Ra quân chấn chỉnh nạn khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng

Cập nhật: 15-08-2018 | 09:45:15

Trước tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát bát nháo trong lòng hồ Dầu Tiếng khiến người dân bức xúc, dư luận phản ánh, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Bình Dương đã thể hiện tinh thần quyết tâm lập lại trật tự. Song song với công tác này, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương và Tây Ninh cũng đã nhìn thẳng vào sự thật đang tồn tại để đánh giá, thực hiện kế hoạch kiểm tra, ký kết quy chế phối hợp giữa hai tỉnh.

Ồ ạt tập kết cát ven bờ hồ

Hồ Dầu Tiếng được xếp vào công trình an ninh quốc gia. Địa danh này được biết đến có nhiều mỏ cát với trữ lượng khá lớn. Ngoài ra, công trình “đại thủy lợi” hồ Dầu Tiếng đã cung cấp nước cho nhiều tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam bộ. Hồ Dầu Tiếng được nhiều người biết đến là điểm du lịch của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, lợi dụng việc được ngành chức năng của tỉnh cấp phép hoạt động bến thủy nội địa (BTNĐ) ven bờ hồ Dầu Tiếng, thuộc xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, nhiều chủ doanh nghiệp đã tham gia vào việc khai thác, vận chuyển cát trái quy định. Từ đó đã gây ra nhiều hệ lụy khiến người dân bức xúc. Trước việc này, các sở, ngành hữu quan của tỉnh Bình Dương cũng đã từng bước lập hồ sơ để xử lý, chấn chỉnh nhằm lập lại trật tự khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trên khu vực lòng hồ Dầu Tiếng.


Theo quy định, tàu thuyền BTNĐ không được gắn dụng cụ bơm, hút. Tuy nhiên nhiều tàu thuyền của BTNĐ đã sử dụng tàu, thuyền có công năng để bơm, hút cát

Theo tìm hiểu của P.V Báo Bình Dương, thời gian qua, trên bờ hồ Dầu Tiếng thuộc xã Minh Hòa, có gần 20 BTNĐ được ngành chức năng tỉnh Bình Dương cấp phép hoạt động. Theo nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, nguyên nhân chính xảy ra tình trạng bát nháo nạn khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trong lòng hồ Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng trong thời gian gần đây là do chủ BTNĐ ký hợp đồng gia công, mua bán cát với doanh nghiệp được tỉnh Tây Ninh cấp phép khai thác cát xây dựng, kéo theo nhiều hệ lụy.

Cụ thể đường ĐT749B, ĐT744 đoạn qua huyện Dầu Tiếng nhanh xuống cấp. Môi trường sống của người dân bị xâm hại từ bụi cát. Nguồn nước hồ Dầu Tiếng có dấu hiệu bị ô nhiễm ảnh hưởng phần nào do khai thác và vận chuyển cát.

Được tháp tùng cùng đoàn công tác liên ngành của tỉnh Tây Ninh, Bình Dương kiểm tra các phương tiện tàu, thuyền của gần 20 BTNĐ ở xã Minh Hòa vào một ngày cuối tháng 7, P.V đã hiểu sâu hơn về quy trình “rửa cát” của nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại đây. Lội qua những con đường rộng lớn dưới bóng cây cao su được các chủ BTNĐ khai mở để vận chuyển cát đi tiêu thụ, ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, nói: “Hiện nay tỉnh Bình Dương chỉ cấp một giấy phép khai thác cát cho Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương. Trong khi đó nhiều chủ doanh nghiệp lập BTNĐ để khai thác, vận chuyển cát trong lòng hồ Dầu Tiếng là chưa đúng với quy định”.

Để chứng minh lời mình, ông Tân đưa ra nhiều văn bản được ngành chức năng của 2 tỉnh phối hợp kiểm tra các phương tiện tàu, thuyền có gắn thiết bị bơm, hút cát của nhiều BTNĐ phải di dời ra khỏi lòng hồ Dầu Tiếng trong thời gian tới. Ông Tân nói: “Tàu, thuyền của doanh nghiệp nào được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác và đã đăng ký hoạt động khai thác cát với các cơ quan Nhà nước thì mới được bơm, hút cát. Những tàu, thuyền của các BTNĐ không có giấy phép khai thác cát mà có gắn thiết bị bơm, hút cát chủ yếu phục vụ khai thác cát trái phép. Một thực tế hiện nay là nhiều doanh nghiệp hoạt động tại ấp Hòa Lộc, Hòa Thành, xã Minh Hòa đã lợi dụng BTNĐ để ký hợp đồng gia công với nhiều doanh nghiệp của Tây Ninh được tỉnh này cấp phép khai thác cát. Theo đó, nhiều chủ BTNĐ ở đây đã điều phương tiện có gắn máy bơm, hút cát đến điểm, mỏ cát trên lòng hồ Dầu Tiếng hút cát theo địa điểm, số lượng cát mà họ đã ký kết với doanh nghiệp bên Tây Ninh.

Cụ thể như doanh nghiệp tư nhân Lan Bình, Phương Hướng, Trần Doãn, DATICO, Nam Sơn Hà… đã ký hợp đồng gia công với một số doanh nghiệp được tỉnh Tây Ninh cấp phép khai thác cát trên lòng hồ Dầu Tiếng, thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh. Ngoài ra, một điều bất hợp lý là doanh nghiệp Liên Hoàng được tỉnh Tây Ninh cấp phép khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng nhưng lại lập BTNĐ trên địa bàn xã Minh Hòa để tập kết cát và vận chuyển đi tiêu thụ trên địa bàn Bình Dương. Như vậy, các sở, ngành liên quan của tỉnh Tây Ninh và Bình Dương rất khó khăn trong việc kiểm soát sản lượng cát đã khai thác đối với doanh nghiệp này”.

Vẫn còn tiếp diễn

Trở lại xã Minh Hòa vào ngày 5-8, chúng tôi ghi nhận, trên tuyến đường ĐT749B, ĐT744 qua xã Minh Hòa vẫn xuất hiện nhiều đoàn xe khủng vận chuyển cát đi tiêu thụ. Nhiều xe chở cát không phủ bạt, chạy quá tốc độ gây nên “bão cát” tấn công vào nhà dân và luôn tiềm ẩn về tai nạn giao thông khiến người dân địa phương bức xúc.

Chỉ tay về hướng những đống cát cao ngất của doanh nghiệp tư nhân Mười Tuồng, doanh nghiệp tư nhân Lan Bình (ấp Hòa Lộc), ông Nguyễn Văn H., ngụ xã Minh Hòa, nói: “Trong số hàng trăm, hàng ngàn mét khối cát tại bãi cát Mười Tuồng, Lan Bình… được chủ BTNĐ tập kết về đây, có bao nhiêu phần trăm là cát hợp pháp thì chỉ có chủ doanh nghiệp mới biết mà thôi. Ngoài việc doanh nghiệp của tỉnh ta ký hợp đồng gia công cho doanh nghiệp Tây Ninh, khi vắng bóng lực lượng chức năng tuần tra trên hồ, tàu thuyền của BTNĐ ở xã Minh Hòa đã lén lút bơm, hút cát trên lòng hồ Dầu Tiếng. Chúng tôi cho rằng số cát có trên bãi của các chủ BTNĐ đều có cát lậu được xe tải thùng chở đi tiêu thụ làm hư hỏng đường sá”.

Tương tự, bà Trần Thị L. (ngụ ấp Hòa Thành, xã Minh Hòa), cho biết: “Cát trong lòng hồ Dầu Tiếng là nguồn tài nguyên quốc gia. Tuy nhiên, thời gian qua nạn khai thác cát bát nháo đã khiến ngành chức năng khó kiểm tra xử lý. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo các ngành chức năng liên quan, chính quyền các cấp cần lập lại trật tự khai thác cát trên lòng hồ để khoáng sản không bị thất thoát. Ngành Thanh tra giao thông của tỉnh cần tăng cường xử lý các xe chở cát quá tải trọng lưu thông trên tuyến đường ĐT749B, ĐT744”. (còn tiếp)

Theo tìm hiểu của P.V, thời gian qua, ngoài những bến bãi hoạt động trái phép, ngành chức năng của tỉnh cấp 19 giấy phép hoạt động BTNĐ cho doanh nghiệp hoạt động ven hồ Dầu Tiếng, thuộc địa phận huyện Dầu Tiếng. Nhiều BTNĐ nằm liền kề nhau, tại đây luôn chứa hàng trăm m3 cát.

Liên quan đến việc cấp phép cho BTNĐ hoạt động, trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa IX, lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải cho rằng quá trình cấp phép, ngoài việc tuân thủ theo Thông tư số 50/2014/TT- BGTVT ngày 17-10-2014 của Bộ Giao thông - Vận tải, Sở Giao thông - Vận tải đều lấy ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của UBND huyện Dầu Tiếng và Ban quản lý lòng hồ Dầu Tiếng. Tại thời điểm xin cấp giấy phép, cả 19 BTNĐ này đều có hợp đồng khai thác, gia công, ký với các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng.

THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên