đi từ Thanh Hóa đến thăm cha, bà Trần Thị Nghìn (55 tuổi) không giấu được niềm xúc động nói, ngày cha mất gia đình chỉ nhận được giấy báo tử chứ không biết chính xác nơi chôn cất để đưa hài cốt trở về. Năm 2012, bà được báo tin hài cốt của cha được đưa về chôn cất tại NTLS tỉnh, gia đình xúc động lắm. Bà cảm ơn Bình Dương đã giúp gia đình tìm được cha, được ông.

Qua niềm hạnh phúc vỡ òa của mẹ Ba, bà Nghìn có thể thấy việc đưa hài cốt LS trở về không chỉ làm dịu đi nỗi đau của gia đình thân nhân LS, mà còn đem lại cho hàng triệu người dân lòng tin vào chế độ, chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước ta. Trong mùi hương trầm ngan ngát thắp lên phần mộ của các anh tại các NTLS, tôi như thấy được giai điệu trầm hùng trong câu hát “Việt Nam trên đường chúng ta đi, nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó, nghe sóng biển ầm vang xa tận cuối chân trời…”. Giờ đây, linh hồn và thân thể các anh đang về với đất mẹ, với gia đình, bên cạnh đồng đội yêu thương.

Ông TRẦN THANH LIÊM, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh:

Trên địa bàn tỉnh còn nhiều phần mộ LS nằm rải rác, lượng thông tin về các phần mộ ít, thậm chí là không có thông tin. Đây chính là những khó khăn, thách thức đặt ra cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt LS. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực của cơ quan chuyên môn, sự chung sức đồng lòng của các cấp, ngành chức năng và người dân trong tỉnh. Đây là hoạt động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đền đáp lại một phần sự hy sinh xương máu các lớp cha anh đã ngã xuống vì Tổ quốc. Vì vậy, các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh phải đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt LS, sớm đưa hương hồn các LS trở về an nghỉ nơi đất mẹ.

 

TỐ TÂM

Bài 2: Thực hiện ước nguyện với đồng đội

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên