Quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm

Cập nhật: 24-02-2012 | 00:00:00

Trước những diễn biến hết sức phức tạp của dịch cúm gia cầm (GC) tại một số địa phương, các cơ quan hữu quan Bình Dương đã quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm phòng ngừa một cách chủ động và có hiệu quả với loại dịch bệnh nguy hiểm này.

Chủ động phòng chống

Tình đến thời điểm này, cả nước còn 10 tỉnh có dịch cúm GC chưa qua 21 ngày, tình hình dịch bệnh tại một số địa phương đang diễn biến hết sức phức tạp. Tại Bình Dương, đàn GC tại một số huyện như Phú Giáo, Tân Uyên, Dầu Tiếng nhiều, nhưng hầu hết được nuôi tập trung; lượng thủy cầm trên địa bàn tỉnh rất ít, vì vậy không có nỗi lo về việc lây lan từ thủy cầm chạy đồng như các địa phương khác. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm GC tại một số địa phương, UBND tỉnh đã lên các kế hoạch triển khai các biện pháp phòng ngừa một cách chủ động với loại dịch bệnh này. Theo đó, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc triển khai các biện pháp phòng chống bệnh cúm GC. Chỉ thị yêu cầu lãnh đạo các sở ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thực hiện tốt các công việc cụ thể trên tinh thần chống dịch khẩn cấp; phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cúm GC chặt chẽ, đồng bộ và có hiệu quả.

 Người chăn nuôi gia cầm cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh để bảo vệ tài sản và sức khỏe của chính mình

Theo đó, Chi cục Thú y tỉnh cũng đã chuẩn bị 1,2 triệu liều vắc-xin H5N1 Re5 tổ chức tiêm phòng đồng loạt trên địa bàn tỉnh vào ngày 1-3 và ngành thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương từ nhân sự, dụng cụ, bảo hộ lao động cho người tham gia tiêm phòng cúm GC. Theo đó, đợt tiêm phòng này (đợt I-2012) sẽ tiêm phòng vắc-xin cúm GC cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các hộ chăn nuôi có quy mô dưới 2.000 con được miễn phí tiền vắc-xin. Các trang trại quy mô lớn hơn 2.000 con thì đăng ký với Chi cục Thú y mua vắc-xin cúm GC và tự tổ chức tiêm dưới sự giám sát của thú y địa phương.

 Song song đó, ngành thú y còn thực hiện “Tháng vệ sinh tiêu độc” nhằm chủ động, kịp thời ngăn chặn dịch bệnh gia súc, GC. Chi cục Thú y Bình Dương, cho biết “Tháng vệ sinh tiêu độc” trên địa bàn tỉnh được triển khai từ ngày 20-2 đến 20-3. Cùng với đó, ngành thú y còn triển khai các biện pháp giám sát cúm GC; lấy mẫu huyết thanh kiểm tra tại các vựa chim, nơi kinh doanh mua bán GC sống, hộ chăn nuôi; kiểm tra huyết thanh sau tiêm phòng vắc-xin cúm GC tại các hộ chăn nuôi và trang trại. Ông Tạ Trọng Khang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Dương, cho biết, Chi cục Thú y đã chỉ đạo cho cán bộ Chi cục Thú y phụ trách địa bàn phối hợp với trạm thú y, UBND các huyện, thị xã lập mạng lưới thông tin thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe đàn GC trên địa bàn địa phương. Nếu có diễn biến thất thường thì báo cáo ngay với Chi cục Thú y, nếu để chậm trễ sẽ bị xử lý. Bên cạnh đó, Chi cục Thú y sẽ tăng cường lực lượng, tăng cường hoạt động của các chốt kiểm dịch nhằm kiểm soát tốt việc vận chuyển GC và sản phẩm GC.

Người dân cần nâng cao cảnh giác

Đường dây nóng thông báo khi có dịch bệnh xảy ra

- Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Dương Trương Văn Đức: 0913.737602.

- Phó Chi cục trưởng Tạ Trọng Khang: 0913.782575.

- Phó Chi cục trưởng Trần Phú Cường: 0913.610675.

- Phó Chi cục trưởng Nguyễn Văn Đông: 0903.786377.

- Văn phòng Chi cục Thú y Bình Dương (đường 30-4, phường Chánh Nghĩa, TX.TDM. ĐT: 0650.3822012, Fax: 0650.3821431, Email: cctybinhduong@gmail.com).

Bình Dương là địa phương có thời gian dài không xuất hiện dịch cúm trên GC. Có được kết quả này là nhờ cơ quan thú y tỉnh và các địa phương luôn chú trọng thực hiện tốt các biện pháp tiêm phòng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xuất hiện dịch bệnh. Tuy nhiên, việc dịch bệnh không xuất hiện trong thời gian dài cũng gây ra những khó khăn nhất định cho công tác phòng chống dịch, xuất hiện tâm lý chủ quan trong người chăn nuôi. Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền cho người dân về những tác hại của dịch bệnh đã được thú y tại các huyện, thị tăng cường thực hiện và phần nào đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trước loại dịch bệnh này.

Ông Nguyễn Văn Hạng, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Tân Uyên, cho biết thông qua lực lượng thú y cơ sở cũng như lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp khu ấp, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã đến với người dân. Ngoài ra, trạm còn thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền khác như đài truyền thanh huyện, băng-rôn, tờ bướm... Nhờ thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền nên đã giúp dân nâng cao ý thức với việc phòng, chống dịch bệnh. “Để có thể ứng phó tốt với các tình huống có thể xảy ra, năm nay Trạm Thú y huyện Tân Uyên tăng cường lực lượng phòng chống dịch nhiều hơn so với năm trước, đồng thời lập các tổ kiểm tra thường xuyên nhắc nhở các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh”, ông Hạng nói.

 Lực lượng thú y tịch thu gia cầm sống chưa qua kiểm dịch được bày bán tại chợ Thủ Dầu Một Ngoài các địa phương làm tốt công tác phòng chống dịch, vẫn còn đó nhiều hộ chăn nuôi GC nhỏ lẻ thiếu ý thức phòng chống dịch bệnh; tình trạng buôn bán GC sống chưa qua kiểm dịch vẫn còn... Đây chính là những khó khăn làm hạn chế hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh GC trên địa bàn tỉnh. Do vậy, ông Tạ Trọng Khang khuyến cáo: Khi có GC bệnh, GC chết không rõ nguyên nhân, người dân cần báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở, thú y huyện hoặc Chi cục Thú y tỉnh; để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng, người dân cần thực hiện tốt nguyên tắc “5 không”, gồm không giấu dịch; không mua gia cầm bệnh và sản phẩm của GC mắc bệnh; không bán tháo GC mắc bệnh; không tự vận chuyển GC bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác GC nghi mắc bệnh bừa bãi.

CAO SƠN

* Ông DIÊP KỈNH TẦN, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT: “Nguy cơ lây lan dịch bệnh ra diện rộng là rất lớn...”

Nguy cơ về dịch bệnh trong thời gian tới là còn rất phức tạp. Vì vậy, các địa phương không nên chủ quan trước dịch bệnh, cần lập đoàn kiểm tra và thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc. Nếu các địa phương không quyết liệt thì nguy cơ lây lan dịch bệnh ra diện rộng là rất lớn. Cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tự bảo vệ mình.

* Ông HOÀNG VĂN NĂM, quyền Cục trưởng Cục Thú y- Bộ NN-PTNT: “Dịch bệnh đang giảm dần, nhưng đừng vì thế mà chủ quan...”

Đến nay, cả nước có 10 tỉnh có dịch chưa qua 21 ngày. Các tỉnh có dịch cũng đã tiến hành tiêu hủy khoảng 51.000 con gà, vịt, ngan, ngỗng. Hiện nay, thời tiết đang diễn biến phức tạp, do vậy vi-rus cúm gia cầm đang có sự biến đổi nên gây ra những khó khăn nhất định, đòi hỏi phải có sự thay đổi trong chiến lược sử dụng vắc-xin. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng giảm dần. Nhận xét một cách tổng quan thì chúng ta đã thực hiện khá đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhưng đừng vì thế mà chủ quan...

* Ông TRẦN THANH DƯƠNG, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế: “Việc phát hiện ổ dịch của chính quyền cơ sở còn chậm...”

Có từ 80 - 90% các ca nhiễm cúm là từ gia cầm lây sang người, chưa xác định được khả năng lây lan dịch cúm từ người sang người. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là việc phát hiện ổ dịch tại một số địa phương của chính quyền cơ sở còn chậm, nên công tác dập dịch chưa hiệu quả. Tiêm vắc-xin là một biện pháp phòng chống, nhưng để phòng chống hiệu quả cần phối hợp với các biện pháp tổng hợp khác như giống, môi trường chăn nuôi...

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên