Quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ- Bài 2

Cập nhật: 22-12-2015 | 09:03:22

Bài 2: Thực hiện lời hứa với đồng đội 

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng những cựu chiến binh (CCB) vẫn miệt mài tìm hài cốt đồng đội. Lặn lội khắp các chiến trường, băng rừng, lội suối, họ đã đưa hàng trăm hài cốt liệt sĩ (LS) về đoàn tụ với gia đình. Đây là một việc làm ý nghĩa thực hiện lời hứa với đồng đội, đồng thời giúp “ấm lòng” các LS khi những hy sinh được đền đáp. 

 

Các CCB Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 thắp nhang cho đồng đội tại NTLS huyện Lộc Ninh (Bình Phước)

Mãi mãi nhớ nhau

Được sự giới thiệu của Hội CCB TP.Thủ Dầu Một, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Đây ở khu phố 9, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một. Ông vừa cùng nhóm CCB Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 đến thăm, thắp nhang cho đồng đội tại NTLS tỉnh Bình Dương, NTLS huyện Lộc Ninh, Bình Long (tỉnh Bình Phước).

Ông Đây nói: “Như một lời hứa với đồng đội, những người đã ngã xuống vì độc lập, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4), Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12), chúng tôi lại tổ chức đi thăm, thắp nhang cho đồng đội. Không những thế, chúng tôi còn chung sức tìm kiếm, quy tập và đưa hàng trăm hài cốt LS về với gia đình, với quê hương”.

Ông Đây sinh ra tại Hải Phòng, năm 1973, ông được điều vào Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương tăng cường lực lượng kháng chiến. Ông còn góp sức cùng đồng đội giúp Campuchia dẹp nạn diệt chủng Polpot - Ieng Sari. Trở về Việt Nam những năm 1989, ông tiếp tục công tác trong quân đội đến 2005 nghỉ hưu và chọn Phú Lợi làm nơi dừng chân.

Hiện nay, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội CCB phường Phú Lợi. Trầm ngâm trước tấm ảnh chụp quang cảnh NTLS huyện Lộc Ninh ông nói, trong đây có nhiều đồng đội của ông đã nằm xuống được các ông đưa về chôn cất. Trong chiến trường, trải qua nhiều trận đánh, những người chiến sĩ năm xưa luôn dành cho nhau những tình cảm đẹp nhất.

Họ không bao giờ so đo tính toán mà luôn giành phần khó về mình, giành phần nguy hiểm để đồng đội được tiếp tục sống. Khi may mắn được sống sót ai cũng tâm niệm phải đưa được đồng đội về với gia đình, quê hương như một lời cảm ơn sâu sắc.

Cũng như ông Đây, tuổi đã cao, mắt mờ nhưng không cản được lòng nhiệt huyết của CCB Nguyễn Minh Chánh (SN 1949, ấp Xóm Lẫm, xã Thanh Tuyền, Dầu Tiếng). Hơn 30 năm nay, ông đi tìm hài cốt đồng đội và cùng đồng đội tìm được hơn 400 hài cốt đưa về NTLS huyện Dầu Tiếng, NTLS tỉnh, cũng như đưa đồng đội về với gia đình.

Ông Chánh nguyên là Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Bến Cát, phụ trách khối nội chính. Năm 1963 ông tham gia đội trinh sát, chiến đấu tại khu Tam giác sắt, chiến trường Đồng Nai, Tây Ninh...

Ông trăn trở: “Tôi đã tham gia nhiều trận chiến đấu cùng đồng chí, đồng đội, chứng kiến bao người đã ngã xuống, khiến tôi rất đau lòng. Hơn nữa, còn bao người mẹ đang chờ tin con, vợ đi tìm chồng và cả những đứa con chưa một lần thấy mặt cha cũng ngày đêm mong ngóng. Đó chính là sức mạnh để tôi đi tìm những phần mộ của họ”.

Gần đây nhất, ông cùng gia đình, đồng đội tìm được hài cốt của LS Trần Quang Dinh, Phạm Quang Thành đưa về quê hương. Ông Chánh nói, ông có thời gian đi công tác chung với 2 đồng chí đó. Trong trận phục kích của địch năm 1972, đoàn bị địch bắn chết rất nhiều người.

Ông may mắn sống sót và đã chôn cất 2 LS Thành, LS Dinh. Khi được gia đình báo tin tìm hài cốt LS Thành, Dinh, ông sốt sắng đi tìm. Khu ông chôn cất 2 LS ngay bên dòng suối Cau (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) nên khi tìm cũng không mấy khó khăn.

Lúc đưa LS Dinh về nhà, mẹ LS đã bị bệnh tai biến nằm một chỗ nhưng thấy hài cốt con trai, bà cố gắng ngồi dậy, ôm lọ hài cốt khóc nức nở. Chứng kiến cảnh tượng đó, ai cũng rơi nước mắt.

Tâm huyết những CCB như ông Đây, ông Chánh gặp không ít khó khăn khi đi tìm hài cốt LS. Nhiều khi phải lặn lội cùng người thân LS trong rừng cả tháng trời. Chuyện đói cơm, khát nước là điều không tránh khỏi. Thế nhưng dù khó khăn, vất vả cũng không ngăn được bước chân các ông.

Nghĩa tình đồng đội

Trong chiến đấu, đoàn kết luôn là sức mạnh để đánh đuổi quân thù, thời bình những CCB năm xưa nguyện gắn bó keo sơn để giúp nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Khi đời sống tương đối ổn định, họ lại trầm ngâm trước những đồng đội đã hy sinh để mình được sống. Và rồi những trăn trở đó “biến” thành động lực để họ ngày đêm cùng nhau đi tìm hài cốt đồng đội.

Trong căn nhà nhỏ của ông Hoàng Bá Thái, thành viên Ban liên lạc truyền thống CCB - Tiểu đoàn 28 Đặc công Sư đoàn 7 (khu phố 9, P.Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một), chúng tôi gặp 6 người tuổi ngoài 60.

Các ông tuy đã có tuổi nhưng không bao giờ từ bỏ mong ước tìm được hài cốt đồng đội đưa về với người thân. Các ông đã cùng nhau tìm được 35 hài cốt LS. Ông Hoàng Bá Thái nói: “Chúng tôi đều là những người tham gia kháng chiến từ Bắc vào Nam những năm trước 1975.

Sau khi hòa bình lập lại, nỗi nhớ đồng đội đã thôi thúc chúng tôi lên đường đi tìm kiếm hài cốt, cũng như những đồng đội còn sống” .

Dẫu biết rằng cảnh vật, địa hình khi xưa nay đã thay đổi nhiều khiến việc xác định mộ phần của đồng đội khó trăm bề, thế nhưng khi nghĩ đến đồng đội mình lạnh lẽo nơi xứ người mà những thành viên trong ban lòng cứ quặn đau. Theo các ông, quá trình tìm hài cốt đồng đội khó nhất là xác định vị trí.

Khi đã xác định được vị trí chôn cất, mọi người khoanh vùng và phối hợp với dân địa phương để xác định địa hình xưa và nay. Nhiều trường hợp xác định nhầm vị trí, phải ở lại tìm đến vài ngày, vài tuần mới tìm thấy.

Thế nhưng, nỗi vất vả đó bỗng tan biến khi những bàn tay chai sần, đầy vết súng đạn tìm được đồng đội đã ngã xuống. “Chúng tôi nhớ như in, hình ảnh những thân nhân gia đình LS nức nở khi thấy được người thân. Cảnh người mẹ già run run xúc động trước hài cốt của con và cứ rối rít cảm ơn, khiến lòng chúng tôi thêm quặn thắt, khó tả. Mỗi lần như vậy càng tăng quyết tâm để chúng tôi tiếp tục lên đường”, ông Thái bộc bạch.

Chứng kiến lễ tưởng niệm 39 LS thuộc C13-D3-E696-F5 hy sinh ngày 29-11-1986 được những CCB từng tham gia làm nghĩa vụ quốc tế trên đất Campuchia tại TX.Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên tổ chức hàng năm giúp chúng tôi thấu hiểu những hy sinh anh dũng của người lính trong cuộc chiến đấu, nơi sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc. Tuy nhiên, trong khói lửa, đạn bom hay trong đời thường, tình đồng đội vẫn luôn gắn kết, đùm bọc như anh em một nhà.

Ông Nguyễn Văn Hương, Chủ tịch Hội CCB xã Lạc An (Bắc Tân Uyên), người đứng ra kêu gọi tổ chức lễ tưởng niệm cho biết, ngày 26-2- 1986 những người con của tỉnh Sông Bé cũ (nay là tỉnh Bình Dương), được lệnh lên đường nhập ngũ giúp nhân dân Campuchia truy bắt tàn quân của chế độ diệt chủng Polpot - Ieng Sari.

Trong trận đánh ác liệt ngày 29-11-1986 đã cướp đi mạng sống của 39 đồng đội. Để thực hiện lời hứa với đồng đội, CCB chiến đấu tại chiến trường Campuchia kết hợp với CCB của các tỉnh, thành khác tổ chức nhiều chuyến trở về chiến trường xưa tìm những phần mộ, hài cốt của đồng đội mình năm xưa.

Năm 1998, toàn bộ hài cốt 39 LS được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà. Ngoài ra, các CCB gây quỹ để thăm hỏi, giúp đỡ gia đình của 39 LS, hỗ trợ những CCB có hoàn cảnh khó khăn vay vốn, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, giúp đỡ nhau đi lên trong thời bình như đã từng gắn kết, đùm bọc nhau trong thời chiến.

Bước qua tuổi 60, 70, 80, 90 cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi vui vầy bên con cháu, nhưng những CCB vẫn ngày đêm trăn trở vì các đồng đội đã hy sinh. Cái tâm, cái tình của họ khiến bao người cảm động, trân trọng. Họ xứng đáng là tấm gương sáng giáo dục thế hệ thanh niên hôm nay cần phải biết sống có trách nhiệm, sống hết mình vì Tổ quốc thân yêu.

 T.LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên