Quyết liệt ứng phó bệnh dịch, hướng đến chăn nuôi an toàn, bền vững

Cập nhật: 29-05-2019 | 15:44:31

Ngay sau khi bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại nước ta, tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch ứng phó, triển khai đến các địa phương. Tuy vậy, dù các ngành, địa phương rất tích cực kết hợp giữa tuyên truyền với vệ sinh tiêu độc, tiêm phòng, khử trùng chuồng trại nhưng vẫn không tránh khỏi bệnh dịch vì con đường lây lan quá rộng, cộng với sự tồn tại của vi rút trong rất nhiều nguồn, vật chủ lây bệnh.

Cán bộ thú y kiểm tra xe ra vào tại lò mổ gia súc tập trung Út Hảo (TX.Dĩ An). Ảnh: DUY CHÍ

Lập “hàng rào” nhiều lớp phòng chống dịch

Là huyện nông thôn nhưng Bắc Tân Uyên có hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại thuận lợi, lại tiếp giáp vùng chăn nuôi heo lớn nhất cả nước vừa công bố xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi là tỉnh Đồng Nai, vừa giáp ranh với huyện Phú Giáo - nơi vừa xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi. Để có kế hoạch ứng phó kịp thời, hợp lý với bệnh dịch, UBND huyện nhận định Bắc Tân Uyên là huyện chăn nuôi heo quy mô trang trại khá phát triển, một số trang trại có mối quan hệ buôn bán heo thường xuyên với các tỉnh phía Bắc và Trung Quốc. Thực tế đó cho thấy nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện từ phương tiện vận chuyển heo là rất cao.

Ông Nguyễn Hùng Sơn, Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết đến thời điểm này các trang trại chăn nuôi heo tập trung trên địa bàn vẫn bảo đảm an toàn dịch bệnh. Các trang trại đã thực hiện đồng bộ các giải pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng trong và ngoài phạm vi chuồng trại; hạn chế người và phương tiện ra vào; khi ra vào khu vực an toàn phải bảo đảm các quy định vệ sinh, cách ly... Cách làm phối kết hợp trên được hình dung như hệ thống hàng rào nhiều lớp trong phòng chống bệnh dịch, bảo đảm an toàn cho các chuồng trại chăn nuôi trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo, sản phẩm của heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố có tổng đàn heo lớn cũng rất cao. Cùng với đó, các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm thịt heo, kể cả sản phẩm thịt heo đã qua chế biến chín cũng có thể đưa vi rút bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Trên cơ sở đó, UBND huyện Bắc Tân Uyên quyết định thành lập thêm 5 chốt liên ngành kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tạm thời thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh trên động vật tại các bến đò ngang qua lại sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn huyện. Các trạm này hoạt động song hành với hoạt động của các bến đò ngang. Riêng chốt kiểm dịch cầu Tam Lập (xã Tân Định) tiếp giáp giữa huyện Bắc Tân Uyên với huyện Phú Giáo sẽ hoạt động liên tục 24/24 giờ. Các chốt kiểm dịch thực hiện nhiệm vụ: Tạm dừng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật để kiểm tra hồ sơ, giấy tờ có liên quan; kiểm tra tình trạng vệ sinh thú y theo quy định của pháp luật; thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông qua chốt kiểm dịch...

Là người lái xe giao cám thường xuyên cho các trang trại chăn nuôi trên địa bàn các địa phương huyện Bàu Bàng, TX.Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên, TX.Tân Uyên, anh Nguyễn Minh Triệu cho hay các trang trại lớn trên địa bàn tuân thủ rất nghiêm ngặt quy định cách ly, sát trùng đàn gia súc. Xe anh chở cám khi đến nơi phải đậu ngoài khu vực trang trại để xịt thuốc sát trùng trước khi vào đậu tại bãi. Vào bên trong, xe tiếp tục phải qua bồn nước sát trùng và đậu chờ 2 tiếng đồng hồ mới được xuống hàng. Từ nhân viên lái xe, bốc vác đến nhân viên giao nhận hàng đều phải thực hiện tắm rửa, thay quần áo, giày dép do trang trại cung cấp và không được tự ý di chuyển đến khu vực chăn nuôi.

Còn kẽ hở trong kiểm soát?

Không chỉ địa bàn nông thôn, tại các địa phương có mức độ đô thị hóa mạnh như TX.Dĩ An, TX.Thuận An, TX.Tân Uyên... số hộ nuôi heo tự phát trong khu dân cư bằng thức ăn thừa lấy từ các quán ăn, nhà hàng vẫn còn tồn tại, dù chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động, hướng dẫn chuyển đổi ngành nghề vì việc chăn nuôi trong khu vực này vừa gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với văn minh đô thị vừa tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh dịch. Ông Phạm Văn Dũng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y TX.Dĩ An, cho biết trên địa bàn hiện còn khoảng 3.000 con heo nuôi theo kiểu hộ gia đình. Các hộ này đã cam kết chấm dứt chăn nuôi trong năm 2019. Về phía ngành thú y, thường xuyên tổ chức tiêm phòng, cấp thuốc vệ sinh tiêu độc định kỳ cho các hộ này nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Tại TX.Tân Uyên, số hộ nuôi heo bằng thức ăn thừa vẫn còn hoạt động tại các phường Thái Hòa, Khánh Bình... Theo kế hoạch hành động bứt phá, hiệu quả của UBND thị xã về bảo vệ môi trường, sẽ chấm dứt hoạt động chăn nuôi heo trong khu dân cư trong năm 2019.

Trò chuyện với phóng viên, ông Huỳnh Ngọc N., ở xã Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên đang nuôi 47 con heo các loại bằng việc kết hợp giữa cám với thức ăn thừa suốt hơn 20 năm qua, cho biết: “Mình nuôi heo lâu rồi nên có kinh nghiệm chọn lọc, chăm sóc đàn heo. Khi heo còn nhỏ tôi cho ăn cám, đến khi khỏe mạnh thì chuyển sang ăn thức ăn thừa lấy từ các quán ăn để tiết kiệm chi phí. Cứ nghĩ nuôi heo số lượng ít sẽ không bị bệnh dịch nên tôi không tiêm ngừa. Đây là lần thứ hai heo của gia đình bị chết, tôi mất hết vốn liếng”.

Quan sát xe ra vào tại một số trang trại nuôi heo tập trung cũng như lò giết mổ quy mô lớn trên địa bàn tỉnh chúng tôi ghi nhận một thực tế, khi xe vào thì việc kiểm soát vệ sinh được thực hiện nghiêm ngặt, nhưng khi xe ra, kể cả người ra khỏi khu vực chuồng trại, khu vực giết mổ thường không được quan tâm khử trùng, làm vệ sinh như khi đi vào nhằm “chặt đứt” khả năng lây truyền, phát tán mầm bệnh nếu có. Chính vì vậy, việc chỉ tập trung kiểm soát đầu “vào” mà chưa quan tâm đến đầu “ra” là còn kẽ hở cho dịch bệnh phát sinh, phát tán.

Hướng đến chăn nuôi an toàn, bền vững

Ông Vũ Đức Chấn, quản lý lò mổ gia súc tập trung Út Hảo (TX.Dĩ An), cho biết lò mổ hoạt động đúng quy chuẩn “từ trang trại đến bàn ăn” và phân phối thịt cho các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp lớn và hệ thống bán lẻ trên địa bàn TX.Dĩ An, TX.Thuận An, TX.Tân Uyên và TP.Hồ Chí Minh, công suất mỗi ngày từ 280 - 350 con heo. Từ khi xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi tại nước ta đến nay, công suất lò mỗ vẫn duy trì ổn định 2 ca/ ngày. Giá heo hơi lò mổ mua vào từ các trang trại chăn nuôi tập trung, công ty chăn nuôi luôn cao hơn giá heo nuôi tại các hộ nhỏ lẻ từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, cụ thể giá công ty là 37.000 - 38.500 đồng/kg.

Lý do có sự chênh lệch giá nói trên là vì heo nuôi tại các trang trại, công ty bảo đảm an toàn. Người mua bán heo tại các đơn vị này cũng không bị ảnh hưởng vì luôn cung cấp thịt tươi ngon cho thị trường, khách hàng an tâm, tin tưởng mua về sử dụng.

Con đường đi đến hệ thống chăn nuôi an toàn, bền vững đòi hỏi sự quyết tâm nhiều hơn nữa từ người chăn nuôi đến cơ quan quản lý nhà nước. Vụ xử lý doanh nghiệp nhập khẩu thịt gà “hết đát” lưu kho đông lạnh vừa qua là một minh chứng: Khi bị phát hiện, cơ quan chức năng yêu cầu tiêu hủy thì doanh nghiệp này gửi đơn xin được bán làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Cơ quan ra quyết định tiêu hủy tiếp tục kiến nghị phải tiêu hủy số thịt gà này để tránh tình trạng “người dùng không được thì đem chế biến thức ăn cho gia súc”.q

Theo đại diện một số công ty chăn nuôi, hiện nay mức hỗ trợ heo nhiễm bệnh dịch bằng 80% giá thị trường là rất phù hợp, thể hiện quyết tâm của Nhà nước hướng đến nền chăn nuôi an toàn, bền vững để người dân không giấu dịch, không sợ dịch; khi dịch bệnh xảy ra chính quyền dễ dàng ngăn chặn, xử lý.

DUY CHÍ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên