Ra quân Chiến dịch vệ sinh môi trường và truyền thông phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết và Tay chân miệng: Huy động tổng lực cả cộng đồng

Cập nhật: 21-08-2012 | 00:00:00

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) vẫn còn đang diễn biến phức tạp, để chủ động ngăn chặn nguy cơ bùng phát thành dịch, UBND tỉnh đã chỉ đạo huy động tổng lực từ các cấp và cộng đồng thực hiện Chiến dịch vệ sinh môi trường và truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH và TCM.

 Vệ sinh môi trường là một trong những biện pháp tích cực phòng, chống dịch bệnh SXH Mục tiêu của chiến dịch là huy động tổng lực từ các cấp và cộng đồng tạo ra một phong trào rầm rộ, triệt để và toàn diện trong phạm vi toàn tỉnh nhằm hạ thấp mật độ muỗi vằn trong thời gian ngắn nhất để giảm nhanh sự lan truyền bệnh SXH. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người, làm chuyển đổi thói quen vệ sinh để hạn chế sự lây truyền bệnh TCM, góp phần làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do SXH và TCM, khống chế không để dịch xảy ra.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH và TCM. Qua đó tổ chức 2 đợt chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, đợt 1 vào ngày 18 và 19-8, đợt 2 vào ngày 25 và 26-8. Điểm chính yếu của chiến dịch là hoạt động đến tận hộ gia đình, tuyên truyền vận động người dân cùng thực hiện các biện pháp loại trừ lăng quăng và tuyên truyền về vệ sinh khi chăm sóc trẻ em.

Trong đợt 1 ra quân chiến dịch vào ngày 18 và 19-8 vừa qua, chúng tôi ghi nhận công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn ra khá tốt. Các hộ gia đình được nhóm vãng gia đến từng hộ phát những tờ rơi về cách nhận biết bệnh SXH và TCM, kiểm tra lăng quăng trong các vật dụng chứa nước, hướng dẫn cách triệt nơi sinh sản của muỗi để phòng bệnh SXH và hướng dẫn vệ sinh khi chăm sóc trẻ để phòng bệnh TCM. Nhóm huy động cộng đồng tham gia vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm quanh nhà, khơi thông cống rãnh thoát nước, dẹp bỏ hoặc lật úp các vật dụng, phế liệu ứ đọng nước... Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số nhóm vãng gia làm công tác này qua loa và ý thức người dân trong công tác phòng chống bệnh chưa cao.

Ông Lữ Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế TX.Thuận An cho biết: Công tác phòng chống bệnh SXH và TCM trên địa bàn được UBND thị xã quan tâm chỉ đạo triệt để. Toàn thị xã đã thành lập 379 nhóm vãng gia (1.137 người) và 190 nhóm huy động cộng đồng (570 người). Các nhóm vãng gia đã tiếp cận và hướng dẫn hộ gia đình các biện pháp vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh; thu gom phế liệu, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, kiểm tra dụng cụ chứa nước, thả cá diệt lăng quăng...

Ông Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế Bình Dương nhận xét: Nhìn chung công tác phòng chống dịch bệnh SXH và TCM được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh khá tốt. Nhóm vãng gia tuyên truyền đến tận các hộ gia đình, vận động người dân thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi đúng theo phương châm “không có lăng quăng, không có muỗi, không có SXH”. Tuy nhiên, nhiều nơi, nhiều người chưa thực sự quan tâm phòng ngừa, dù rất đơn giản là vệ sinh cá nhân và diệt lăng quăng.

Từ đầu năm đến ngày 30-6, toàn tỉnh có 1.912 ca mắc SXH, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó có 2 trường hợp tử vong. TCM có số mắc 905 ca, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2011, không có ca tử vong.

T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên