Ra quân chấn chỉnh nạn khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng

Cập nhật: 16-08-2018 | 09:14:25

Trước việc bát nháo tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trên lòng hồ Dầu Tiếng khiến người dân bức xúc, dư luận phản ánh, ngày 12-8, công an các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Bình Phước đã tổ chức hội nghị ký kết phối hợp phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn giáp ranh giữa 3 tỉnh trên.


Các sở, ngành liên quan của tỉnh Bình Dương và Tây Ninh tăng cường phối hợp để kiểm tra, xử lý các phương tiện tàu thuyền của các BTNĐ có sai phạm

Đề ra các giải pháp căn cơ

Theo báo cáo tại hội nghị, thời gian qua 3 địa phương đã có 30 vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản cát trên lòng hồ. Ngành chức năng 3 tỉnh cũng đã tiến hành khảo sát thực tế để đánh giá tình hình hoạt động khai thác cát trong hồ.

Nói về những giải pháp trong thời gian tới trong việc lập lại trật tự trên lòng hồ Dầu Tiếng, ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, cho rằng: “Thời gian qua, số bến bãi tập kết cát đã được cấp vượt quá nhiều so với các giấy phép được cấp phép khai thác. Bên cạnh đó, còn có 23 bến không gắn với giấy phép khai thác, chính là nơi tập kết cát khai thác không phép gây thất thoát nguồn thu, như: Thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Việc kiểm tra, kiểm soát cát hoạt động của bến thủy nội địa (BTNĐ) và hoạt động mua bán cát trên các bãi cát còn lỏng lẻo, dẫn đến không kiểm soát được toàn bộ tài nguyên cát khai thác trong hồ Dầu Tiếng”.

Trước đó, ngày 20-6, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương và Tây Ninh tổ chức cuộc họp. Theo tinh thần nội dung buổi họp này, các bên liên quan đã bàn về công tác quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng và trên sông Sài Gòn. Theo đó, lãnh đạo UBND hai tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương 2 tỉnh tăng cường phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh, đặc biệt là khu vực hồ Dầu Tiếng. Thông qua buổi làm việc của lãnh đạo UBND hai tỉnh cùng với lãnh đạo của các sở, ngành liên quan của 2 tỉnh đã thống nhất xem xét rút giấy phép BTNĐ của các tổ chức, cá nhân không có giấy phép khai thác khoáng sản.

Theo dự kiến, phía Tây Ninh sẽ rút 1 giấy phép, Bình Dương 17 giấy phép. Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND của hai tỉnh đã thống nhất thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của hai tỉnh tiến hành tổ chức kiểm tra các phương tiện khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng. Nếu trong lúc kiểm tra, phát hiện những phương tiện tàu, thuyền nào của các BTNĐ không đúng theo quy định sẽ lập biên bản buộc di dời ra khỏi lòng hồ Dầu Tiếng trong thời gian tới.

Kiên quyết xử lý

Trên cơ sở xem xét kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường về kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, kinh doanh cát xây dựng trong lòng hồ Dầu Tiếng, ngày 16-7, lãnh đạo UBND tỉnh ban hành Công văn số 3197/UBND-KTN gửi đến các sở, ngành, UBND huyện Dầu Tiếng và đơn vị chức năng liên quan. Theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh được thể hiện trong văn bản này thì các đơn vị liên quan cần khẩn trương thực hiện việc rà soát, chấn chỉnh việc hoạt động của các BTNĐ, chỉ cho phép các BTNĐ có gắn với giấy phép khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh cấp phép hoạt động.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh thì các đơn vị liên quan cần nhanh chóng tổ chức kiểm tra các phương tiện thủy hoạt động khai thác, vận chuyển trong lòng hồ Dầu Tiếng; xử lý nghiêm các phương tiện không đạt chuẩn, không đăng ký đăng kiểm. Khẩn trương cắm mốc vùng bán ngập để bàn giao cho địa phương quản lý. Trước mắt thực hiện việc cắm mốc ranh giới vùng bán ngập tại các khu vực nhạy cảm, có nhiều bến bãi tập kết cát. Theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh thì giao việc triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, kinh doanh cát xây dựng trong hồ Dầu Tiếng cho Sở Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan đầu mối chủ trì để báo cáo UBND tỉnh.

Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, cho biết thêm: “Vừa qua, chúng tôi phối hợp với sở, ngành liên quan của tỉnh Tây Ninh tổ chức kiểm tra toàn bộ các BTNĐ trên địa bàn xã Minh Hòa, Định An. Qua đó đã lập nhiều biên bản để từng bước xử lý dứt điểm, buộc 32 tàu thuyền của BTNĐ có gắn dụng cụ bơm hút cát, phải di dời ra khỏi lòng hồ trong thời gian tới”.

Ông Nguyễn Đỗ Vũ, Chánh Thanh tra giao thông, Sở giao thông - Vận tải Bình Dương, cho biết: “Tuyến đường ĐT749B có trọng tải 10 tấn. Tới đây, chúng tôi sẽ đặt Trạm cân lưu động trên tuyến đường này để kiểm tra đối với những xe tải chở cát quá tải đi qua tuyến đường này. Nếu phát hiện trường hợp nào trọng tải vượt mức 10 tấn sẽ tiến hành lập biên bản xứ lý. Đồng thời sẽ xử lý nghiêm đối với những xe chở cát lưu thông không phủ bạt, để bụi cát phát tán khi lưu thông. Ngoài ra, lực lượng của đơn vị phối hợp với lực lượng liên quan theo dõi những phương tiện tàu, thuyền lưu thông trên lòng hồ, nếu phát hiện tàu, thuyền chở quá tải, hay có dấu hiệu khai thác, vận chuyển cát trái phép sẽ phối hợp với đơn vị liên quan để xử lý nghiêm theo quy định”.

Trong khi đó, đại úy Trịnh Quốc Long Khánh, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Thời gian qua, lực lượng của đơn vị đã phối hợp với lực lượng cảnh sát Phòng PC49 Công an tỉnh thường xuyên tổ chức tuần tra trên lòng hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận Bình Dương quản lý. Qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc có liên quan đến những đối tượng sử dụng phương tiện bơm hút cát trái phép. Trong công tác thực hiện quy chế phối hợp, thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh để xử lý kiên quyết đối với người vi phạm”.

THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên